NHẬN THỨC VÀ GIỚI- ĐỊNH- HUỆ
Chúng ta đã biết nhận thức là sự hiểu biết rõ ràng và đầy đủ về một vấn đề, một sự kiện, một nội dung cố định. Do đó, nhận thức phải trải qua một thời gian tìm hiểu, học hỏi, khảo sát, tiếp theo chúng ta phải thực hành, hay áp dụng nó trong đời sống, để có nhiều kinh nghiệm, chứng minh lại sự hiểu biết qua lý thuyết của mình là đúng. Nhờ quá trình thực hành lặp lại nhiều lần này, ký ức của chúng ta dễ dàng ghi nhớ từ bước đầu cho tới bước cuối của tiến trình hình thành nhận thức. Do đã trải qua thời gian rút kinh nghiệm, nên nhận thức cuối cùng thường là đúng, trên cả hai mặt lý thuyết và thực hành. Thí dụ một người chơi tennis giỏi là vì đã học lý thuyết đúng, và đã thường xuyên tập luyện nên có phản ứng nhanh, nhiều kinh nghiệm, mình nói là người này đã có nhận thức đúng về chơi tennis. Thí dụ một người lái xe, thỉnh thoảng bị phạt vì chạy quá tốc độ trên xa lộ, mình biết là người này chưa có nhận thức đúng về việc lái xe, hay có nhận thức sai về việc lái xe trên xa lộ, tưởng là không có cảnh sát giao thông trên xa lộ nên cứ phóng nhanh khi đường trống v.v...
Vậy nhận thức đúng sẽ đưa tới kết quả tốt, nhận thức sai đưa tới kết quả không tốt. Nhưng tại sao có nhận thức sai? Là vì có cái chủ quan chen vào, có thể vì mình cẩu thả, lơ đểnh, hay không theo đúng luật pháp, hay qui định của thế gian. Do đó, hễ còn tâm đời, nhiều tham ái, sân hận, si mê, thì nhận thức vẫn nhiều khi bị sai lầm.
Trong cuộc đời thường, nhận thức có một vai trò rất quan trọng, cần thiết. Muốn có kết quả tốt, luôn luôn phải có nhận thức đúng về việc đó. Mà đúng là sao? Là phù hợp với luật pháp, phù hợp với đạo đức, truyền thống tốt đẹp của xã hội, của tôn giáo mình, hữu ích cho mình và không làm hại tới người khác.
Nhận thức chỉ đạo tất cả mọi ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta từ khi chúng ta có trí khôn cho tới bây giờ, vậy mà chúng ta có thể không để ý. Bởi thế nên cuộc sống của chúng ta có khi vui mà cũng nhiều khi buồn phiền. Buồn phiền là vì mình chưa có nhận thức đúng về cuộc đời. Mình chưa hiểu biết những chân lý điều hành cuộc đời, điều hành thế gian.
Khi bắt đầu suy tư về khuyết điểm sống của mình, là mình bắt đầu tỉnh ngộ, mình tìm tới Phật pháp, học những lời giảng dạy của bậc giác ngộ.
Những chân lý không thay đổi theo thời gian hay không gian, mà Đức Phật đã chứng nghiệm, thực ra nó không phải là một cái gì cao xa huyền bí đến đỗi chúng ta phải bôn ba tìm kiếm nơi xa xôi nào. Nó chính là thực tại trước mắt chúng ta, ngay giây phút này, nó hiển lộ rõ ràng, chưa bao giờ che giấu.
Chúng ta quan sát thực tại nghiêm chỉnh đi, tự mình nhận ra ngay. Tại sao cây này lá xanh tốt, cây kia héo khô, thì ra vì nó thiếu nước. Sao người này hiền lành, người kia lại hay sân hận? Có lẽ một người được cha mẹ chăm sóc thương yêu dạy dỗ, người kia không có những hoàn cảnh tốt ? v.v...Chúng ta sẽ nhớ ngay tới qui luật quan trọng chi phối cuộc đời này mà Đức Phật đã nhận ra: Y Duyên tánh, mọi sự vật trên đời đều khởi ra do nhân duyên. Vô số nhân duyên, không tính kể được.
Từ cái nhận thức này, mới khởi thêm những nhận thức sâu xa khác:
- Bởi do vô số nhân duyên, nên mọi sự vật phải tùy thuộc vào nhân duyên mà thay đổi luôn. Thuật ngữ gọi là Vô thường.
- Do đó là có Xung đột, hay Bất toại nguyện, hay Khổ, vì mình chỉ muốn nắm giữ những cái “của mình”.
- Bởi thay đổi hoài, không có lõi cứng, không có thực chất, gọi là Vô Ngã, hay không thực chất tánh.
- Vậy bản thể của thế gian là Trống Không.
- Trong thực tế, thế gian này hiện hữu nhưng chỉ là Huyễn có mà thôi.
- Bản thể cuối cùng, thế gian này là Như Vậy, không thể bàn luận gì thêm.
- Và tất cả, người hay cảnh, đều Bình đẳng. Vì tất cả những đặc tính, đều bình đẳng áp dụng cho tất cả, không loại trừ ai, không loại trừ vật nào.
