Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - BÀI 92
XÂU CHUỖI BỒ ĐỀ CỦA CƯ SĨ CHÚNG TA
Hôm nay chúng ta thử kết một xâu chuỗi bồ đề phổ thông cho mình, xem như mình là hạng trung căn. Theo những kết quả mình đã kinh nghiệm từ trước tới nay, điều kiện đầu tiên là phải tỉnh ngộ.
1- Tỉnh ngộ. Từng sống trong đời, qua bao nhiêu năm từ khi trưởng thành, vào đời, gánh vác gia đình, cái gia đình nhỏ hẹp của mình, có khi là cái gia đình mở rộng, ông bà, cha mẹ,cô bác, anh em hai họ, làm sao mình tránh khỏi lo lắng, suy tư, phiền não. Ngẫm nghĩ lại, có khi quên cả bản thân, sáng đến chiều, mãi bôn ba kiếm sống, khi được ngả lưng nghỉ ngơi, thì thân và tâm đã rã rời. Cứ thế ngày qua ngày, tới khi nhìn vào gương soi thấy tóc bạc. Mới hay đã qua nửa đời. Mới hay đã bắt đầu bước thứ hai của kiếp sống: sinh- lão, từ lão tới bệnh và tử chắc sẽ mau hơn nữa. Lúc đó mới băn khoăn, mình sẽ nương tựa vào đâu trên con đường dài thăm thẳm của luân hồi. Mình tìm về Đức Phật, như cha mẹ khi xưa từng dẫn con cháu tới chùa.
2- Quy y- Thọ ngũ giới. Cảnh chùa, khi xưa, thường là cảnh thiên nhiên, trầm lắng, u tịch. Người tu thường là hiền hoà, đơn sơ, ít nói, ít cười. Đến chùa, chỉ ngắm cảnh, lạy Phật, nghe tiếng chuông ngân trong buổi chiều tà, cũng rũ bỏ được bao nhiêu phiền toái của đời. Từ đó, mình phát tâm quy y Tam bảo và thọ ngũ giới. Năm giới này là căn bản của đạo đức con người. Gìn giữ năm giới là từ từ chuyển hoá cái tâm ý. Lời nói và hành động là biểu hiện của tâm ý. Khi tâm ý chỉ nghĩ tới việc tốt, nghĩ tốt về người khác, thì thể hiện ra vẻ mặt nhu hoà, dễ thương, lời nói nhỏ nhẹ êm dịu, cử chỉ thân ái. Như vậy là không còn nghiệp xấu ác nữa. Bản thân khỏe mạnh, gia đình hài hòa, con cháu ngoan hiền. Giới hạnh là con đường ngắn nhất đi vào “trái tim” của người khác.
3- Nghe pháp: Tiến lên một bước nữa, chúng ta có nhiều thắc mắc cần phải được giải đáp sáng tỏ: Mình là ai? Mình từ đâu tới đây? Sau đời này mình sẽ ra sao? Chúng ta thích tìm hiểu, tìm đọc trong kinh sách, thường đến chùa, thích nghe giảng pháp. Khi đã biết phương thức tu tập rồi, chúng ta quyết tâm dấn thân theo một con đường, con đường này phải thích hợp với khả năng của mình, tức là mình hiểu rõ phương cách tu tập, biết rõ con đường này dẫn mình tới kết quả gì. Có đúng với mục tiêu của mình hay không. Có đúng với kinh điển của đức Phật hay không.
4- Quán: Bắt đầu là chuyển hóa cái thấy của mình, cho đúng theo cái thấy khách quan của đức Phật. Đó là nhận ra thật rõ về ba đặc điểm của thế gian: vô thường, khổ, vô ngã. Mình có tuệ trí siêu vượt thế gian. Tới đây, tâm bắt đầu bớt dính mắc chặt chẽ vào những diễn biến của cuộc đời, hay sự đổi thay, khi vui khi buồn, khi thương khi ghét của người khác. Như vậy bắt đầu cảm nhận mình bớt phiền muộn, bớt lo âu vì những việc của người khác.
5- Chỉ: Tiếp theo mình thực tập các phương thức làm cho tâm ý từ từ chậm lại và dừng lại. Mình vẫn sống bình thường, tiếp xúc với người khác. Khi thấy cảnh gì, nghe âm thanh gì, xúc chạm với môi trường, mà tâm vẫn bình an. Chỉ biết rõ cảnh ấy, người ấy, nhưng tâm không gợn sóng thích hay không thích, không xét đoán, chê bai hay mừng rỡ. Đó là tập làm chủ tâm trong mức độ ban đầu, tâm bắt đầu trầm lại, yên lặng, thanh thản, tạm gọi là Samatha.
