Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - BÀI 93
XÂU CHUỖI BỒ ĐỀ THỨ II CỦA CHÚNG TA
Hôm nay cô trình bày con đường tu tập của chúng ta theo một cách khác, tóm gọn lại, để mình nhìn thấy rõ ràng hơn, tuy nội dung vẫn vậy. Nói cách khác, những điều kiện quan trọng mình cần phải có vẫn không khác, đó là trí năng tỉnh ngộ sâu sắc để không thoái tâm, phải kiên nhẫn, quyết tâm, có trí tuệ thông hiểu giáo lý và nắm vững cách thực hành sau đó mới dấn thân thực hành. Do đó chỗ đứng hiện tại của mình là có trí năng tỉnh ngộ thực sự. Và có 2 con đường đi, theo truyền thống. Là Định và Huệ. Có quan điểm phổ thông xem Định và Huệ như 2 cánh chim. Chim bay phải có 2 cánh mới thăng bằng bay thẳng tới mục tiêu của mình.
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật đã dặn dò nhiều lần chư vị thánh đệ tử :
- Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.
Tuy nhiên, chúng ta có thể tách rời 2 phương thức này – trong bước khởi đầu tu- để mình chuyên tâm thực hành, về sau nếu mình thực hành đúng, có kết quả tốt, thì mình cũng phải gặp kết quả giống như phương thức kia. Kiểm chứng như thế mới chắc chắn là mình đã thực hành đúng.
Thiệt ra Định hay Huệ / Tuệ cũng chỉ là hai tên gọi, tạm đặt ra, nên giá trị rất tương đối. Cô tạm phân biệt sự khác nhau giữa con đường tu tạm gọi là Định và con đường kia tạm gọi là Huệ.
Con đường của Định: nhắm tới làm cho tâm hoàn toàn dừng lại, đứng yên, không lay động, khi tọa thiền và khi tiếp xúc với cuộc đời. Trong kinh, đức Phật đã diễn tả “không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm” và mức độ sâu sắc “ atakkāvacara / ngoài lý luận”. Thầy Thiền chủ của chúng ta đã dùng nhóm từ ngữ “Biết không lời” và mức sâu sắc hơn “nhận thức biết không lời”. Khi đó tâm dừng lại, bất động. Kết quả là tiềm năng giác ngộ sẽ phát huy.
Con đường của Huệ: nhắm tới làm cho tâm chuyển hóa, thăng hoa, trong sạch, có cái thấy khách quan, thông suốt đặc điểm của hiện tượng và bản thể cuối cùng của con người và vạn vật. Lúc đó tâm không dính mắc vào cuộc đời, tâm cũng sẽ dừng lại và tiềm năng giác ngộ sẽ phát huy.
Sau đây, cô xin tạm trình bày từng bước.
Con đường của Định.
1- Với TRÍ NĂNG TỈNH NGỘ, chúng ta sắp xếp cho mình có thời gian tu tập riêng. Thí dụ buổi sáng, chúng ta thức giấc sớm hơn 15 phút hay 30 phút, thiền hành và ngồi thiền, trước khi đi làm. Mình cũng có thể tập khí công 10 phút, hay 15 phút, hay 30 phút, tùy thời gian và tùy theo nhu cầu của mình. Thiền hành hay khí công, có thể tập trước hay sau lúc ngồi thiền, tùy ý chúng ta, không có qui định. Buổi chiều, hay buổi tối trước khi đi ngủ, có một thời gian tu tập nữa. Buổi sáng sớm, có nhiều điều kiện tốt, như không gian còn yên tĩnh, mình khỏe sau một đêm ngủ ngon. Buổi tối trước khi ngủ cũng có thuận lợi: rũ bỏ hết những ưu tư sau một ngày làm việc, sẽ có một giấc ngủ ngon không mộng mị.
