TÔI VỀ HƯU
Gửi người bạn đồng tu,
Tuy chưa có duyên gặp mặt và nói chuyện cùng nhau, nhưng khi đọc lá thư chị viết cho đạo tràng, em lại có cảm giác như là chị viết riêng cho em vậy đó (Mời đọc lại bài "Thư gửi bạn"). Vì sao vậy?
Bởi vì chị đã trả lời câu hỏi mà em đã từng tự hỏi mình trong nhiều năm qua "Có nhiều tiền để làm gì?".
Chị biết không, em mới vừa đúng 65 tuổi năm nay. Câu hỏi đầu tiên của cả nhà và bạn bè là "Về hưu chưa?" và câu trả lời của em là: "Chưa! Ông Trời còn cho mình lộc thì mình còn đi làm, chừng nào ổng hết cho nữa thì mình về hưu".
Em trả lời như vậy là vì hai lý do:
1) Cách đây 8 năm (2012) em đã phải chịu cực, vượt qua cái thử thách của ông trời đã bắt là em phải đi làm xa nhà, một mình, để lại chồng và con ở lại. Để giữ công việc làm này, em đã phải lấy tiền túi (tức là lấy tiền lương sau khi đã trừ thuế) để trả tiền thuê phòng, mua vé đi xe bus, ăn uống tại một thành phố xa lạ cách nhà tới 7 tiếng lái xe. Chỉ mới chừng một năm nay thì ông trời mới ngừng thử thách em nên đã cho em được trở về làm tại thành phố mình ở, không phải đi xa nữa. Nhờ vậy mà em mới có thể để dành và tiết kiệm tiền lương hằng tháng của mình được.

2) Một lý do nữa là em sợ khi về hưu em sẽ "không có việc gì để làm", em sợ sự "trống vắng", em sợ "có quá nhiều thời gian rảnh rỗi", rồi chỉ còn biết xem phim, lên face book, hay nói chuyện tào lao, etc... cho hết thì giờ.
Em đọc lá thư chị gửi thật đúng lúc đúng thời.
Hôm đó là ngày 15 tháng mười, tự nhiên em thấy nhức đầu quá chừng và mặt mày xây xẩm, rồi nhìn mọi thứ không rõ nữa. Em lo quá nên lấy hẹn đi bác sĩ urgent ngay. Sau khi khám xong, bác sĩ cho biết là em bị một bệnh về võng mạc ở mắt bên trái.

Căn bệnh này làm sai lệch tầm nhìn trung tâm của mắt mình, nên sẽ thấy không rõ nữa, nếu để bệnh nặng hơn thì sẽ dẫn đến mù mắt. Hơn nữa, từ từ rồi mắt bên phải có thể cũng sẽ bị bệnh này. Em buồn và lo nhiều lắm khi nghĩ đến tương lai "mù mắt và mịt mùng" sắp tới cùa mình.
Tuy nhiên, em có niềm tin rất mãnh liệt vào Trời và Phật, em tin là làm nhân lành thì sẽ có quả lành, khiến em bớt lo vì em đã gặp được thầy, được thuốc (em lấy được hẹn với bác sĩ rất nhanh nên chẩn bệnh đúng lúc kịp thời), thì chắc là bệnh của em sẽ được chăm sóc kỹ lưỡng.
Em đọc đi đọc lại lá thư của chị nhiều lần và nhớ mãi những lời "thấm thía" sau đây:
... "Suốt thời gian qua, mình rất thích những bài về Phật pháp bạn gửi cho mình, những bài về thiền Tánh Không, về khoa học não bộ rất bổ ích. Mình nhận ra đời là phù du, là khổ, tự oán trách cả một thời trẻ đã phung phí thời gian vào hai chữ mà thiên hạ thường ca tụng là "yêu nghề". Ai cũng bảo "về hưu buồn, không biết làm gì...".
..."Bạn học bài học của mình đi, nếu tài chính cho phép thì nên về hưu sớm, sống cuộc đời không cần giàu sang. Bạn có nhiều việc ích lợi để làm, như tổ chức các khóa học thiền, nhập thất, mời Ni sư sang giảng. Bạn còn trẻ, còn nhiều năng lương để làm những việc có ý nghĩa mà tuổi già mình không còn cho phép..".
... "Cuộc đời này ngoài công việc, vẫn còn nhiều điều rất đáng sống, đáng làm...".

