Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 86
Chúng ta cùng đọc câu truyện đối đáp giữa ngài Động Sơn và ngài Vân Nham.
Ngài Động Sơn Lương Giới là vị Tổ của tông Tào Động, một tông lớn trong nhà thiền mà đến bây giờ cũng vẫn còn. Khi ngài còn chưa tỏ ngộ, đang tham thiền, một lần Ngài đến tham thiền với Thiền sư Vân Nham Đàm Thạnh. Ngài hỏi Vân Nham:
- Vô tình thuyết pháp thì người nào được nghe?
Ngài Vân Nham bảo:
- Vô tình thuyết pháp thì vô tình được nghe.
Lương Giới hỏi lại:
- Hòa thượng có nghe chăng?
Ngài Vân Nham nói:
- Ta nếu nghe thì ngươi đâu được nghe ta thuyết pháp.
Ngài hỏi thêm:
- Như vậy vì sao con chẳng nghe?
Ngài Vân Nham liền dựng cây phất tử lên, Ngài bảo:
- Ông lại nghe chăng?
Ngài thưa:
- Chẳng nghe.
Vân Nham bảo:
- Ta thuyết pháp mà ông còn chẳng nghe huống nữa là vô tình thuyết pháp.
Lương Giới thưa thêm:
- Như vậy vô tình thuyết pháp gồm những kinh điển gì?
Ngài Vân Nham bảo:
- Ông đâu không thấy trong kinh di-đà nói: nước, chim, cây, rừng thảy đều niệm Phật niệm pháp?
Ngay câu đó ngài Lương Giới liền đại ngộ và làm bài kệ:
Cũng rất kỳ! cũng rất kỳ!
Vô tình thuyết pháp chẳng nghĩ nghì.
Nếu lấy tai nghe trọn khó hội,
Phải đem mắt thấy mới liễu tri.
Chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa những lời đối đáp này.
Trước hết mình đã hiểu rõ “vô tình” là ý muốn nói đến những vật không có tình cảm, như sông núi, đất đá, cỏ cây v…v... trong khi con người và loài sinh vật được xem như là có tình cảm, là hữu tình. Vậy vấn đề là tại sao loài vô tình, tức là vô tri giác, không có não bộ, không có miệng, làm sao thuyết pháp? Mà nếu có thuyết pháp thì ai nghe, sao mình lại không nghe?
Đó là thắc mắc của ngài Lương Giới, nên đi tham vấn ngài Vân Nham để hỏi vấn đề này. Câu hỏi thật khéo, không nói ngay ra là mình không nghe, không tin loài vô tình mà có thể thuyết pháp. Ngài lại hỏi:
- Ai được nghe vô tình thuyết pháp?
Ngài Vân Nham trả lời ngay:
- Vô tình thuyết pháp, vô tình nghe.
Câu trả lời chắc nịch, như sấm sét. Nếu là căn cơ nhạy bén, ngay đây ngộ rồi.
Mình nên hiểu hai từ “vô tình” ý nghĩa khác nhau. Chữ “vô tình” thứ hai muốn nói là người với tâm trong sáng, không có tình cảm, xúc cảm của người đời, thì mới nghe được. Vì loài vô tình không thuyết pháp bằng lời nói có âm thanh. Nó chỉ âm thầm, lặng lẽ biểu hiện những chân lý khách quan như: vô thường, duyên sinh, biến dịch, trống không, huyễn có, như như bất động. Vậy mình cũng phải “vô tình” mới nhận ra được những “lời thuyết pháp “ thầm lặng này.
Nhưng ngài Lương Giới chưa hiểu điều đó. Ngài lại tưởng rằng loài vô tình thuyết pháp thì cũng chính loài vô tình đó nghe mà thôi. Nên ngài mới thắc mắc:
- Vậy Hòa thượng có nghe chăng?
Ngài Vân Nham trả lời:
- Ta nếu nghe thì ngươi đâu được nghe ta thuyết pháp.
“Ta” ở đây là cái ngã. Nếu chấp là có nghe thì ta chưa sáng đạo, vậy ta không thể thuyết pháp cho ông. Câu này cũng có thể hiểu có nghe nhưng không chấp vào đó, nên ta mới thuyết pháp cho ông.
Ngài Lương Giới lại hỏi:
- Như vậy vì sao con chẳng nghe?
Tới đây, mình biết ngài Lương Giới vẫn chưa hiểu “vô tình thuyết pháp” là gì?
Thiền sư Vân Nham liền “đổi chiến thuật”, giơ cây phất tử lên, không nói gì. Cây phất tử giống cây chổi lông dùng phủi bụi trên bàn ghế. Ngày xưa, các vị Tổ sư Thiền thường có nhiều cử chỉ bất ngờ, như ngài Vân Môn thường giơ cây gậy lên, không nói. Ngài Hoàng Bá thì trong lúc ngài Lâm Tế quỳ thưa hỏi, bất ngờ đập cho 3 gậy. Trong những giây phút bất ngờ đó, nếu người đệ tử sững sờ, bặt suy nghĩ, tâm rơi vào trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng trống rỗng. Gọi là Ngộ, nhận ra tức khắc cái Tâm đang trống rỗng, có cái Biết rõ ràng qua thấy, nghe hay xúc chạm. Tức là “thấy tánh” trong mức độ đầu tiên phổ thông trong Thiền sử Trung Hoa, Nhật bản.