2- THIỀN CHỈ / SAMATHA: chúng ta bắt đầu thực tập dùng giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi hay thân. Chúng ta chưa dùng tới ý vì ý trừu tượng và đối tượng của ý cũng trừu tượng, sẽ khó khăn cho người mới bắt đầu. Trong kinh, Đức Phật dạy qui tắc thực hành là khi tiếp xúc với đối tượng “không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng”. Tướng là những hình dáng, màu sắc, tên gọi hiển lộ ra bên ngoài. Nắm giữ là dính mắc, là diễn nói, là ghi nhớ v.v...Thầy Thiền chủ đã ứng dụng qui tắc của Đức Phật bằng những phương thức tu tập: thấy tổng quát, không chú ý tới một đối tượng nào (nhìn lướt, nhìn lưng chừng, nhìn xa) thấy đối tượng rõ ràng mà không nói thầm về tên của đối tượng (hay không định danh đối tượng), nghe âm thanh trong không lời, nghe mà không lặp lại nội dung âm thanh (hay nghe chỉ biết nghe), đi chỉ biết đi v.v... Tức là giữ “cái Biết không lời” trong khi thực hành, kinh gọi là giữ chánh niệm.
3- TÂM TĨNH LẶNG: Kết quả các phương thức tập đơn giản này là tâm của mình sẽ từ lần yên lặng. Dù vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng mình không còn lăng xăng, nói năng phù phiếm nữa, không thích hội họp bàn luận việc thị phi. Vì thế, những phương thức tu này được tạm xếp là Samatha, là Chỉ, tức tâm yên lặng. Đây là nền tảng hướng tới tâm hoàn toàn đứng yên, gọi là Định.
4- THIỀN ĐỊNH / SAMĀDHI: Nếu chúng ta thích các phương thức của Samatha, chúng ta cũng có thể tiếp tục thực hành, cũng sẽ kinh nghiệm Định. Tiếp tục như thế nào? Mở rộng hai lãnh vực: thời gian và không gian. Dành nhiều thời gian hơn và nhiều buổi thực tập hơn, trong tất cả sinh hoạt hàng ngày. Thí dụ: giữ cái biết thầm lặng khi ăn; khi ngồi trước máy computer làm việc, chỉ làm việc không lo ra chuyện ở nhà; lúc làm việc mỏi mắt, thả tầm mắt nhìn ra khung cửa sổ, thấy tổng quát, thư giãn. Về nhà, trong giờ tọa thiền trước bàn Phật, có thể nghe tiếng chuông, cũng đưa ta vào Định, tức là trạng thái Biết không lời vững chắc. Ngoài ra, Đức Phật có dạy ta phương pháp Thở, được xếp là một pháp căn bản và phổ biến. Mình cũng nên áp dụng thực tập để kinh nghiệm Định. Nếu mình tập các phương thức Samatha và đã kinh nghiệm trạng thái biết không lời vững chắc rồi, bây giờ chuyển qua Thở sẽ rất dễ dàng. Cũng vậy, chuyển qua khởi ý “Không nói” cũng sẽ dễ dàng. Phương thức “Không nói” do Thầy Thiền chủ đã kinh nghiệm, và hướng dẫn lại cho mình. Khi mình đã kinh nghiệm “biết không lời” rồi, muốn trở vào trạng thái này, chỉ cần khởi ý ra lệnh, hay nhắc nhở “Không nói”, thì não bộ sẽ thi hành ngay, nó lập tức ngừng lăng xăng nói thầm.
5- NHẬN THỨC KHÔNG LỜI: Tâm mình là một dòng liên tục. Hay nói cách khác, niệm Biết luôn luôn có mặt, nhưng sắc thái, phẩm chất, hay nội dung cái biết khác nhau. Mỗi khi thay đổi sắc thái, hay phẩm chất hay thay đổi nội dung, niệm biết trước phải chấm dứt, niệm biết sau mới có mặt. Như vậy tâm mình là một chuỗi xâu kết lại của vô số niệm biết sinh-diệt-sinh-diệt như tia chớp. Cho nên muốn làm chủ tâm thật khó vô cùng. Ngày xưa, thiền sư Bàng Long Uẩn (Trung Hoa) đã nói:”Khó! Khó! Khó! Ba tạ dầu mè vuốt trên cây”. Tu Định, vào được chỗ “tâm trống không, tĩnh lặng” rồi ra, vào rồi ra, như leo lên cây cột có thoa dầu mè, leo lên tuột xuống. Còn thầy Thiền chủ khi xưa thường nói: “Con đường tu như leo lên dốc núi mà bám trên rêu”.