Chị ơi, căn bệnh võng mạc này là dấu hiệu của ông trời gởi cho em: "Ta đã cho con đủ rồi, nên con phải nhường lộc cho người kế tiếp nhé con". Như vậy là đã đến lúc em phải nhường lộc (công ăn việc làm) lại cho người kế tiếp vì em đã nhận được rất nhiều rồi.
Sau khi suy nghĩ cặn kẽ như trên thì em quyết định:
- Vâng, em sẽ nghe theo lời khuyên của chị và sẽ sắp xếp để nghỉ hưu;
- Vâng, em sẽ kiếm ra thì giờ để nghe các bài giảng về phật và pháp của Ni Sư Triệt Như;
- Vâng, em sẽ dùng thì giờ quý báu còn lại để lo tu luyện, tụng kinh và sám hối;
- Vâng, em sẽ thay đổi chính mình trước, tập thực hành pháp “quán" nhiều hơn, học hỏi làm sao để bớt tham sân si và tập mở rộng lòng từ bi hỷ xả đến mọi người, bắt đầu bằng những người thân trong mạng lưới nhân duyên của mình trước;
- Vâng, em sẽ đối mặt với cái Tâm của mình (không trốn tránh nó nữa). Tại sao em dùng chữ "đối mặt" vì mình chỉ thấy được cái Tâm khi mình ngồi yên trong sự tĩnh lặng... mà thông thường thì em rất sợ sự im lặng, trống vắng.

Ngày xưa mỗi khi đi làm về, vừa bước vào nhà là em phải mở radio ngay, rồi tivi , mở nhạc..., sao cho nhà phải có tiếng động ồn ào thì mới thấy có sự sống. Khi gặp ai thì em lăng xăng, nói tùm lum tà la, người ta chưa hỏi thì mình đã nói cái suy nghĩ của người ta, rồi xung phong sẵn sàng trả lời. Nhất là chưa bao giờ em biết cái Tâm cùa mình nó đang nghĩ gì?. Vọng tưởng nó kéo đi là mình cứ chạy theo nó. Mình lại còn tự khen mình nữa chứ vì mình là người multi-tasking, nghĩa là có khả năng làm nhiều việc một lúc, chưa làm xong việc này thì đã có việc khác đang đón chờ!
Và rồi, em có duyên gặp được Ni Sư Triệt Như và học các lớp của Thiền Tánh Không. Em nhận thấy nơi em có một sự thay đổi rõ rệt từ khi thực hành thiền. Bây giờ em lại rất thích sự tĩnh lặng trong nhà, càng ít tiếng động càng giúp em thực tập Tánh nghe và Biết cái Tâm của mình đang nói gì, nghĩ gì. Như thế thì Tâm mình không bị vọng tưởng kéo đi nữa. Điều này cũng giúp em biết dừng lại trước sự cám dỗ của cuộc đời.
Con đường tu tập của em còn nhiều chông gai lắm, nhưng em sẽ kiên trì và cố gắng mỗi ngày.
Chị có biết là lá thư của chị đã giúp một người thức tỉnh, đó là em. Giờ thì em quyết định về hưu. Vì như lời chị tâm sự "Cuộc đời này ngoài công việc, vẫn còn nhiều điều rất đáng sống, đáng làm...".
Lá thư này, em gửi chị như một lời cám ơn. Cám ơn người bạn đồng tu chưa từng gặp mặt.
Diệu Tâm
(Đạo tràng Montreal)
- Tag :
- Diệu Tâm
Send comment