1. Ngày xưa thiền là một lối tu tập cao cấp của Phật Giáo để chuyển hóa cái tâm loạn động thành tâm yên lặng, thảnh thơi, thanh tịnh. Với châm ngôn: Tâm tịnh, độ tịnh tức tâm thanh tịnh thì cảnh thanh tịnh (hay tịnh độ =cảnh giới Tây phương cực lạc). Đó là phương pháp tu nhanh như chim bay.
Điểu đạo: đường chim bay. Rất khó.
2. Ngày nay, thiền là một nhu cầu an tâm trong một xã hội náo loạn vì cảnh người đông của khó (đời sống khó khăn vì đua chen, tranh chấp). Con người bị căng thẳng thường trực sanh ra lắm bệnh tâm thể và tâm lý. Mà muốn chữa bệnh căng thẳng không gì khác hơn là tu thiền – không tập trung, không cố gắng, không tưởng tượng, không tự kỷ ám thị.
3. Nói tóm lại, ngày xưa tu để giải thoát, còn ngày nay tu để sống an lạc, hạnh phúc ở đời. Mà muốn an lạc, hạnh phúc thì phải trị tận gốc bệnh phiền não do tâm rối loạn gây nên. Là phải an tâm, tâm thảnh thơi, tâm thanh tịnh.
Như vậy Thiền là một nghệ thuật sống: thân khỏe, tâm an. Sống ở đời mà không bị đời nhận chìm trong phiền não, khổ đau.
Tóm lại, xưa tu thiền xuất thế, nay tu thiền nhập thế. Xưa tu thiền giải thoát, nay tu thiền tâm an khỏe: hai con đường khác nhau. Và đối tượng tu thiền cũng khác nhau. Xưa tu thiền lánh đời tìm nơi thanh tịnh an thân, nay tu thiền ngay tại cõi đời lăng xăng lộn xộn này (đi vào dòng nước mà chân không dính nước) H.T. Thích Thông Triệt.
4. Ngày xưa thiền dành cho những nhà hiền triết, cao thượng tìm nơi u tịch để tu tâm dưỡng tánh. Còn ngày nay, Thiền đi vào đời sống hàng ngày. Tu thẳng vào tâm (ý), khẩu (lời), thân (4 oai nghi). Tức đi đứng ngồi nằm, thân động mà tâm không động. Như Sa di Cao nói: “Nước con an ổn”.
5. Xưa thiền bí truyền, nay thiền đại chúng.
Xưa thiền chuyên tu, nay thiền mọi cảnh.
Xưa thiền lìa thế, nay thiền nhập thế.
Làm thế nào? Chỉ cần dứt sự nói thầm trong não, làm thế nào dứt sự nói thầm? Dùng tầm tắt tứ hay dùng lời tắt lời. Niệm Phật: Nam mô A di đà Phật mà chỉ một tâm niệm Phật, không lo ra, không mơ tưởng, không phân tâm. Niệm để đi đến Nhất Tâm Bất Loạn. Lúc đầu niệm có thời công phu. Đến khi quen rồi, niệm bất cứ lúc nào. Cho đến khi thuần thục, tâm dừng lại, niệm cũng dừng lại.
Bước 1: Dùng tầm tắt tứ.
Bước 2: Không tầm không tứ.
6. Tu tập lối này tương đối dễ. Xin chúc quý vị tinh tấn thực hành có kết quả.
January 20, 2021
Thích Không Chiếu