Vậy muốn có kết quả, chúng ta phải kiên nhẫn thực tập hoài, quyết tâm không lùi bước. Bao nhiêu kinh nghiệm khi tập cái Biết không lời được ghi nhớ trong ký ức, lặp đi lặp lại hoài, làm thành ấn tượng trong tâm. Khi mình vừa khởi ý vào định lập tức não bộ ngưng tiếp nhận thông tin từ bên ngoài, xúc không có, thì thọ yên lặng, tưởng yên lặng, thức yên lặng. Lập tức tín hiệu truyền tới vùng không lời, từ biết không lời sẽ tiến tới nhận thức không lời. Hay vùng Precuneus của Vỏ não. Trạng thái này, Đức Phật thường diễn tả với những đặc điểm sau đây:
“Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh...”
6- CHÂN NHƯ ĐỊNH: Trạng thái này trong kinh thường gọi nhiều tên: chánh định, định bất động, tâm bất động, tâm giải thoát, tâm như, vô tướng định, vô trụ định, không định, như huyễn định v.v...Do đó, Đức Phật tự xưng là : Như Lai / Tathāgata (Such-Gone/ Thus-Come).
Trên đây là khái quát con đường của Định. Tiếp theo là khái quát con đường của Huệ. Cũng chỉ là tóm gọn lại những điều chúng ta đã học, hiểu và thực tập từ lâu nay.
Con đường của Huệ:
1- TRÍ NĂNG TỈNH NGỘ: cũng bắt buộc phải tỉnh ngộ mới có thể dấn thân tu tập. Chúng ta bắt đầu thích nghe pháp và hiểu những qui luật phổ biến đã chi phối con người và thế gian. Trong kinh, Đức Phật thường khích lệ đệ tử thân cận với bậc đạo sư, nghe pháp nhiều từ bậc đạo sư hay từ thiện tri thức. Đó là hạnh đa văn.
2- THIỀN QUÁN / ANUPASSANĀ: Đây là một phương thức Quán, có tên là Anupassanā. Quan sát liên tục bằng trí tuệ để nhận ra những đặc điểm của hiện tượng thế gian là Vô thường, là Khổ, là Vô ngã. Đây là ba chân lý thường hằng và phổ biến, vượt thời gian và không gian.
Giá trị của ba chân lý này quan trọng và thâm sâu vô cùng. Chúng ta nếu thấm nhập được chân lý Vô thường thực sự cũng có thể đạt giải thoát, không còn dính mắc vào cuộc đời (bài kinh Đoạn tận Ái dạy thấy vô thường trong các Thọ, đưa tới giải thoát).
Nếu chúng ta nhận ra cuộc đời là Khổ, muốn chấm dứt khổ, thì thực hành Bát chánh đạo, đạt được chánh định, hay quả A la hán, cũng giải thoát.(bài kinh Tứ Đế).
Nếu chúng ta hiểu ngũ uẩn là Vô ngã, chúng ta cũng đạt được giải thoát (bài kinh Vô ngã tướng).
3- TÂM BỚT DÍNH MẮC: tu tập từ từ các chủ đề của Quán, ta có tuệ trí / insight. Cái thấy biết sẽ trung thực, phù hợp chân lý. Từ đó chúng ta điều chỉnh lần lần cuộc sống của mình thích ứng với những thay đổi bất thường của tâm người khác, của hoàn cảnh chung quanh. Chúng ta không cưỡng chống lại nghiệp báo, không đối kháng với cuộc đời. Tâm mình sẽ từ từ uyển chuyển, kiên nhẫn, chịu đựng, bình an, cân bằng, cuối cùng là hài hòa trong thân và tâm, cũng hài hòa với người khác. Tâm bắt đầu dừng lại, yên lặng, trong sạch.
