NÓNG GIẬN
Như Chiếu
Một thiền sinh đến than phiền với Bankei:
- “Thưa thầy, con có tính nóng giận không trị được. Làm sao để con sửa đổi nó?"
Bankei trả lời:
- "Đưa cho thầy coi cái con có".
- “Ngay bây giờ thì con không đưa cho thầy coi được,” thiền sinh trả lời.
- “Khi nào thì con cho thầy coi được?” Bankei hỏi.
- “Nó đến bất chợt,” thiền sinh trả lời.
- “Vậy thì,” Bankei kết luận, “nó nhất định không phải bản tánh thật của con. Nếu nó là bản tánh thật, thì con có thể cho thầy coi bất kỳ lúc nào. Khi con sinh ra con không có nó, và cha mẹ con không cho con cái đó. Hãy nghĩ lại xem.”
***
Vậy thì tính nóng giận từ đâu tới?
* Nóng giận là gì?
Đạo Phật có danh từ "sân" chỉ cho sự nóng giận. Thường khi nóng giận thì gương mặt người ta thường nóng lên, đỏ ké, có cảm giác phừng phừng như chạm phải lửa. Giận có thể hiểu là không vui vẻ, không hưởng ứng, không hợp tác.
* Nóng giận từ đâu đến?
Nóng giận đến khi có điều gì đó không vừa ý ta, như ta muốn mà không được, ta nói mà người khác không nghe, hay người khác làm điều mà ta không thích, nói điều mà ta không ưa, hoặc mắt ta thấy điều gì mà ta kỵ ...
Đạo Phật có danh từ "cầu bất đắc". Cầu là mong cầu, là muốn. Bất là không. Đắc là đạt được. Cầu bất đắc nghĩa là không đạt được điều mình muốn.
* Nóng giận đến như thế nào?
Ta hãy nhìn kỹ lại xem cơn sân giận xảy ra như thế nào. Tiến trình này trải qua hai giai đoạn:
1/ Ta gặp một điều ta không thích
2/ Ta phản ứng lại bằng cách nổi nóng.
* Sửa đổi tính nóng giận có khó không?
Không phải dễ dàng, nhưng không khó như ta nghĩ.
* Làm sao sửa đổi tính nóng giận?
Thật vậy, vì muốn hết nóng giận thì ta không cần phải chấm dứt cả hai điều trên, mà đơn giản chỉ cần phá một trong hai vế này.
1/ Ta gặp một điều ta không thích:
a/ Tập thay đổi cách suy nghĩ: để biến điều không thích thành điều trung tính (không thích cũng không ghét) hay thành điều mình thích.
Ví dụ: không thích trời mưa thì tập thay đổi suy nghĩ rằng trời mưa thì đã sao, chỉ cần không ra ngoài, hay đi xe đừng đi bộ, hay che dù là được. Hay ta có thể để ý rằng khi trời mưa, nghe tiếng tí tách cũng vui tai, cơn mưa khiến đất trời mát mẻ, bớt oi ả sau những ngày nóng bức, rồi từ đó cảm thấy trời mưa không còn đáng ghét nữa.
b/ Tập sống đơn giản: Đức Phật dạy "Cầu bất đắc thì khổ". Mong cầu càng nhiều thì càng khổ. Lòng tham khiến con người muốn có đủ mọi thứ nhằm thỏa mãn về thể xác, vật chất và tinh thần. Và khi muốn thì "không có" sẽ là điều ta không thích. Người muốn giàu có sẽ rất ghét cảnh bần cùng. Kẻ ưa danh vọng sẽ đau khổ khi không ai biết đến. Người đa tình sẽ không chịu nổi cảnh cô đơn. Kẻ thích ăn ngon sẽ buông đũa khi cơm canh lạt lẽo. Vì thế, hãy tập sống đơn giản vì đó là lối sống giúp ta giảm thiểu khổ đau và nóng giận. Khi sống đơn giản, ta không còn bị trói buộc bởi quá nhiều thứ, thì làm gì có "không có" để mà "không thích"? Và thế thì làm sao mà nóng giận?
c/ Tập sống một mình: Một mình đây không có nghĩa là phải lên non mà ở. Nhưng ta cần nên hạn chế tới những chốn đông người, những nơi ồn ào náo nhiệt, như thế sẽ giảm thiểu những xung đột khiến ta dễ nổi sân. Sống một mình cho ta thời gian nhìn lại chính mình, chiêm nghiệm thân tâm, giúp ta bớt lệ thuộc vào người khác. Một khi ta có thể vững chải một cách độc lập, thì không ai có thể khiến tâm ta buồn bã khi vắng họ, tim ta đau đớn khi họ nhạt nhòa, lòng ta hận thù khi họ muốn chia tay.
2/ Ta phản ứng lại bằng cách nổi nóng: khi tiếp xúc với vật hay với điều gì ta không thích thì ta phản ứng lại ngay.
Để sửa đổi tính nóng giận, ta phải tập không nổi sân khi các giác quan tiếp xúc với đối tượng. Muốn vậy, ta cần phải luôn thu nhiếp lục căn, giữ gìn chánh niệm. Cụ thể, ta cần thực hành các phương pháp sau:
- thực tập: nghe chỉ biết nghe, thấy chỉ biết thấy, xúc chạm chỉ biết xúc chạm.
- thực tập: nhìn mọi vật như "cái đang là" qua phép "Như thực"
- thực tập: cắt dòng tư tưởng ngay chỗ "thọ" bằng pháp "không nói".
Hệ thần kinh của ta đã quá quen phản ứng lại khi gặp điều bất như ý, nên không dễ thay đổi trong một sớm một chiều. Nhưng nếu ta cố gắng luyện tập các phương pháp trên mỗi ngày đều đặn, miên mật, tinh tấn trong lúc đi đứng nằm ngồi thì sẽ con rắn "sân" sẽ dần dần không còn "ló mặt" ra nữa.
* Thế bản tánh thật của ta là gì?
Cơn nóng giận chỉ xảy đến khi các giác quan tiếp xúc với đối tương. Giác quan ở đây bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, và đối tượng bao gồm cả những gì ta không trông thấy. Ví dụ: khi nhớ lại câu chế nhạo của người đồng nghiệp hồi sáng, lập tức tâm ta phừng phừng lửa giận.
Không chỉ là cơn giận, mà tất cả các hiện tượng tâm lý như buồn vui, lo lắng, sợ hãi, etc... đều là phản ứng của ta với một tác nhân nào đó, chứ chúng không phải là bản tánh thật của ta.
Nếu ta luyện tập để tâm không còn phản ứng theo kiểu phản xạ như thế nữa, thì tâm sẽ hoàn toàn tĩnh lặng, đó mới đúng là bản tánh thật của tâm ta.
Thế giới này với đầy dẫy những thương ghét, buồn vui, sân hận, thật ra là những khoảnh khắc sinh diệt liên tục của dòng sông tâm đang chảy xiết. Khi nào ta có thể thấy như thật, nghe như thật, thấy biết "cái đang là" thì cơn nóng giận sẽ không còn hiện hữu.
Như Chiếu
Reader's Comment
Friday, December 25, 20208:44 AM
Nguyên Thành
Guest
Bài này hay lắm.Nhưng 5 hình ảnh đầu tiên làm giảm giá trị của bài giảng, vì nhin xem có ve trẻ con.Mạo muoi xin đề nghị cắt 5 hinh đầu tiên.Nếu tac giả không đồng ý , học trò này xin gởi lời xin lỗi và xin sám hối.