6- Định: Bước kế tiếp là phải nhận ra giây phút tâm yên lặng đó ra sao. Dù là trong một giây. Rồi từ đó tập hoài, tập hoài. Lúc nào rảnh rang một phút, năm phút, gợi lại trạng thái “tâm hoàn toàn yên lặng” đó. Trạng thái đó thiệt ra chỉ là lúc đó có cái biết rõ ràng mà không diễn nói gì hết, cho nên biết mà hoàn toàn trống rỗng, yên lặng. Có thể có nhiều cách trình bày chỗ đó. Có vị nói là: chỗ đó thênh thang, chỗ đó rỗng suốt, không một vật v .v... Trạng thái đó vững chắc, tạm gọi là Samàdhi/ Định. Phương thức phổ thông là tập Thở hay Không Nói thầm.
7- Thầm nhận biết: Có vô số trạng thái chưa vững chắc hay vững chắc của tâm. Có khi hôm nay vững chắc, ngày mai lại lo âu việc khác nên khởi vọng tưởng v.v...Cho nên rất khó xác định một trạng thái tâm, vì tâm hay ý bản chất nó là động, nó chịu qui luật duyên sinh, cũng như tất cả thế gian này, đều ở trong qui luật duyên sinh. Duyên sinh nên là pháp hữu vi, luôn luôn vô thường, biến đổi, hoại diệt, tái sinh, trống không, huyễn ảo. Vì thế, mình chỉ tạm giải thích và đặt tên từng bước thực hành như là một việc bất đắc dĩ, phải tạm dùng ngôn ngữ đặt tên để diễn tả cái không thể diễn tả. Vậy khi cái biết không lời được kéo dài mình tạm gọi là “thầm nhận biết”.
8- Huệ: Đồng thời đức Phật có dạy thêm một phương thức rất quan trọng, cũng hướng tới một mục tiêu, đạt cái biết không lời. Đó là : Như Thực. Thấy, nghe, xúc chạm đều biết rõ. Rồi dừng. Cái biết này cũng yên lặng, khách quan. Yên lặng là không nói thầm tên của đối tượng, không diễn tả gì thêm nữa. Khách quan là đối tượng ra sao, biết rõ y như nó có trước giác quan của mình lúc đó. Khi thực hành pháp này, mình dẹp thành kiến, định kiến, dẹp quá khứ, tương lai cũng không dính mắc với đối tượng nào trong hiện tại, cũng không dính mắc với ngay đối tượng mình đang dụng công. Nói rõ hơn, lúc đó cũng là trạng thái tâm “biết không lời” hay “thầm nhận biết”. Nói xa hơn, đó là “đối cảnh vô tâm”. Kinh Kim Cang cũng dạy: “Bất ưng trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Cũng là chỗ này.
9- Tỉnh thức biết: Bước này cũng chỉ tạm đặt ra để tiếp nối. Chúng ta cần tập hoài các bước “ biết không lời”, hay “thầm nhận biết”, hay “biết như thực” trong sinh hoạt hàng ngày. Dĩ nhiên, mình còn gia đình, còn làm việc, khi đòi hỏi suy nghĩ tính toán, mình vẫn suy nghĩ tính toán. Tuy nhiên có khi tâm yên lặng thanh thản, tiềm năng giác ngộ có duyên may sẽ kiến giải nhiều điều hay, mới lạ, thú vị hơn.
10- Nhận thức biết: Cuối cùng, cái kết quả tất nhiên là tất cả những kinh nghiệm, công phu tu tập của mình tự động cất giữ trong kho tàng nhận thức của mình. Tất cả đều được thông hiểu, ghi nhớ, tạm đặt tên là kho nhận thức cô đọng. Và là nhận thức không lời, khi nó nằm im trong ký ức dài hạn hay trong vùng Precuneus. Khi nó trình bày ra, nó là suối nguồn của “biện tài vô ngại”.
