Một năm qua sống với nạn dịch Covid-19 chắc mọi người ai cũng có những ấn tượng mà nạn dịch đã để lại trong tâm thức của mình. Những ấn tượng đó một số có thể tương tợ với những ấn tượng mà nhiều người khác trải nghiệm, trong khi một số khác lại hoàn toàn cá biệt.
Từ những ấn tượng trải nghiệm, mỗi người tự suy gẫm và có thể tự rút ra những bài học riêng cho bản thân mình.
Có lẽ giống với nhiều người khác, ấn tượng mạnh mẽ nhất trận đại dịch đã để lại trong tôi là khía cạnh vô thường của cuộc đời. Ví dụ như mới nhóm họp đông đảo bạn bè ở nhà để cùng nhau ăn uống, vui đùa đêm trước, sáng hôm sau đã nghe các đài báo động là “Cô Vi” đang nương theo gió lồng lộng bay đi muôn phương ngoài kia; rằng muốn tiếp tục vui hưởng cuộc đời thì nhà nhà phải cương quyết đóng kín các cửa, người người phải ở trong nhà mình và không đi chơi, khi ra đường phải bịt kín mũi miệng..., không để “cô” ấy có cơ hội lọt vào tìm chỗ trú thân.
Theo tôi, nói đúng hơn, bài học về sự vô thường và bài học “bất cứ việc gì cũng có thể xảy ra trong cuộc đời” thực ra cũng chỉ là một: cái này nằm trong cái kia.
Mặc dù cụm từ trong nhà Phật “cái gì vô thường là khổ” có ý nghĩa sâu xa gấp bội phần so với ý nghĩa về những kinh nghiệm khổ đau rõ rệt và ngay tức khắc mà hầu hết chúng ta , không nhiều thì ít, đều trải nghiệm trong cơn đại dịch, những khổ đau đó chắc chắn sẽ giảm bớt hơn nhiều nếu từ trước đến giờ chúng ta không những ý thức được tính chất vô thường của cuộc sống mà còn cố gắng tập luyện một cách sống và thái độ sống sao cho khi một biến cố tai ương xảy ra chúng ta sẽ không bị khốn đốn thái quá trong việc thích nghi với hoàn cảnh mới .
Tập luyện như thế nào?
Về thân:
- Tập ăn và biến chế những loại thức ăn có thể tích trữ trong một thời gian lâu dài (1, 2 năm) mà không bị hư, ví dụ như các loại đậu, ngũ cốc khác nhau. Những loại ngũ cốc này có nhiều chất xơ (có thể thay thế cho rau trái) và chất đạm tương đương với chất đạm động vật (có thể thay thế cho thịt, cá).
- Được vậy thì khi có 1 biến cố xảy ra làm cho thực phẩm bị khan hiếm trong một thời gian vài tháng, 1 năm...chúng ta sẽ không phải ngơm ngớp lo sợ không thể đi chợ hàng tuần được để mua thịt cá, rau cải như thói quen bình thường.
Về tâm:
- Trong trận đại dịch, một số trong chúng ta có cơ hội trải nghiệm 2 trong những nỗi khổ của kiếp người: chung sống kề cận với người ta không thích, không thương, và phải sống xa lìa người ta yêu mến (luật sống cách ly suốt ngày trong nhà bắt ta phải tiếp cận 24 tiếng mỗi ngày với người ta luôn tìm cách tránh mặt trong hoàn cảnh bình thường/ và vì bệnh tật ta phải vào nhà thương từ vài ngày đến nhiều tháng, hoặc khi chết không được gặp mặt người ta thương).
Và, cũng vì cuộc đời vô thường nên ta phải tập tánh buông xả, thương yêu nhưng không quá dính mắc, luyến ái nhiều quá với người thân thì khi hoàn cảnh bắt ta phải sống xa họ ta sẽ không quá đau khổ, than khóc.