NGU
Ở đời có bốn cái ngu:
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu"
Làm mai: lúc vợ chồng cơm ngon canh ngọt thì không sao, cũng chẳng ai biết ơn ông bà mai. Còn nếu mà chén dĩa va chạm, sứt mẻ thì họ sẽ lôi ông mai bà mối ra mà mắng chửi.
Lãnh nợ: nghĩa là cả nể ai đó mà trả nợ dùm hoặc vay tiền cho họ trả nợ, hay đứng tên dùm cho một người đi mượn tiền ngân hàng chẳng hạn, đến khi người ta không trả thì mình lãnh đủ, vừa mất tiền, mất uy tín, còn mất luôn cả bạn bè.
Gác cu: khi bẫy chim cu, người xưa phải dùng một con cu trống để dụ chim cu đến rồi giật bẫy để bắt. Trước khi đi bẫy chim cu, người "gác cu" phải tốn nhiều thời gian và công sức để chọn, nuôi cho thuần một con chim mồi để làm mồi bẫy các con chim khác. Vất vả nuôi cu như vậy, nhưng nếu không cẩn thận thì chim sẽ "sổ lồng" bay mất mà không hề "ngoảnh lại" để nhớ cái công của người chăm sóc nuôi dưỡng nó. Tính vô ơn, bạc nghĩa của chim cu khiến người nuôi bị mang tiếng là "ngu".
Cầm chầu: Việc cầm chầu là một hoạt động đặc trưng trong ca trù hoặc hát ả đào, khi người thính giả được tham gia trực tiếp vào một canh hát. Người cầm chầu xưa thường là người nghe có hiểu biết về lĩnh vực này và do làng lựa chọn. Người này tham gia canh hát với tư cách một thính giả đặc biệt, sử dụng trống để chấm câu sau mỗi câu hát và cũng để khen/chê ca nương, kép đàn.
Người cầm chầu phải biết khen, chê đúng chỗ, đúng lúc. Nếu khen nhiều quá thì làng phải chi nhiều tiền thưởng cho phường hát, nếu làng chi ít tiền thì người cầm chầu phải bỏ tiền túi mình ra mà chi cho phường hát. Còn nếu người cầm chầu khen ít thì lại bị phường hát chê trách và cho là keo kiệt làm tổn hại đến danh dự của phường hát . Đây chính là cái khó của kẻ "làm dâu trăm họ", vì vậy người xưa xem việc nhận "cầm chầu" là điều thiếu khôn ngoan.
Ngẫm nghĩ lại thì "4 cái ngu" trên đời là khuyên con người ta đừng can thiệp vào chuyện tình duyên, chớ dính vào nợ nần của người, không làm những chuyện mất công sức mà kết quả không chắc chắn, và đừng lãnh cái việc phải khen chê người khác. Tuy biết là ngu, vậy mà vẫn có lắm người lao vào. Thế mới là người đời!
Còn trong đạo pháp, thế nào là kẻ ngu?
Đức Phật dạy rằng:
Đêm dài cho kẻ thức
Đường dài cho kẻ mệt
Luân hồi dài, kẻ ngu
Không biết chơn diệu pháp
(Kinh Pháp cú, kệ số 60)
Tục ngữ có câu "Thức đêm mới biết đêm dài". Thật vậy, người già khó ngủ mới cảm nhận được sao mà đêm dài thế!
Một canh, hai canh, lại ba canh
Trằn trọc năm canh giấc chẳng thành
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Mơ màng mộng mị những ngày xanh?
Có thức mới thấy đêm dài như vô tận. Có mệt mới ngao ngán chặng đường xa. Nhưng đêm dài rồi cũng sáng, đường xa rồi cũng tới. Chỉ có luân hồi là không có điểm dừng. Đức Phật chỉ ra rằng "sở dĩ luân hồi dài là bởi chúng sanh ngu, không biết chơn diệu pháp". Vì sao vậy?