11- Thể nhập chân như: Bấy giờ, tâm này chỉ là trạng thái trống không, trống rỗng, thênh thang, không bờ bến, hoàn toàn tĩnh lặng, tạm nói là tâm bất động. Chân như chính là đó. Là nhận ra “tâm như”. Khi nhìn ra cảnh bên ngoài, tâm mình bất động, khách quan, tĩnh lặng, thì cảnh cũng bất động, khách quan, tĩnh lặng. Đó là thấy cảnh như. Vậy là thấy rõ chân như của tâm và cảnh, cũng là một, bình đẳng, không khác. Từ kinh nghiệm chân như tánh mới kinh nghiệm bình đẳng tánh.
Từ đó mới phát huy được tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả, bình đẳng.
Đây là những kết quả tất nhiên của sự phát huy Phật tánh:
+ Huệ siêu vượt kiến giải những nhận thức mới lạ, không giới hạn.
+ Biện tài vô ngại, không giới hạn.
+ Từ- Bi- Hỷ- Xả phát huy không giới hạn.
+ Sạch lậu hoặc, không còn kiết sử, tùy miên.
+ Ba nghiệp trong sạch
+ Chấm dứt tái sanh, nếu an trụ niết bàn. Nếu không trụ niết bàn, thì tái sanh theo Bồ tát đạo.
Trên đây chúng ta tạm vẽ lại sơ lược con đường tu tập của mình, đó là theo nguyên tắc mình có đầy đủ quyết tâm, cần mẫn, tinh tấn hoài không thoái chuyển, dù gặp những chông gai thử thách của đời, hay nghiệp báo từ quá khứ.
Câu hỏi của cô là: cái gì là điều kiện quan trọng nhất trên con đường tu của mình? Hay sợi chỉ đỏ xuyên suốt xâu chuỗi bồ đề của mình là gì?
Tổ Đình, ngày 2- 3- 2021
TN
Hôm nay tụi con lại theo dấu chân Ni sư để xâu tiếp sợi chuổi Bồ Đề của Cư Sĩ .Tiến trình tu tập Ni Sư đã trình bày rõ rệt , ai muốn Tu đến giai đoạn nào thì theo sơ đồ mà thực hành : có 11 bước đi , tùy theo căn cơ , khả năng , hoàn cảnh mà tiến bước…để được kết quả cuối cùng là phát huy trí tuệ tâm linh / Phật tánh …. Ở đây có 2 câu hỏi nêu ra :
1/ Cái gì là điều kiện quan trọng nhứt trên con đường Tu ? Thuở xưa lúc còn là thái tử Sĩ Đạt Ta, lúc sắp được truyền ngôi hoàng đế ; Ngài có uy quyền, vinh dự nhứt trong thiên hạ…Thế mà lúc Ngài du ngoạn ngoài 4 cổng thành, ngài nhận ra được 4 cảnh : sanh, già, bệnh, chết. Ngài thấy não lòng, không biết làm sao tìm được cái : vô sanh để thoát khổ đây ; phải giác ngộ thế nào để cứu muôn loài chúng sanh cùng thoát khổ. Nhiều ngày đêm suy tư, Ngài can đảm, với ý chí sắt đá, cương quyết từ bỏ hoàng cung, dấng thân tìm đạo. Ngài và công chúa Yadu, cùng cảm thông và có quyết tâm, hợp sức để Ngài ra đi cho đại cuộc viên thành …Đó là trí năng tĩnh ngộ, quan trọng và thiết yếu nhứt để thực hành đại nguyện. Như vậy từ tâm phàm phu, phải tĩnh ngộ trước mới đi tiếp đến thành quả Bồ Đề. Theo đức Thế Tôn, phàm phu / phàm nhân là người cưu mang nghiệp. Khi sống ngoài đời, họ mang tai họa cho chính họ và cho mọi người chung quanh. Nói khác đi , họ là người « vô trí « , dù họ có địa vị trong xã hội. Địa vị càng cao thì mức độ hủy phá xã hội & tâm thức cộng đồng càng lớn. Thấp hơn vô trí, là kẻ chỉ biết tìm vui trong dục lạc, phù thế : tiệc rượu, canh bài. Cũng có người thích giải trí : đọc sách, thi ca, nhạc họa …Mức độ cao nhứt là Tu học Phật pháp. Tùy theo cách biểu hiện tâm thức, mà một người được gọi là thánh hay phàm …Đôi khi chợt tĩnh : có trí năng tĩnh ngộ Chúng ta cũng có phút giây tĩnh ngộ : như khi đi thăm bằng hữu hấp hối …hay đưa bạn ra đi đến lò thiêu ; thấy rất rõ vô thường. Ta cần có động lực mạnh để dâng hiến đời mình vào con đường TU TẬP. Có lực tinh tấn, niềm đam mê Tu, không cần ai nhắc nhỡ. Đó chính là nội lực trong tâm. Bỏ đi nỗi kinh sợ vô thường và cảm nhận được nỗi khó khăn của tuổi về chiều, giúp cho năng lực tinh tấn đổi thay cuộc sống và bước vào công trình tu Phật.
