Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 85
Hai chữ Bát Nhã, mình đã học và hiểu rồi, cô không khai triển lại ở đây. Cô chỉ nhắc một cách khái quát. Đó là dịch âm từ tiếng Pāli: PĀÑÑĀ, tiếng Sanskrit: PRAJÑĀ . Đây là trí huệ siêu vượt có tính cách sáng tạo, chính xác, khách quan, mang sắc thái của tâm cao thượng: từ, bi, hỷ, xả.
Chư Tổ Thiền thường so sánh cuộc đời như biển khổ. Nhìn xa hơn, dòng luân hồi triền miên như đại dương bao la của nước mắt con người. Từ đó, chư Tổ, như người lái đò, chèo chống con thuyền đưa người qua biển:
“Thuyền từ chống mãi, không dừng nghỉ,
Đưa hết sanh linh lên giác ngạn” (trong bài Văn Sám Hối)
Vậy thiệt ra chư Tổ Thiền mượn phương tiện nào để làm thuyền? Đó là 3 chân lý cuối cùng: Không, Huyễn và Chân như. Thông suốt và thể nhập 3 chân lý này xem như tới được bến bờ thoát khổ, giác ngộ và giải thoát.
Đó là tạm nói một cách thô sơ, chứ trong thực tế, có vô số mức độ của “thông suốt”, của “thể nhập”, nên cũng có vô số mức độ của “thoát khổ”, của “giác ngộ” và của “giải thoát”.
“Không, Huyễn, Chân như” chỉ là những từ ngữ do con người đặt ra, cũng như tất cả những tên gọi khác. Những vật cụ thể, mình có thể dùng mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm, cũng không có tên, không có nói hình dáng vuông tròn, không có nói tốt xấu v v...Nhưng chúng ta đã đặt ra ngôn ngữ dán lên tất cả mọi thứ. Đây là cái nhìn trên mặt hiện tượng, qua giác quan. Rồi mình tưởng tất cả là thiệt có, tranh đua nắm giữ. Từ đó có biển khổ, là biển không toại nguyện.
Bấy giờ, Phật giảng dạy tất cả cuộc đời sinh ra là do vô số nhân duyên, thay đổi luôn luôn, theo nhân duyên, bản thể của nó là trống rỗng, trống không, không có bền chắc, không có lõi cứng. Nó xuất hiện trước giác quan của mình chỉ như trò ảo thuật, như trong giấc chiêm bao mà thôi. Hiện tượng thế gian là hoàn toàn không có thật, trong kinh so sánh nó như: lông rùa, sừng thỏ, như đứa con của người thạch nữ (cô gái bằng đá làm sao sinh con).
Vì thế, Phật tạm dùng các thuật ngữ : Không (SUÑÑATĀ ; Huyễn ( MĀYĀ); Như vậy (TATHATĀ ) để trình bày chỗ thấy: hoàn toàn tĩnh lặng, không có gì hết, đặc biệt là hoàn toàn không có lý luận, ngôn ngữ. Trong kinh tạm dùng thuật ngữ: Atakkāvacara (ngoài lý luận, ngoài lời).
Vậy mình không ngạc nhiên khi chư Tổ Thiền đem chiếc thuyền “không có đáy” mà đưa người qua biển. Có nghĩa là “chiếc thuyền Bát nhã” không chứa đựng một thứ gì của cuộc đời.
Tới đây, mình hiểu thêm, trong bài Bát nhã Tâm kinh:
+ Chiếu kiến ngũ uẩn giai không.
+ Thị cố không trung: vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức, vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới, vô vô minh diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận, vô khổ, tập, diệt, đạo, vô trí diệc vô đắc....”
Tu tập tới đây rồi, là bắt đầu có trí tuệ. Tại sao kinh nói “vô trí diệc vô đắc”? Chính là vì mình thấy có mình chứng đắc, tức còn chấp ngã chứng đắc. Cái ngã vi tế này cũng phải cắt luôn, cắt bằng cách nào?
Không lời là cắt bằng Định,
Không chấp mình giỏi, mình chứng đắc cái gì, là cắt bằng Huệ.
Và cuối cùng là “ Viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh niết bàn”. Cái tâm mình không còn khởi mộng tưởng sai lầm, thì là niết bàn.
Chỗ này cũng có 2 phương thức:
Định là không tác ý tất cả tướng (kinh Đại Không),
Huệ: ly tham, đoạn diệt, giải thoát, niết bàn (kinh Đoạn tận Ái).
Vậy 3 chủ đề Không- Huyễn- Chân Như là 3 phương tiện vượt biển, là 3 chiếc thuyền cùng đưa mình vượt biển giống nhau. Ai thích đi thuyền nào thì đi. Phật và chư Tổ Thiền với tâm từ bi, giới thiệu 3 chiếc thuyền vững chắc. Có cùng một đặc điểm là đều không có đáy, không chứa được một cái gì của đời. Không có giàu sang, danh vọng, không luyến ái, hận thù, ngay cả không có cái Tâm thế gian. Mà phải là Tâm ly dục, ly bất thiện pháp, mới lên được con thuyền Bát nhã.
Thầy đã giảng chỗ này thiệt kỹ: “có pháp mà không pháp”. Khi mình thực hành, cần có pháp, tức chủ đề, để làm chỗ nhắm tới, như ngọn hải đăng trong đêm tối, tâm mình sẽ không lan man đi xa. Nhưng chủ đề “Không- Huyễn- Chân Như” đều không chứa một nội dung nào trong nó, đều không thể dùng lời mà diễn nói cái gì trong đó – khi mình đang thể nhập trong đó. Cho nên ngay lúc đó như không có chủ đề, không có pháp dụng công nào. Thì tâm của mình mới trống rỗng, trong suốt, tịch diệt.
Khi qua tới bờ kia rồi, cũng phải buông chiếc thuyền Bát nhã, mới bước vô nhà - ngôi nhà xưa của mình. Khi xưa Thầy dạy: vào nhà rồi, phải mở toang các cửa, phải bước ra ngoài trời, thấy người khác còn loay hoay tìm bè, mình phải chèo thuyền trở qua rước người hữu duyên vượt biển.
Tổ Đình, 29- 12- 2020
TN
Thức dậy thấy rỗng rang.
Một ngày mới là đây.
Không nói, tự nhận thức.
Đứng lên theo thủ tục,
Rửa mặt có tình tiết,
Chủ đề liền gợi lên.
Bước đi trong lặng lẽ
Cảm nhận biết an nhiên,
Thấy nghe trong tĩnh lặng.
Ngồi xuống, liền gặp Như.