Bởi vì "chơn diệu pháp" của Ngài đã chỉ ra rất rõ "Đời là bể khổ. Vì sao ta khổ? Có con đường thoát khổ. Và vạch rõ con đường đó để ta đi".
Nhưng bởi chúng ta "ngu", không biết, hay không tin hoặc không thực hành lời Ngài dạy. Bởi thế ta mới phải luân hồi nhiều đời kiếp.
Người ngu si thiếu trí
Tự ngã thành kẻ thù
Làm các nghiệp không thiện
Phải chịu quả đắng cay
(Kinh Pháp cú, kệ số 66)
Tự ngã khiến con người làm tất cả, bằng mọi cách, để phục vụ và thỏa mãn cái Ta, cho dù phải khiến người khác thiệt thòi, đau khổ. Tự ngã khiến con người làm những điều xấu ác, chỉ với mục đích gom góp vào cho mình, cho dù phải cướp đi từ tay người khác. Tự ngã khiến con người tạo Nghiệp bất thiện để rồi phải chịu quả đắng cay.
Cả đời ta lo chăm chút cung phụng cho Tự ngã, để rồi phải nhận lãnh Quả đắng của Nhân độc mình đã gieo. Thế thì Tự ngã không hại ta thì là gì? Bởi thế mới nói "Tự ngã thành kẻ thù của người ngu si thiếu trí".
Tìm không được bạn đường
Hơn mình hay bằng mình
Thà quyết sống một mình
Không bè bạn kẻ ngu
(Kinh Pháp cú, kệ số 61)
Ông bà xưa có câu "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" là có ý khuyên dạy ta nên gần gũi những bè bạn tốt, sẽ giúp ta trở thành người thành công, lương thiện. Cũng vậy, trên con đường tâm linh, ta nên gần gũi các thiện tri thức để học hỏi vun bồi những đức tính của người con Phật.
Nhưng nếu không có duyên lành gặp gỡ người bạn tốt thì sao? Đức Phật dạy rằng "Thà quyết sống một mình, không bè bạn kẻ ngu". Thế nào là kẻ ngu?
Kẻ ngu đây không phải là người kém học thức, không có bằng cấp học vị. Kẻ ngu cũng không phải là người không biết bon chen tranh dành quyền cao chức trọng.
Kẻ ngu đây là những người lôi kéo ta làm những điều bất thiện. Họ rủ rê ta vào con đường nợ nần cờ bạc. Họ xúi giục ta mê đắm sắc dục, tiền tài. Họ dụ dỗ ta rượu chè hút sách. Gần gũi những kẻ ngu, ta có thể giết hại người khác không chùn tay, ta có thể thị phi không ngượng miệng, ta có thể nói dối chẳng ngại ngùng. Bè bạn với kẻ ngu sẽ khiến ta huân tập các thói quen xấu xa, sẽ biến ta thành con người đồi bại.
Bởi thế, Đức Phật dạy rằng "Nếu không gần gũi được thiện tri thức thì chẳng thà ta sống một mình, còn hơn là giao du kết bạn với những người lôi kéo ta vào con đường bất thiện, xúi giục ta làm những điều bất chánh".
Bốn cái ngu trên đường đời đã được người xưa ghi lại để chúng ta tránh. Ngu trên đường đạo chính là Vô minh, không biết học hỏi và thực hành chánh pháp. Ngu trong cuộc đời chỉ khiến ta thiệt thòi. Còn Vô minh thì khiến chúng ta phải luân hồi nhiều đời kiếp.
Giác ngộ là thức tỉnh, là biết mình ngu. Biết rồi thì phải nên tu tập, để gột rửa tập khí ngu, để xóa bỏ mê lầm, để vén màn vô minh tăm tối.
Đừng mãi làm kẻ ngu khi Đức Phật đã vạch rõ cho ta con đường giải thoát!
Như Chiếu