Ngài Vân Nham lại hỏi:- Ông có nghe chăng?
Khi giơ cây phất tử lên, không nói. Mà ngài Vân Nham lại hỏi “- Ông có nghe chăng?”
Ở đây, ngài Lương Giới vẫn còn mù mờ nên đáp: -“Chẳng nghe.”
Nếu được hỏi: “Có thấy chăng?” Ngài Lương Giới có thể sẽ trả lời: -“Có thấy”.
Nhưng như vậy sẽ không thích hợp với chủ đề “vô tình thuyết pháp, vô tình nghe”. Cái thú vị là có thuyết pháp mà không có lời nào, không có âm thanh. Nhưng người nghe được, khi tâm dừng bặt suy tư. Vậy đâu phải nghe âm thanh từ cảnh bên ngoài. Mà là nghe sự hiểu biết từ trong nội tâm. Chỗ này tương ưng với sự “tự nhận biết”/ self -awareness, mà Thầy Thiền chủ thường nhấn mạnh vai trò quan trọng của nó khi dụng công.
Ngài Vân Nham bấy giờ “gợi ý” khéo, để cho ngài Lương Giới nhận ra “vô tình thuyết pháp” là sao, tức tương tự như cử chỉ giơ cây phất trần lên mà không có lời. Cây phất trần là loài vô tình, chính nó cũng biểu hiện tất cả những chân lý thường hằng trong vũ trụ: vô thường, biến dịch, duyên sinh, bản thể trống không, huyễn có, như như.
- Ta thuyết pháp mà ông còn chẳng nghe huống nữa là vô tình thuyết pháp.
Qua đây, dường như chư Tổ tạm nói có 3 mức độ tu học:
- Đầu tiên là nghe Thầy thuyết pháp, nghe bằng tai (như trong Văn-Tư-Tu).
- Kế đến là nghe pháp của Thầy qua thấy (những cử chỉ bất chợt trong thầm lặng của chư Tổ Thiền tông).
- Sau nữa là nghe pháp từ Vô tình thuyết (hiện tượng thế gian lúc nào cũng hiển lộ tất cả chân lý, trong thầm lặng, không lời).
Tuy nói ra gần hết ý rồi mà ngài Lương Giới vẫn chưa thấy. Còn thắc mắc “vô tình thuyết những kinh nào?”, sao mình không biết, nên ráng hỏi nữa:
- Như vậy vô tình thuyết pháp gồm những kinh điển gì?
Bây giờ ngài Vân Nham phải nói rõ ràng, không “úp mở” nữa:
- Ông đâu không thấy trong kinh di-đà nói: nước, chim, cây, rừng thảy đều niệm Phật niệm pháp?
Tới đây, ngài Lương Giới mới trực nhận ra vô tình là ai? Mà thuyết pháp. Thuyết mà không nói, vậy có thuyết hay không có thuyết? Không có âm thanh phát ra, nên nói nghe thì không được. Phải là “thấy”. Chữ thấy ở đây cũng đặc biệt, là viết nghiêng “thấy”. Là “ngộ”. Con mắt tâm đã mở ra, nhận hiểu rõ ràng ý nghĩa của câu:
“Vô tình thuyết pháp, vô tình nghe”.
Chúng ta cũng nên suy gẫm truyện này, xem như một câu “công án” cho mình. Khi nào mình “nghe” được rõ ràng “vô tình thuyết pháp”, xem như khi đó mình đã “thấy” Đức Phật Thích Ca đang cầm cành hoa giơ lên trước hội chúng, trong đó có mình. Tất cả đang mĩm cười, không phải chỉ có một mình ngài Đại Ca Diếp. Và bấy giờ chắc mình không cần nghe “hữu tình thuyết pháp “ nữa. Vì sao? Vì đâu đâu cũng vang rền pháp âm rồi.
Tổ Đình 5- 1- 2021
TN
Vô tình là Vô tình.
Khởi niệm hết Vô tình.
Vô tình Tự phơi bày.
Vô tình Tự thấu hiểu.
Vô tình đâu Phân biệt.
Không một cũng không hai.
Không sanh cũng không mất.......
Vô tình thuyết Vô tình nghe.