2/ Sợi chỉ đỏ xuyên suốt xâu chuổi Bồ đề của mình là gì ? Làm sao cho công phu tu hành kết thành "1 sợi chỉ xuyên suốt". Sợi chỉ = một đường thẳng, dính liền nhau không còn 1 kẻ hở nào, để rớt xuống, lọt xuống bể trần lao ; vào nơi ô trọc. Cho nên mình phải : "phản quang tự kỹ , bổn phận sự". Hãy quán chiếu tự thân , để thấy rằng : chướng ngại lớn của kiếp người là nghiệp thức quá khứ , bao gồm tam độc ( tham ,sân ,si )và ái nghiệp (ái ngã , ái chấp , ái kiến). Ta đang thủ đắc 1 hình hài mà chư thiên mong muốn cũng không được, vì nhờ nó mà ta có cơ duyên làm bao nhiêu "thiện sự và tu tập Phật pháp". Vậy nên lo Tu. Cũng nên hiểu rằng : tháng năm hiện hữu, đông hạ có dừng đâu. Phàm phu chìm trong dục lạc. Chẳng sợ nỗi thảm sầu. Lại thêm tuổi già trói buộc thân. Ngày đêm nhiều thống khổ. Cay đắng có nghìn điều. Như cá trên chảo lửa …Vậy nên hành trì pháp Phật ngay bây giờ. Nhận biết tất cả những gì đang xảy ra trên thân, những cảm giác hay ý nghĩ diễn ra trong tâm / thiền Tứ Niệm Xứ… Mục đích là có Chánh niệm tĩnh giác vững chắc : ta là chủ thể nhận biết, còn cảm xúc / nghĩ suy là đối tượng … là cái được ta quan sát …
Khi an trú hoàn toàn trong trạng thái Nhận thức biết không lời là chứng nghiệm niết bàn, trở về bản lai diện mục, là ở trong Phật tánh / pháp thân, đã thể nhâp chân như …tự tại & giải thoát.
Tiệm Như đã theo sơ đồ của Ni Sư thực tập và góp thêm chút ý miên mật trong đường Tu để cùng về nhà Như Lai viên thành Phật quả …. Kính chúc mọi thiền sinh Tánh không mau tiến bước về nhà....
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt xâu bồ đề của con trong lúc này là sự thực hành, nghe đi nghe lại những bài cô trình bày qua website thấm nhuần, thì vị thiền sư có nói đạo ngay trước mắt con đó thì con🙂🙃🙂.
Con như quỳnh.
Cảm ơn Ni Sư cho con xâu chuỗi bồ đề. Con nhớ cô kể câu chuyện.
Người cầu học đạo hỏi vị thiền sư con đường học đạo.
Thiền sư: đạo ngay trước mắt ông đó .
Người học đạo: sao con không thấy?
Thiền sư: vì ông còn cái ngã nên ông không thấy.
Người học đạo:vì con còn cái ngã nên con không thấy, còn thiền sư có thấy chăng?.
Thiền sư: vì có ông có tôi nên tôi cũng không thấy.
Qua câu chuyện này con trình bày phần con hiểu:
" vì có ông có tôi nên tôi cũng không thấy " nghĩa là giữa thiền sư và người học đạo có đối đáp thắc mắc qua lại, có sự phân biệt, mỗi người có tâm trạng khác nhau nhưng tương quan với nhau, ông thiền sư trả lời phần người học đạo: ông không thấy.
Riêng phần ông thì ông thấy hay ông không thấy thì điều đó ông biết.
Điều kiện quan trọng nhất trên con đường tu hay sợi chỉ xuyên suốt xâu chuỗi bồ đề của cư sĩ chúng con là quay vào bên trong, nhìn thấy nhận ra tâm mình ra sao để sửa, nghĩa là mình phải luôn ghi nhớ “ Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” như Ngải Tuệ Trung Thượng Sĩ đã dạy.