Như vậy, trí tuệ hiểu biết tất cả những chân lý trong đời, chỉ là những nhận thức. Chúng ta đã được học kinh điển Đức Phật giảng dạy rõ ràng, từ lâu xa, vậy mà sao mình vẫn còn buồn phiền, còn mong ước những việc nhỏ nhặt trong đời? Còn muốn nắm giữ cái gì trong tay? Tất cả rồi sẽ tuôn chảy như nước nắm trong bàn tay.
Biết rõ cuộc đời là vậy, bây giờ chúng ta bắt đầu cuộc hành trình đi tìm lại hạnh phúc chân thật cho mình. Trên đời có cái gì không tuôn chảy như nước? Làm sao đem lại bền vững an vui cho mình và cho tất cả mọi người?
Bước đầu tiên, mình giữ năm giới căn bản:
- Không giết hại.
- Không gian tham
- Không tà hạnh
- Không nói dối.
- Không uống những chất say.
Chúng ta chỉ cần giữ thân, lời và ý trong sạch, không làm điều xấu ác.
Tiến hơn một bước, chúng ta thường làm những việc thiện lành, lời nói và ý nghĩ cũng thiện lành.
Trong thời gian đầu tu tập này cũng cần có trí tuệ để biết cái nào ác, cái nào lành. Tức là phải có nhận thức đúng, hay ý thức phân biệt đúng sai rất quan trọng. Đây cũng là Giới, đưa tới kết quả tất nhiên là cuộc sống bình an, tâm bình an, không toan tính, không lo âu, không sợ hãi, không hối hận. Cũng đồng thời phát sinh tâm từ, bi, hỷ, xả. Quí mến nhu hòa với tất cả mọi người, thấy ai cần giúp thì vui lòng giúp, thấy người khác vui, hạnh phúc, mình cũng vui theo. Như vậy, chỉ mới thực hành năm giới, mình đã bắt đầu kiểm soát được tham lam, sân hận, kiêu mạn, đố kỵ ganh ghét.
Những điều xấu ác bất thiện lần hồi không khởi lên, thì tâm an vui thanh thản, không dính mắc vào hiện tượng thế gian nữa. Tức là tâm Định trong đời sống, mới là Định vững chắc. Rồi cũng từ đây, trí tuệ sẽ càng ngày càng phát huy ra, nhìn cuộc đời khách quan, đúng như thực. Không suy nghĩ điên đảo, không xét đoán, không phê bình, không thương ghét. Không tạo ra nghiệp xấu ác nữa. Tâm xả là tâm cao thượng nhất, thể nhập Bình đẳng tánh, an trụ trong Vô phân biệt trí.
Hôm nay chúng ta có thêm một con đường đi đơn giản vô cùng, bắt đầu bằng lễ quy y Tam Bảo và thọ trì năm giới. Rất nhiều người trong chúng ta đã quy y Tam Bảo rồi, và cũng đã nhận ngũ giới. Có khi nào mình tự hỏi: “Sao mình tu hoài mà không thấy tiến?” Và có bạn nào đã có câu trả lời chưa?
Câu trả lời chỉ đơn giản là mình chưa có nhận thức đúng về Lễ quy y Tam Bảo và sự thọ trì Năm Giới.
Trong giới hạn của bài viết này, mình không nhắc lại những ý nghĩa đã từng giải thích trong các buổi lễ quy y cũng như sự truyền trao năm giới. Điều nên nói là mình chưa nhận ra đúng mức tầm quan trọng và cần thiết của những nghi thức này. Nói vắn tắt, nghi thức quy y Tam Bảo là để gieo một hạt giống bồ đề vào mảnh đất tâm của mình. Khi đã có hạt giống tốt, hạt giống giác ngộ, thì đủ nhân duyên chăm sóc, gìn giữ, sẽ có cây lá xanh tươi, hữu ích cho mình, cho người.
Hơn nữa, năm giới là đức hạnh nền tảng của nhân cách con người, nếu mình sống gìn giữ cẩn mật năm điều răn cấm đó, kết quả là hướng tới mục tiêu: thoát khổ cho mình và cho người khác. Vậy cũng đi đến cuối con đường chuyển hoá tâm.
Định là kết quả tất nhiên của Giới. Và Huệ chỉ là kết quả của Định.
Nói khác, trong Giới đã có mầm của Định và của Huệ.
Nếu bạn nào đi vào bằng con đường của Định, thì trong Định phải có mầm của Giới và Huệ. Nếu có Định mà không có Huệ thì là si định, nếu có Định mà không có Giới thì là tà định. Vậy, nếu mình chưa sống được năm điều của Giới khi quy y, thì đừng mơ tưởng tới Định hay Tuệ, chỉ là chuyện hão huyền.
Kết luận, dù chúng ta bước vào con đường chuyển hóa tâm mình, bằng cửa nào cũng vậy, chúng ta vẫn phải trắc nghiệm lại mình, tròn đủ ba mặt: Giới- Định- Huệ đồng thời, mới là giải thoát.
Thiền viện, ngày 2- 6- 2021
- Tag :
- Ni Sư Triệt Như
Nhận thức ngũ giới là nền tảng của tuệ.
Tuệ trí không lời, không còn người giữ giới.
Giới tự sanh mà không có người gìn giữ.
Giới tự sanh là nền tảng cho định tuệ phát sanh.
Còn người giữ giới là còn lời phân biệt.
Nhận thức không lời thì giới chỉ là giới vậy thôi.
Chân thật giới mới phát sinh chân định tuệ.