Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - BÀI 94
Khi nói tới kho tàng, mình thường nghĩ tới vàng bạc, ngọc ngà, châu báu vv… là những thứ người ta vẫn ham thích, tìm kiếm, mong ước. Còn kho tàng của người tu là gì? Chắc chúng ta sẽ trả lời ngay, không cần suy nghĩ:
- Kho tàng của người tu là thoát khổ, giác ngộ và giải thoát.
- Nó ở đâu vậy?
Chúng ta sẽ trả lời tức khắc, cũng đâu cần suy nghĩ:
- Ở trong tâm.
Câu chuyện đối đáp xem như quá rõ ràng. Câu hỏi ngắn gọn. Câu trả lời càng sắc bén, chính xác. Nếu có ai đặt câu hỏi:
- Niết bàn là gì?
Có lẽ mình cũng trả lời ngay:
- Là trạng thái vắng lặng tịch diệt.
- Niết bàn ở đâu?
- Ở trong tâm.
- A, cũng ở trong tâm, mà tâm của ai?
- Tâm của mình, không phải tâm người khác, càng không phải ở trong cảnh, không phải bên ngoài mình.
- Địa ngục có hay không?
- Có. Hễ có niết bàn là có địa ngục.
- Địa ngục ở đâu vậy?
- Ở trong tâm.
- Tâm của ai?
- Cũng trong tâm của mình.
Qua mấy câu trả lời chắc nịch đó, người nghe tưởng mình đã trả lời đúng, là “sáng đạo” rồi. Mà nguy hiểm hơn, là chính mình cũng tưởng mình đã “thấy đạo” !
Đây là vấn đề thiết yếu, cô có ý nhắc nhở hôm nay. Lý thuyết thuộc lòng, chưa đủ, mặc dầu mình có thể giảng nói rào rào. Người xưa có khi cho là “ma thuyết”, nếu cách hành xử trong đời và ý nghĩ không phù hợp chánh pháp.
Trong kinh điển, có nói tới nhiều mức độ của cái thấy biết. Ví dụ:
Tưởng tri: cái biết của người “phàm phu”, tiếp xúc với ngoại cảnh, nhận biết ngoại cảnh lệch lạc qua suy nghĩ, so sánh, qua thành kiến, định kiến, qua những khuynh hướng đam mê của lậu hoặc, qua những ám ảnh của tùy miên.
Thắng tri: cái thấy biết đúng, trong sạch, thầm lặng, tạm xem như là của người biết tu tập theo pháp của bậc giác ngộ dạy. Không có lậu hoặc, kiết sử, tùy miên vì không diễn nói, không so sánh phân biệt.
Liễu tri: cái thấy biết hoàn toàn trong sáng, thông suốt nguồn cội, từ hiện tượng khách quan hoàn toàn cho tới bản thể sâu sắc nhất. Là cái thấy biết toàn diện mà không dính mắc vào đối tượng cũng không chấp trước vào cái thấy biết đó của mình. Không còn thấy có “ngã”, hay có “pháp”.
Đó là tạm trình bày 3 mức độ của cái “thấy biết”, thiệt ra tâm hay cái biết liên tục trôi chảy, thường xuyên thay đổi, luôn luôn động, khi thế này khi thế khác.
Ngoài ra, chúng ta có thể trình bày những sắc thái biết theo một đường lối khác.
+ Biết qua học từ kinh sách, nghe pháp, thuộc lòng kinh kệ. Đây là biết trên lý thuyết.
+ Nhưng chưa đủ, chúng ta đem ra áp dụng trong đời sống hằng ngày của mình. Thí dụ: hiểu qui luật vô thường, mình không quá đau khổ khi gặp cảnh sinh ly tử biệt, hay khi mất mát tài sản v.v...Hiểu qui luật nhân quả, nghiệp báo, chúng ta không phiền não, giận hờn khi có chuyện thị phi xảy tới, khi có người sỉ nhục, lên án mình, khi bị phản bội, vong ân.
+ Nhưng vấn đề là làm sao để mình có thể vẫn an lạc trong những hoàn cảnh không vừa ý? Chúng ta phải nhìn lại mình, luôn luôn quay lại nhìn mình. Bất cứ việc gì xảy tới cho mình, vui hay không vui, đau khổ hay phiền não, đều có “tại mình” trong nhiều nguyên nhân làm cho việc đó xảy ra. Từ trí tuệ “nhận ra mình là nguyên nhân”, mình mới chuyển đổi chính mình, để trở nên tốt hơn. Đây là qui luật sống, là nghệ thuật sống. Là nguyên tắc tu. Là nghệ thuật tu.
