Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - BÀI 95
XÂU CHUỖI BỒ ĐỀ CỦA NGƯỜI BÌNH THƯỜNG
Bài này cũng chỉ tóm gọn lại con đường đi của đa số chúng ta, quá khứ là chuỗi ngày tháng nhọc nhằn, khổ cực, lo âu. Trong kinh thường gọi là “phàm phu”. Có thể qua nửa đời rồi mình mới tìm về Phật pháp. Tuy nhiên bước đầu chưa nhận định rõ con đường tu nên còn loanh quanh tìm kiếm.
1- TÂM TÁNH BẢN TỊNH: Phật và chư Tổ đã dạy nguồn gốc tâm thật sự của mỗi người là hoàn toàn trong sạch. Nhưng sao mình lại thấy chung quanh không thiếu những người xấu ác, chính mình cũng biết tâm mình còn nhiều lỗi lầm. Đó là do “khách trần nhiễm ô”, có nghĩa là do sống trong đời bị huân tập những thói quen xấu ác mà thành ra xấu ác. Vì thế tâm trong sạch, có trí huệ sáng suốt, nhưng mình không biết để khai triển nó ra, nó như bị chôn giấu sâu kín nhiều đời. Chúng ta không hay biết, xem như kho châu báu đó không có đối với “kẻ phàm phu”.
2- SỐNG TRONG GIA ĐÌNH: Từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ sinh ra đời rồi cứ sống theo những truyền thống chung của xã hội, không biết mình có kho báu “bản tâm thanh tịnh”, tháng ngày qua đi, chồng chất theo tuổi già là sầu bi khổ ưu não...Mình tiếp tục cái nếp sống đó, cam chịu nhiều điều bất như ý đối với cuộc đời.
3- DÍNH MẮC HIỆN TẠI: Tất cả những phiền não của mình rốt lại là do dính mắc với người khác, việc khác đang bao vây quanh mình. Trong hiện tại, toàn là những điều bất thường, thay đổi: nay mưa mai nắng, lúc nóng lúc lạnh, khi lũ lụt, khi cháy rừng, người lúc vui lúc buồn, khi sum họp, khi chia tay v.v..
4- DÍNH MẮC QUÁ KHỨ & TƯƠNG LAI: lúc rỗi rảnh, mình thường nhớ tới quá khứ, rồi thương rồi tiếc, có khi ân hận, nghĩ tới tương lai thường lo âu, phiền muộn. Tâm xúc cảm khơi dậy hoài làm cho những vết thương đau càng hằn sâu hơn những dấu ấn trong tâm, qua nhiều đời kết thành lậu hoặc, tùy miên, kiết sử.
5- KẾT QUẢ: THÂN BỆNH, TÂM PHIỀN NÃO: tâm luôn dao động, phóng túng, theo cảm xúc, lâu ngày gây nên những bệnh cho tâm và cho thân.
6- TỈNH NGỘ- TÌM VỀ PHẬT GIÁO: Giữa lúc thất vọng, buồn phiền, đau khổ, thường chúng ta quay lại cầu cứu nơi đức tin của cha mẹ, nếu khi xưa, cha mẹ ông bà hay đi chùa, dắt theo mấy đứa cháu nhỏ. Trong tâm trẻ thơ đã có một ấn tượng tốt, một hình tượng thánh thiện để mình cầu nguyện, để mình nương nhờ.
7- ĐI CHÙA- LỄ PHẬT- TỤNG KINH- SÁM HỐI: Chúng ta đi chùa, lễ Phật, học theo nghi thức tôn giáo, trang nghiêm đọc tụng kinh, chí thành sám hối. Mong sao nghiệp báo nhẹ nhàng đi, an vui hạnh phúc trở về.