4- THIỀN HUỆ / VIPASSANĀ: Chúng ta tiến lên, thực hành pháp Yathābhūta / Như Thực mà Đức Phật dạy. Dùng giác quan, tiếp xúc với đối tượng, thấy, nghe, xúc chạm, nhận biết “cái đang là”, đối tượng thế nào, biết y như vậy. Cái thấy sẽ khách quan, trong sạch, trung thực. Tâm mình đã thăng hoa. Tuy nhiên, đây cũng là một tiến trình, đòi hỏi nhiều thời gian và công phu. Dòng tâm sẽ chuyển hoá từ từ. Chúng ta thực hành song song với đời sống, từng phút giây tỉnh thức. Nhận ra tâm mình thanh thản, không xét đoán phê bình, khen chê, thương ghét.
5- NHẬN THỨC KHÔNG LỜI: Kết quả là tất cả những công phu luyện tập tâm, những kinh nghiệm, những kiến giải, những kết quả đều ghi nhận trong ký ức của mình, huân tập thành nhận thức cô đọng. Khi những nhận thức này nằm im trong ký ức thì nó là nhận thức không lời, là kho tàng của Huệ siêu vượt. Khi cần trình bày ra, đó là kho báu của “biện tài vô ngại”.
6- THỂ NHẬP CHÂN NHƯ: Kết quả sau cùng tạm gọi là Chân như định, hay tâm như, hay vô trụ định, hay vô tướng định, cũng là không định, hay chánh định.
Kết luận:
Bài này cũng chỉ là sắp xếp gọn gàng đơn giản những điều chúng ta đã học và đã thực tập trong thời gian qua, không có gì mới lạ.
Chúng ta có thể chọn Huệ hay Định để bắt đầu đi. Tuy nhiên mức cuối của Huệ cũng gặp Định, tức là tâm đứng yên mới vững chắc, không dao động trước 8 ngọn gió đời. Như vậy Định hỗ trợ cho Huệ thì Huệ siêu vượt mới có đủ nền tảng kiến giải.
Nếu chúng ta chọn Định làm bước khởi đầu đi, thì về sau chúng ta vẫn phải thông hiểu những chân lý điều hành con người và thế gian để hỗ trợ giúp tâm bớt lăng xăng dính mắc vào cuộc đời. Đó là những chân lý thuộc về hiện tượng, tạm gọi tục đế bát nhã, và những chân lý thuộc về bản thể sâu sắc, tạm gọi chân đế bát nhã. Thông suốt những chân lý này có thể ứng dụng trong cuộc sống, được xem như có tuệ trí/ trí siêu xuất thế gian. (pháp trí, tứ trí, không trí, huyễn trí, chân như trí, vô sanh trí v.v...). Nếu chúng ta tập các phương thức của Định, vào được trạng thái biết không lời, nhưng phút chốc, niệm lại khởi. Chúng ta kiên nhẫn tập nữa, nhưng vẫn xem như chưa thực sự giữ tâm tĩnh lặng như ý muốn. Có thể đó là do ta xem thường Huệ, ta chưa đủ tuệ trí nhìn ngắm thế gian bình thản, không dính mắc. Và nếu ta cứ ráng công sức kềm giữ tâm, không cho khởi niệm lung tung để đạt Định- mà không cần Huệ / Tuệ trí, thì nên cẩn thận, có khi mình rơi vào vô ký, hay trầm không, hay hôn trầm, và si định, hay vô tình vận dụng ý thức / ý chí để dụng công.
Kết quả cuối cùng sẽ nói cho mình biết mình tu tập đúng hay sai. Kết quả luôn luôn khách quan, là từ những nhân duyên trước huân tập, cho ra kết quả. Nếu tu tập đúng, ta sẽ nhận ra:
- Về thân: khỏe mạnh, không có những bệnh do tâm rối loạn gây ra. Thần sắc an vui, hồng hào, thanh thản, hài hoà thân thiện với mọi người.
- Về tâm: phát huy từ từ 4 sắc thái cao thượng: từ (quí mến mọi người, không tự ty cũng không ngạo mạn), bi (sẵn sàng giúp đỡ mọi người không phân biệt), hỷ (vui mừng trong niềm vui mừng của người khác), xả (tâm thanh thản, bình an là nền tảng giải thoát, không dính mắc trong đời).