Quan điểm này không phải mới lạ gì. Trong kinh sách, Phật và chư Tổ, từ mấy ngàn năm đã nhấn mạnh rồi. Nhưng chúng ta xem thường. Chúng ta tưởng mình đã biết rồi. “Biết rồi, khổ lắm! Nói mãi!”. Cái biết đó là cái “tưởng tri”. Nếu chúng ta vẫn còn đổ thừa việc xung đột đó, nỗi đau khổ này, là do người khác, là do hoàn cảnh v.v…
Bất cứ một sự tranh chấp nào, một sự bất đồng ý kiến, một sự không toại nguyện nào, một sự lấn cấn nào trong tâm, một sự phiền muộn nào, đều là DO MÌNH. Đừng bao giờ tưởng mình có thể che lấp cái NGÃ của mình trước mắt người khác. Nó gian xảo lắm. Nó luôn luôn nói nó đúng. Điều đáng thương là mình tưởng mình không còn cái ngã, mình là đúng, mình hành xử khế hợp kinh điển, mình đúng chánh pháp.
Chính đó, là gốc của mọi phiền toái trong đời. Là Vô minh.
Vì thế, mặc dù chúng ta có tỉnh ngộ, có ý muốn tu học, muốn trở nên người tốt, muốn giúp đỡ người khác, thậm chí có khi chúng ta dám từ bỏ tất cả, cha mẹ, gia đình, bà con, rời khỏi thế tục, xuất gia. Đó là một quyết tâm, chí khí cao thượng. Nhưng rồi, tại sao, một thời gian ngắn, mình lại lấn cấn với người khác. Không thể giải tõa được, lâu ngày trở thành tranh chấp, xung đột. Không phải tại người ngoài, không phải tại hoàn cảnh. Do tâm của mình. Mình làm sao? Mình có ý muốn cái gì đó mà bên ngoài không đáp ứng với ý mong muốn của mình, nên tâm sinh ra buồn phiền, bất mãn. Lòng ham muốn của chúng ta, y hệt lòng ham muốn của cuộc đời. Phật đã nói rõ ràng, không ngoài 13 sắc thái của khổ, mà gốc nguồn là Dục, hay Tham, hay Ái, hay cái Ngã- Ý thức.
Từ cái chân lý thứ I, chấp nhận mình đang khổ, đã là một sự kiện khó khăn rồi, vì không phải ai cũng có đủ trí thông minh để biết mình đang rơi vào biển khổ đâu. Có nhiều người, tại gia hay xuất gia, vẫn chưa nhận thấy mình đang bơi trên dòng nước ngược. Đây cũng lại là “tưởng tri”, tưởng mình lý luận đúng, hành động đúng. Tới cái chân lý thứ II, lại càng khó khăn hơn. Rất ít người có can đảm, trung thực, để nhận ra mình là nguyên nhân của việc xung đột này, chính mình đã gây ra nhân, bây giờ là quả. Mình “tưởng tri” rằng mọi nguyên nhân xấu là từ người kia, từ bên ngoài.
Mình sẽ giải quyết nhiều cách: tranh luận, nếu tranh luận không kết quả, mình từ bỏ, tìm một hoàn cảnh khác, một môi trường khác, bề ngoài thấy tốt hơn. Nhưng đây không phải là cách giải quyết của Diệt Đế, vì Tập Đế đã bị hiểu sai rồi. Cho nên, con đường đi bây giờ là tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp...
Mình “tưởng tri” rằng thay đổi môi trường, hoàn cảnh, hay thay đổi người mới sẽ tốt hơn. Làm sao tốt hơn khi tâm mình vẫn là cái tâm dẫy đầy ước muốn, không thấy lỗi mình, chỉ thấy lỗi người, “khen mình, chê người”, khi mình còn nhắm tới “tài, sắc, danh, thực, thùy” ?
Rốt lại, phải thành thật nhìn lại mình. Phải nhận ra muôn sự xảy tới cho mình, đều từ tâm “Tham- Dục “, từ đây mới tác ý ra, và cuộc đời thường không thỏa mãn ý muốn của mình.
Vậy, chúng ta đã học và biết niết bàn là do tâm, địa ngục cũng do tâm. Sao không lo chuyển hóa cái tâm của mình. Mang cái tâm vô minh mà đi trong đời. Đi đâu cũng sẽ là địa ngục. Khi có trí tuệ, cảnh nào cũng là niết bàn. Kinh điển đã nói rõ: “tâm tịnh thì quốc độ tịnh”, “chánh báo như thế nào, y báo như thế đó”.
Đơn giản như vậy thôi.
Tuệ Trung Thượng Sỹ dạy chí thiết một câu:
“Phản quan tự kỷ, bổn phận sự, bất tùng tha đắc”.
Chúng ta có thể theo phương hướng này làm ánh sáng trí tuệ- như ngọn hải đăng- soi sáng cho mình thấy “ bờ giác ngộ” mà về. Nếu bơi ngược lại, thì gặp bờ vô minh.
Tổ Đình, 16- 3- 2021
TN
Kho tàng.
Nhiều như vì sao trên trời, Nhiều như cát bụi sa mạc ,Tuông trào như mưa, Khắp nơi như tia nắng mặt trời , kho tàng bao trùm xung quanh , không cần đi tìm đâu cả, cứ lần theo kinh điển phật ,cứ lần theo bài
giảng của thầy, cô thì từ từ hiện ra trước mắt.
Cảm ơn Ni Sư.
Nghệ thuật tu là tu cùng nguyên tắc.
Biến nguyên tắc thành nhận thức sạch trong.
