MỘT KHÍA CẠNH VỀ TÂM
Tôi là người ít khảo cứu về Tâm lý học, không dám lạm bàn về vấn đề rất bao la này mà xưa nay bao nhiêu bậc cao nhân thông thái đã đề cập đến cũng chưa đem lại câu trả lời thỏa đáng về sự khổ, vui của con người. Hôm nay, tôi chỉ xin nêu lên đây một khía cạnh về Tâm, đối chiếu giữa pháp thế gian và pháp Phật.
Nói về Tâm, thế gian thường cụ thể hoá nó bằng những suy tư nghĩ tưởng và những trạng thái vui buồn. Xin tạm phân tích như sau:
1- Tâm ý, cái ý, cái suy nghĩ, tư tưởng, phân biệt, tính toán… thuộc trí năng, ý căn, ý thức.
2- Tâm tình, tức lục dục thất tình, buồn, vui, giận, ghét v.v… thuộc xúc cảm, tình cảm.
Từ cái một đưa đến cái hai. Từ cái ý đưa đến xúc cảm, động tâm. Thông thường, chúng ta nói cái suy nghĩ là tôi, tôi suy nghĩ nên tôi hiện hữu (Descartes). Như vậy, tôi và cái tôi nghĩ tưởng là một. Do có cái ý nên có lời nói và hành động của tôi. Nếu không ý nghĩ, không nói năng, không hành động, cái gì là tôi? Như vậy, không suy nghĩ là không có tôi chăng?
Phật giáo có cái nhìn khác, thấy Tâm con người có hai mặt: vọng tâm và chân tâm. Vọng tâm là cái suy nghĩ, ý thức, trí năng… luôn luôn đi đôi với Tự ngã. Còn chân tâm là trực giác, là tánh giác, là vô ngã.
Chỗ này là chỗ khó nói, khó hiểu đây. Tất cả chúng ta đều dùng trí năng, ý thức, suy nghĩ để thấy, nghe, hiểu biết. Bây giờ phải dẹp hết những cái đó để trực nhận ra tánh giác, làm sao dẹp?
Xin tạm mượn một thí dụ: trọn đời người cũng có lúc rỗi rãi, thảnh thơi tâm trí, tâm thanh thản nhẹ nhàng, đầu óc trống trơn, không một ý nghĩ, ngồi vô tư vô lự… phút giây đó là của Tánh Giác. Tánh Giác là cái biết thuần tịnh, vật thế nào thấy y như thế đó, thấy cái đang là của vật, không thêm, không bớt, không suy luận. Tánh Giác theo khoa học là khu Kiến giải tổng quát ở phía sau bán cầu não trái. Nó kiến giải tất cả những vật thấy, tiếng nghe… trước khi suy nghĩ. Nó giúp cho giới thể thao, võ sĩ thao tác cực nhanh, cực chính xác, không cần suy nghĩ, hay đúng hơn, suy nghĩ không kịp.
Xin tạm kết luận 1: con người có hai khả năng: suy nghĩ và không suy nghĩ vẫn sống, vẫn làm việc, vẫn hiện hữu.
Phật giáo lại chứng minh, cái suy nghĩ là cái sinh diệt; những tình cảm vui buồn thì chợt có chợt mất. Người nào buồn hoài, không giây phút nguôi ngoai quên buồn, chắc khó sống.
Tại sao ý nghĩ là cái sinh diệt? Vì ý nghĩ do căn (mắt) tiếp xúc với trần (vật thấy) nảy sinh ra thức (tâm phân biệt). Bởi vậy, có đối duyên xúc cảnh thì tâm sinh; hết đối duyên xúc cảnh thì tâm diệt. Cứ thế, do ngoại trần và pháp trần, tâm trạng chuyển biến liên miên, không có phút giây tạm dừng. Vậy thì, tâm lệ thuộc vào ngoại cảnh, và nội tâm như con thuyền bị sóng nhồi. Hết bị chi phối bởi công ăn việc làm, lại gặp người, gặp vật, tối đến lên giường cũng bị cái suy tư nghĩ tưởng từ đâu đến quấy rầy không cho ngủ. Có khi còn làm ra ác mộng hãi hùng. Tâm động lâu ngày thành quán tính; trí năng, ý thức hoạt động triền miên, không dừng được, nên cả quyết rằng không thể dừng suy nghĩ được.
Chúng tôi học Thiền lại thấy khác. Phật nói mỗi người đều có chơn tâm hay chơn ngã (tức là Phật sẽ thành). Đây là tạm mượn danh từ để diễn tả. Thật ra, nó không hình tướng, không màu sắc, không thuộc tính, không phẩm chất, không có tên… Nó chỉ là cái trạng thái tâm không, tâm vô niệm, tâm như như. Thuật ngữ gọi nó là Tánh Giác, Chơn Tâm, Bản Lai Diện Mục… Nó và vọng tâm là hai mặt của tâm, giống như hai mặt hình và chữ của đồng xu; thấy mặt này thì không thấy mặt kia. Có vọng tâm thì không có tánh giác. Vọng tâm dừng thì tánh giác hiển lộ.
