Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 87
Khi Thiền sư Bàn Khuê (BANKEI) tổ chức một kỳ nhập thất bảy ngày, đệ tử nhiều nơi trên đất Nhật đến dự. Tại một trong các cuộc hội họp này, một đệ tử bị bắt về tội ăn cắp. Sự vụ được báo cáo đến Bàn Khuê với yêu cầu rằng phải trục xuất kẻ có tội. Bàn Khuê làm ngơ vụ này.
Sau đó người đệ tử lại bị bắt trong một hành vi tương tự, Bàn Khuê cũng lại bỏ qua sự vụ một lần nữa. Điều này khiến các đệ tử khác tức giận, làm đơn thỉnh nguyện đuổi tên ăn cắp, tuyên bố rằng nếu không họ sẽ bỏ đi tập thể.
Sau khi đọc đơn thỉnh nguyện, sư cho gọi mọi người tập họp lại, nói:
“Các anh biết cái gì phải và cái gì không phải. Các anh có thể đi chỗ khác để học nếu các anh muốn, nhưng người anh em khốn khổ này không biết phải quấy. Nếu tôi không dạy anh ta thì ai dạy? Tôi sẽ giữ anh ta lại đây dù cho tất cả các anh có bỏ đi hết.”
Một suối nước mắt trào xuống rửa sạch khuôn mặt của người anh em đã từng là kẻ ăn cắp. Tất cả lòng ham muốn ăn cắp biến mất.
Đọc qua truyện này, mình nhận ra cái lý của người đời khác với cái lý của thiền sư.
Trong thực tế, ăn cắp là hành vi xấu, là gian tham, chúng ta đã được đạo đức xã hội ngăn cấm, và giới luật của Phật cũng xếp vào một tội quan trọng căn bản của một người bắt đầu tu. Những người đệ tử của thiền sư Bankei đã suy nghĩ đúng và hành động đúng. Có hành vi xấu thì phải bị trừng phạt và ta phải tránh xa người xấu ác, xem như ác tri thức.
Tuy nhiên, đó là cái thấy nông cạn trên bề mặt của hiện tượng. Gọi là cái thấy của tâm đời, tục đế.
Nếu tiến lên một bước, khi ta có tuệ trí, hiểu mọi sự kiện trên đời đều có thể thay đổi, trong một giây phút nào đó, nhân duyên thay đổi, tất cả đều sẽ thay đổi. Hành vi gian tham trộm cắp cũng sẽ thay đổi, chấm dứt khi không có đủ duyên. Đây là tục đế bát nhã.
Thiền sư Bankei, đã là thiền sư, cái thấy của thiền sư sâu sắc và phóng khoáng, thông hiểu bản thể trống rỗng của mọi hiện tượng trên thế gian. Tội lỗi bản thể trống rỗng, có mà như huyễn thuật, tội lỗi nào cũng là vô thường tánh, biến dịch tánh, ly tham tánh, đoạn diệt tánh, giải thoát tánh, niết bàn.
Chư Tổ thường nói: “ Phiền não tức Bồ đề.” Trong bản thể, tất cả pháp đều bình đẳng. Nên kinh Kim Cang có tuyên bố: “Tất cả pháp đều là Phật pháp”.
Thiền sư Bankei (người Nhật) với tâm từ bi và trí tuệ, đã chuyển hóa được tâm của người đệ tử. Như vậy, khi mình chưa chuyển hóa được chính mình, là vì mình chưa đủ trí tuệ, vì thế mình chưa chuyển hóa được người khác, cũng vì mình chưa đủ trí tuệ và từ bi.
Tổ đình, 6- 1- 2021
TN
Lòng từ bi của thiền sư Bàng Khuê
đã làm người ăn cắp tuôn trào nước mắt.
Trí tuệ của thiền sư
đã soi sáng tâm thị phi của những làm đơn thỉnh nguyện
Cách hành xử của thiền sư
đã đánh thức lương tâm hội chúng trong kỳ nhập thất này.
Đây là bài học cho tất cả mọi người.
Ai cảm nhận được nơi đây lòng từ của một vị thầy chân chính.
Bai Phap rat hay. Con nghi~ tai minh khong nhung chua du~ tri tue ma` tam Tu Bi minh van chua lon manh (vi` co`n chap nga~, ta^m the^' gian).
Kinh chuc Ni Su luon an lac trong giao phap cua Duc Nhu Lai.