Nghệ thuật tu là lui tới thong dong.
Sống tự tại, thản nhiên cùng nguyên tắc.
Sống tự tại, thản nhiên cùng nguyên tắc.
***
Nghệ thuật sống là sống trong qui luật.
Biến tử sanh, vô thường thành nhận thức.
Nhận thức biết từng sát na sanh diệt.
Sống trong thiền, trong qui luật diệt sanh.
***
Nhận thức biết, vạn pháp là như thế.
Sống cùng tu, đi và đến thong dong.
Nghệ thuật biết, là đưa vào nhận thức.
Sống cùng tu trong nhận thức sạch trong.
giác thấy nó và Nhận Biết nó không phải là ta , nó là cái đối tượng ....nếu ta thấy nó đựơc và không hòa hợp vào nó thì nó biến mất .Cái Năng Lưc Nhận biết đó là cái vô sinh , bất diệt ,bẩm sinh ,khách quan ,vô ngã ; trở về sống cùng nó cả ngày thì thân tâm an lạc .Ta có niềm hỷ lạc thì xung quanh ta đều được hưởng lây .Cái năng lực Nhận biết ko lời đó là chủ thể , nó nhìn những đối tượng ngoài nó bằng trí tuệ chiếu sáng , cũng gọi là bản lai diện mục , pháp thân , Phật tánh vv....Bây giờ trở về kinh " Nhất dạ hiền giả (Bhaddekaratta sutta ) thì : Quá khứ không truy tìm , tương lai không ước vọng....Chỉ có pháp hiện tại. TUE QUÁN chính ở đây .Không động không rung chuyển.Biết vạy nên tu tập ....Bài kinh nầy còn gọi :Người Biết sống một mình /Một dính mắc may mắn / Hiện pháp lạc trú ....Tu đến lúc thuằn thục là có được trạng thái thảnh thơi ,tự tại ,an hòa....Pháp đã được đức Phật khai thị là :thực tại hiền tiền ,phi thời gian ,hồi đầu là thấy, chỉ có người trí mới có khả năng thể ngộ ,tu tập được Trong tương ưng bô kinh cũng có bài " Ko than việc đã qua .Ko mong việc sắp tới .Sống ngay với hiện tại.Do vậy sắc tướng thù diệu " Những đệ tử của Đấng ThếTôn , chỉ có dủng ngọ ,sau khi khất thực ,nhưng ai cũng tướng tốt đơan trang , phẩm hạnh sáng ngời Chư thiên còn khâm phục .Tu thiền là đương xứ tức chân , nghĩa là tu ngay nơi đây , khéo thì nghiệm ra thể chân thực Niết bàn.Nơi nào ta đặt chân thì đó là nơi cho ta an thân lập mạng .Trich dẫn thi kệ của thiền sư Cảnh Sầm : Xứ xứ chân , xứ xứ chân .Trần trần tận thị bản lai nhân Chân thực thuyết thời thinh bất hiện .Chánh thể đường đường một khước thân Dịch : Mỗi chỗ chân , mỗi chỗ chân .Từng hạt bụi ,hiện phàp vương thân.Lời siêu việt lời không ngôn ngữ . Như lai sống động tại phàm thân.
Người có công phu thiền định thì đồng nhứt với cảm giác hỷ lạc của các tầng thiền .Khi tâm ta an trụ nơi pháp hành trì là ta đã an thân lập mạng , tức là biết cách sống .Như Ngài Triệu Châu 30t , đã an thân lập mạng và sống liên tục như vậy đến 80t mới mở đạo tràng ; tiếp tăng độ chúng . Ngưới xưa đã bảo : ngộ đạo ko phải khó , nhưng sống liên tục cùng đạo thì ko dễ đâu !
Sau khi thể nghiệm được thể bất diệt nơi hình hài sinh diệt và sống miên viễn với bản tâm bất động là đạt đến tầng cao nhứt của đời sống con người .
Lúc trước con cứ tưởng là đúng: mình phải đem ngọn roi lẽ phải để chỉnh đốn người sai trái, đem dùi cui đạo đức để sửa lưng kẻ có tội, đem cán cân công bằng để đòi hỏi từng cái thiệt thòi nhỏ nhoi,... thế là những lo âu, phiền não và sân hận đến dồn dập không dứt.
Cứ như vậy mà tưởng mình đúng và lui hui hùng hổ với cái đúng, cái đạo đức, cái công bằng của mình mà không biết mình đã "vượt qua biên giới", xâm chiếm lãnh thổ của người, tuyên chiến và tham chiến dưới ngọn cờ "chánh nghĩa", làm anh hùng hiu hiu tự đắc. Tai họa và tội lỗi ngập đầu!
Sao mà ngu như thế, lòng tham của mình xui khiến chớ có phải do hoàn cảnh, do người xúi dục. Sao không ngồi yên xem cho trọn vở tuồng bi hài kịch của cuộc đời mà nổi cơn nóng nảy nhảy lên sân khấu làm chi? Làm trung thần cũng bị trảm huống chi gian thần!
Lỗi tại con, từ nay xin chừa!
Quang Tiến