Tạm kết luận thứ 2: Nếu chịu khó tu tập, có thể làm chủ được vọng tâm và làm hiển lộ tánh giác.
Kinh nghiệm được tánh giác thì có nhiều kỳ diệu:
- Về thân: Thần kinh đối giao cảm chủ động; cơ thể cân bằng, thư giãn; có sức khoẻ tốt, bệnh tâm thể lần hồi được chữa trị.
- Về tâm: Tâm được chuyển hoá, không hơn thua tranh chấp, nên luôn thanh thản, bình tĩnh trước mọi khó nguy, luôn an nhiên tự tại.
- Về trí huệ: Tiềm năng giác ngộ được kích thích, trí huệ tâm linh phát triển.
Thân và tâm người như một bộ máy, sử dụng có hạn kỳ. Ít ai sống quá trăm năm. Dù có sống lâu, mà thân bệnh tật, tâm phiền não, cũng chẳng có gì thú vị. Mục đích của con người sống ở đời là để mưu tìm hạnh phúc; vậy tại sao lại hay phiền não? Tại vì ngoại cảnh chi phối và nội tâm nặng trĩu đau buồn. Nói gọn lại là do Tác Ý. Nếu thấy vật mà không tác ý, nếu nội tâm gợi lại chuyện không vui mà không dính mắc thì tâm vẫn như như, an ổn. Ngược lại, hay dính mắc ngoại cảnh hoặc nội tâm, thì đám rối tư duy khởi lên, phiền não liền tiếp nối. Đó là vì tác ý. Có tác ý thì hoặc đắc ý hoặc bất như ý. Đắc ý thì theo đuổi cái vọng tưởng hoài, sinh mệt. Bất như ý thì sinh bực bội chán ghét ngay. Đàng nào cũng sinh xúc cảm. Xúc cảm làm tiết các chất ngoại tiết và nội tiết. Buồn thì chảy nước mắt, giận thì ứa gan. Người nào càng dễ cảm xúc, ngày nào cũng bị cảm xúc, thì càng mau bịnh mau già…
Như chiếc xe, khi chạy, nổ máy; khi dừng, tắt máy. Nếu nổ máy hoài, hao xăng, hư xe. Con người cũng y vậy. Khi đối duyên xúc cảnh, hệ thần kinh giao cảm hoạt động. Và phải nghỉ ngơi thì mới chuyển sang hệ thần kinh đối giao cảm được. Làm sao làm chủ được cảm xúc khi ta không làm chủ được cái ý?
Tạm kết luận 3: Đầu mối của phiền não là ở suy tư. Nếu làm chủ được cái ý (sự suy nghĩ) thì tránh được hay giảm nhẹ phiền não.
Tâm con người thật kỳ diệu. Nó có 2 mặt: động và tịnh, hữu vi và vô vi.
Động là động não, là tư duy tính toán… Não bộ bị kích thích làm việc tối đa, thần kinh căng thẳng; đưa đến kiến thức, tri kiến thế gian, đồng thời cũng đưa đến lục dục thất tình, lắm bịnh, mau già. Đó là mặt thế tục, hữu vi.
Tịnh là tâm không, không lời; tế bào não dừng quán tính động, thần kinh thư giãn. Sự tĩnh lặng của tâm làm cho tri giác, trực giác bén nhạy, thấy biết rõ mọi việc, bình tĩnh giải quyết mà không khởi lên xúc cảm; luôn luôn được thư thái, an nhiên. Đó là mặt vô vi, siêu thoát.
Trước nay, chúng ta chỉ sử dụng có một bên động, nên dù có tiền của, trí thức, cuộc sống phong lưu, vẫn không thấy đâu là hạnh phúc. Thảng hoặc có hạnh phúc, chỉ là cái bóng, đến rồi đi.
Nếu hôm nay chúng ta nhận ra phần kỳ diệu thứ hai là bên Tịnh và hạ quyết tâm tu tập để kinh nghiệm Tánh Giác, cái bản lai diện mục ngàn đời, thì cuộc đời ta sẽ hoàn toàn đổi mới, bừng sáng niềm hạnh phúc: an lạc, tự tại, an nhiên.
Cũng một cái Tâm đó, tuỳ ta xoay chuyển. Không phải đi tìm cầu cái khôn ngoan trong sách vở, đi cầu nguyện cúng bái nơi các miếu đền, cũng không phải đi tìm quên trong các thú vui lành mạnh hay độc hại… mà có được hạnh phúc. Tất cả chỉ là thuốc an thần tạm bợ. Chỉ có cách tự mình chuyển cái tâm mình, từ vọng sang chân, từ lăng xăng, chao đảo, rộn ràng sang an tịnh, thảnh thơi, nhàn lạc. Đó là sự thật, là khoa học, là đáng tin; và có thể tu tập được. Hạnh phúc ở trong tầm tay chúng ta.
Thích Không Chiếu
(Đặc San Thiền Tánh Không, Số 3, 2000)
- Tag :
- Thích Không Chiếu