8- KẾT QUẢ: TÂM AN. Những giờ phút tu tập trong chánh điện, ngắm nhìn vẻ đẹp từ bi, dáng tọa thiền uy nghi của Đức Phật, mình quên hết những rắc rối phiền toái của cuộc đời. Âm thanh tụng đọc bổng trầm, nhẹ nhàng đều đều, tiếng chuông, tiếng mõ nhịp nhàng cũng làm mình cảm thấy như đã xa lìa đau khổ, bước qua một cảnh giới khác êm đềm hơn, có Phật, có bồ tát. Tuy nhiên nếu chúng ta dừng lại ở đây, thì kết quả chỉ là tâm an, trong thời gian tu tập ở chùa mà thôi. Khi trở về nhà, tiếp tục nếp sống thường ngày, sự bình an trong tâm có thể không còn nữa.
9- NGHE PHÁP: Muốn chuyển hóa tâm thực sự, chúng ta cần tiếp tục tu học thêm. Cần hiểu giáo pháp vi diệu mà Đức Phật giảng dạy. Đó là những chân lý của con người và cuộc sống. Những chân lý này là phổ biến và khách quan, đúng trong mọi thời đại và mọi người, mọi loài. Chúng ta phải biết, phải hiểu và phải sống phù hợp với những chân lý đó, tức khắc không còn khổ, gọi là giải thoát, gọi là tỉnh thức, gọi là giác ngộ.
10- THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG: Nếu chúng ta chỉ học, hiểu thì chưa nếm được hương vị của giáo pháp, chưa trải nghiệm được những kết quả tốt đối với thân, tâm và trí tuệ của mình. Chúng ta phải đem áp dụng trong đời sống hàng ngày của mình, thì mới mong thông suốt các chân lý đó và hưởng được những kết quả thực tiễn cho mình và gia đình mình.
11- KẾT QUẢ: THÂN TÂM HÀI HÒA. Thân và tâm có liên hệ nhau. Khi tâm an vui, trầm lặng, thanh thản, sẽ tác động tới thân, khiến thân khỏe mạnh hơn, thần sắc tươi nhuận, dáng vẻ nhẹ nhàng oai nghi. Thấy thân khỏe mạnh, tâm càng an vui hơn, tự tin con đường tu học của mình là đúng. Càng tinh tấn hơn nữa. Thực hành tiếp những phương thức hướng tới Định và Huệ.
12- TRỞ VỀ NHÀ- TÂM THANH TỊNH CHÓI SÁNG: Cuối cùng tới được mục tiêu, nhưng chư Tổ gọi là “ trở về nhà”. Đó là bản tâm thanh tịnh sẵn có của mình. Tâm bấy giờ trong sáng, cái thấy khách quan, bình đẳng, từ bi và trí tuệ.
Trên đây, chúng ta cũng chỉ góp nhặt lại những giai đoạn thông thường của một đời người, tương tự đời bình thường của mình, có thể tạm chia ra ba khúc sông tâm: tâm đời (worldly mind), tâm đạo (religious mind) và tâm linh (spiritual mind).
Tâm đời: dính mắc, phiền não.
Tâm đạo: đức tin và cầu nguyện, với những nghi lễ tôn giáo.
Tâm linh: hướng tới khai mở trí tuệ siêu vượt, thoát khổ, giải thoát.
Tổ Đình, 18-3-2021
TN
Gặp Thầy chỉ đường đi,
Có Cô trao bản đồ.
Đèn Thầy thường soi sáng,
Cô từng bước chỉ đường.
Đưa đạo vào cuộc đời,
Tâm an trong cuộc sống,
Từng bước đi về nhà.
Xâu chuỗi Bồ đề của người Bình thường dành cho đại đa số dân chúng trong đó có Con, nhưng sao mà khó gặp người đi tới 12- TRỞ VỀ NHÀ- TÂM THANH TỊNH CHÓI SÁNG ., Con cũng chưa thấy có số liệu thống kê...và dường như cuộc vượt biển một mình quá khó .
"Không khó" khi Thiền Tánh Không, Cô cho Chúng con có rất nhiều phương tiện nâng lên " Xâu chuỗi Bồ đề của người cư sĩ, tỳ kheo, Bồ tát ... Đường thênh thang, rõ ràng , Chúng con quyết chí đi
Chúng con biết ơn Cô ! Kính chúc Cô nhiều sức khỏe
Kính chúc Quý Thầy, Cô , Qúy Thiền sinh TTK an lạc !
Happy Easter day !