Trước tiên nên áp dụng THIỀN ĐỐN NGỘ của Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền pháp cho Ngài Huệ Khả: một hôm Ngài HK. trình Thầy : tâm con bất an , xin Thầy dạy cho con pháp AN TÂM .Tổ.BĐĐMA bảo : đem tâm ông ra đây ta AN cho ....HK. thưa " con tìm tâm không thấy " .....thì Tổ BĐĐM. bảo : ta đã An Tâm cho ông rồi ...Lúc đó HK. .bất giác NHÌN kỹ lại tâm mình ....thấy rõ ràng "TÂM hoàn toàn tĩnh lặng , rỗng rang ,thanh tịnh Ông mừng quá,vì từ trước đến giờ tâm ông luôn giao động ,bất an ;bây giờ ông biết "đường vào " là không rời xa " cái BIẾT = an trú trong trạng thái tâm "quan sát " = đó là nền tảng "Thiền đốn ngộ " .Nghỉa là mình luôn là người Quan sát / quán chiếu từng sát na các đông thái xảy ra trong tâm ( suy nghĩ , xúc cảm ....vọng tưởng ,khí nó đến là nhìn nó và không theo , thì nó biến mất = nó là đối tượng , ở ngòai ta , là cái sanh diệt.)
Còn ta là chủ thể đứng nhìn chúng = cái bất sanh diệt Đó là : KIẾN TÁNH và tiếp theo là khởi TU ; không thấy Tánh là không THIỀN . Kiến tánh mà không khởi tu thì cũng không đi đến đâu !
Bây giờ nói về " Vô tình thuyết pháp ; vô tình nghe " ; NI SƯ đã giải thích rõ phần trên rồi . Chuyên cổ ,có gia đình Ông Bàn Long Uẩn đã ngộ đạo và luôn sống với " cái Nhận Biết = cái vô sinh bất diệt ",gồm có hai Ông Bà và cậu con trai và cô LINH Chiếu .Cả nhà đều hiểu ý " Trên đầu trăm cỏ ,ý Tổ Sư " = thực vật ( HTTGian ), là loài VÔ Tình , mà biết thuyết pháp: chúng âm thầm lặng lẽ , không lời biểu hiện đủ đầy mọi CHÂN Lý khách quan : vô thường ,duyên sanh, biến dịch , trống không , như huỳễn, như như bất động ....Còn mình cũng phải Vô Tình , mới nhận hiểu được " lời thuỳết pháp thầm lặng " của chúng (HTTG. ) .
Nhắc lại chuyện "kiến tánh = thấy tánh và khởi tu "hay đốn ngộ/ tìệm tu . Khi sống được với tâm thể bất động thì những xao động trong tâm tư : TẮT . Buồn / vui thì có đến có đi ,nhưng Tâm Nhận Biết buồn/ vui thì không đến không đi, luôn chiếu sáng tỏ tường , bản tâm chiếu sáng nầy như ánh mặt trời .Phàm nhân luôn đồng nhất mình với cái buồn / vui ,cái suy nghĩ : nên đồng nhứt cùng nghiệp thức .Ngược lại , Thánh nhân thì quan sát chúng . Vậy thì , sự khác biệt giũa thánh và phàm là có liên tục sống được với Tâm NHận Biết hay không mà thôi .Người tu thiền không sợ vọng tưởng mà chỉ sợ giác chậm; như Sư ông Trúc lâm đã dạy:" Biết vọng không theo " Tóm lại: kiến tánh / ngộ đạo ,là người quan sát , là người " nghe "và "thấy " rõ ràng = MẮT TÂM : "Vô tình thuyết pháp vô tình nghe " tức là Nhận Thức được = không lời tích " NIÊM HOA VI TIẾU " của Đức THế Tôn đang cầm cành HOA đưa lên trước hội chúng rồi Người thấy tánh , sống an lạc & hài hòa với tất cả chúng sanh , không bị ai thao túng .
Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác , thiền sư đã thể ngộ tâm đã để lại cho hậu thế văn bản " Chứng đạo Ca : gom hết tinh hoa của thiền tông :
Du giang hải thiệp sơn xuyên ( dạo chơi biển cả ,rừng thiên ) Tầm sư học đạo vị tham thiền ( tìm Thầy hỏi lấy đạo tham thiền ) Tự tòng nhẫn đắc Tào Khê lộ (từ ngày rõ nẽo tào Khê ấy )
Liễu tri sanh tử bất tương can ( mới hay sống chết chẳng can chi ...)
Nhu vậy , hãy luôn luôn tự nuôi dưỡng thân tâm mình bằng TU tập : NHIET TÂM , TĨNH GIÁC , CHÁNH NIỆM , TINH CẦN.....thì ý nghĩ ngày càng thưa dần, rối ta sẽ sống được với trạng thái tâm rỗng lặng ,chiếu sáng ,trong niềm AN LẠC Vô Biên .
tmN. mong NI SƯ cùng Tăng thân & đại chúng góp ý thêm . Xin đa tạ ....Nguyện đem công đức nầy ,hướng về khắp tất cả , đệ tử và chúng sanh đều trọn thành Phật Đạo ....NMBSTCMNP....
Con kinh chuc Ni Su nhieu an lac.
Dieu Phuong
vô tình (bởi) vô tình (biến) hữu tình
hữu tình (bám) hữu tình (hóa) vô tình
hữu tình (học) vô tình (hoàn) hữu tình
Vô tình thuyết pháp, vô tình nghe.
Không có người nghe.
Hữu tình thuyết pháp, hữu tình không nghe.
Lại có người nghe.
Có nghe, có pháp, có tình.
Không ta, không Pháp, không tình, không nghe.