- Về Huệ siêu vượt: kiến giải liên tục những nhận thức mới, trong nhiều lãnh vực cuộc đời thường và lãnh vực giáo hóa. Đây chính là kho báu biện tài không chướng ngại. Kho báu này không phải là thần thông, không phải một cái gì bí hiểm, bí mật.
Tương tự một người từ miền đồng bằng ở chân một ngọn đồi cao hay một ngọn núi, bắt đầu đi lên cao, lúc này người ấy chỉ thấy có một con đường, là con đường mình đang đi. Cái thấy nông cạn, chật hẹp, cố chấp, như con ngựa bị che hai bên mắt. Khi trèo lên tới đỉnh ngọn đồi hay ngọn núi rồi, bấy giờ thảnh thơi, mở rộng tầm mắt, nhìn quanh khắp bốn phương tám hướng, mênh mông, thênh thang, không có nhà cửa nào, cây cổ thụ nào che được tầm mắt bao la của mình. Người ấy bây giờ có thể hướng dẫn người khác đi lên đỉnh núi theo vô số con đường tùy nơi chỗ đứng của mỗi người. Vì thế chư Tổ mới nói có 84.000 pháp môn tu (tức vô lượng cửa đi vào chỗ “thoát khổ, giác ngộ, giải thoát” ). Đó cũng là chỗ biện tài không chướng ngại khi mình có kinh nghiệm thực sự tiềm năng giác ngộ hoạt động, kiến giải.
Trái lại, mình sẽ nhận ra nhiều kết quả tai hại nếu mình công phu lệch hướng.
- Về thân: hay đau yếu, thần sắc xanh xao, tối tăm.
- Về tâm: ưu tư, lo lắng, bất an. Khi thì tự ty mặc cảm, khi thì biến ra ngạo mạn để bảo vệ cái ngã của mình.
- Về trí: chỉ là trí thế gian, học hỏi, góp nhặt kiến thức của người khác. Cũng có khi nói năng lưu loát, nhưng khi có ai chất vấn, thì không thể trả lời thoả đáng. Từ đó sinh ra bực bội sân hận, trong kinh, đức Phật gọi là người “khó nói”. Người “khó nói” là người không biết phục thiện, người bướng bỉnh luôn cho là mình đúng, không thích người khác góp ý điều chỉnh mình. Kết quả là người tốt sẽ tránh xa. Mình sai ít sẽ lần lần sai nhiều hơn.
Cuối cùng gút lại, Định hỗ trợ Huệ, Huệ hỗ trợ Định. Định uẩn cũng là Huệ uẩn. Định không thể không có Huệ. Huệ không thể không có Định.
Định mà không có Huệ là si định hay tà định.
Huệ mà không có Định làm sao phát huy Huệ bát nhã siêu vượt.
Thầy Thiền chủ xưa có câu thi kệ:
“Ta trong đời mà bụi đời ta chẳng dính,
Ta trong đời mà Định- Huệ chẳng rời ta”.
Tổ đình, 13- 3- 2021 kỷ niệm sinh nhật Thầy,
TN
Định Huệ mãi luận suy.
Nghe chuông Định Huệ buông.
Định Huệ không còn nói.
Không nói thầm... nghe chuông.
Mở mắt thầm giữ Định.
Ngoài động, trong bất động.
Nhắm mắt đừng quên Huệ.
Vẫn thấy biết bên trong.
Im lặng trong không lời...
Quanh đi ngoảnh lại cũng "huề tiền"
Ngu lắm, chỉ góp nhặt linh tinh
Biết rồi, định buông bỏ "đầu tiên"
Mở lòng tin tấn theo chân Phật
Bày ba mươi bảy bước hiện tiền
Xui lắm, cũng bảy năm chờ đó
Thắng lớn, chỉ bảy bữa xong liền.
Vaccin hạng nhất "37 thứ trị độc" được tiêm vào sợi chỉ đỏ trong mình, hiệu quả "vô nhiễm" 100%, phòng chống kể cả những "đột biến" của cô-tham-na, cô-sân-na và cô-si-na ở khắp cả năm châu bốn biển.
Quang Tiến