XUẤT NGUYÊN:
Định Không Tầm Không Tứ (KTKT) là tầng định căn bản trong thiền Phật giáo. Người nào muốn đi đến cuối cùng của thiền Phật giáo đều phải trải qua bước thiền nầy. Do đó ở đây chúng ta chỉ học có 10 ngày làm sao đạt được định KTKT. Chính vì thế chúng ta phải áp dụng miên mật trong 4 tư thế mới hi vọng đạt được định KTKT. Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của định là gì? Thuộc chức năng nào đảm nhận vai trò đó? Rồi đến khi thực hành, ta phải dùng phương pháp nào để cho phù hợp với vai trò và chức năng đó?
Dựa vào thuật ngữ định, ta biết rằng đây là từ ngữ chuyên môn trong thiền. Nó được đức Phật dùng để ám chỉ cho chức năng của tâm chúng ta phải được yên lặng. Sự yên lặng đó được đức Phật mô tả là trạng thái tâm thuần nhất. Tức là trong đó tâm của chúng ta chỉ hiện hữu một trạng thái biết không lời. Nếu biết mà có lời thì tâm chúng ta không được yên lặng. Còn về từ ngữ KTKT được đức Phật dùng để mô tả trạng thái ngôn hành không động. Như vậy định KTKT là tầng định bắt buộc chúng ta phải dụng công làm cho tiếng nói trong đầu chúng ta phải từ từ yên lặng mới được. Ở đây, chúng ta biết rằng trong não bộ của con người có 3 nhóm tạo ra sự yên lặng của tâm (1) là nhóm ý thức, ý căn, và trí năng nhóm nầy đức Phật xếp là nhóm của tâm phàm phu (2) là tâm bậc Thánh (3) là tâm bậc Chân nhân. Nếu muốn dụng công đưa đến yên lặng trong tâm chúng ta thì chúng ta phải dùng cách tu chỉ, bằng phương pháp xử dụng trí năng tỉnh ngộ. Đó là cách chúng ta dùng 2 từ không-nói để chúng ta thực tập cách ra lệnh tế bào não vùng phát ngôn thường trực sẽ từ lần có quán tính không nói. Đây là cách chúng ta dùng tầm để tắt tứ.
Còn về phương pháp dụng công bằng ý thức, phương pháp nầy đòi hỏi chúng ta phải thực hành miên mật mới được. Đó là chúng ta áp dụng bằng 3 cách:
(1) Cách thứ nhất là ý thức không đối tượng: đó là mắt nhìn thấy biết, tai nghe tiếng biết, thân xúc chạm biết mà ta cố ý đóng cửa các giác quan. Xem như các giác quan của ta hiện hữu trong tiến trình thấy biết, nghe biết, xúc chạm biết mà cái ta ý thức không có mặt trong các tiến trình đó.
(2) Cách thứ hai là ta dụng công bằng pháp không định danh đối tượng hoặc cũng còn gọi là không gọi tên đối tượng. Đó là cách ta hạn chế dần quán tính của nói thầm triền miên trong đầu chúng ta. Lý do là chức năng của ý thức, cứ mỗi khi ta tiếp xúc đối tượng, thì bổn phận của nó liền giúp ta có nhận định về đối tượng theo quán tính chủ quan của nó là tốt/xấu, đẹp/thô, trắng/đen… bấy giờ ta nhận thấy rằng muốn đi vào chỗ không hai, ta phải dụng công bằng cách khi giác quan tiêp xúc đối tượng thì ta không định danh đối tượng (hoặc không gọi tên đối tượng).
(3) Cách thứ ba, cách nầy là cách ta dùng ý căn để dụng công bằng pháp chú ý trống rỗng. Đó là cách chúng ta nhìn tât cả đối tượng mà trong tâm chúng ta không nói thầm về đối tượng, trong đó 2 từ “trống rỗng” tương xứng với ba từ “không gọi tên.” Nghĩa là khi chúng ta khởi ý trống rỗng thì tức khắc trong đầu chúng ta cũng liền khởi lên 5 từ “không gọi tên đối tượng”, bằng cách đó chúng ta mới đạt được pháp chú ý trống rỗng.
Tóm lại, với tâm phàm phu nếu chúng ta biết cách dụng công thì cuối cùng chúng ta sẽ đạt được định KTKT. Nhưng vì ở đây chúng ta chỉ có 10 ngày thôi, do đó chúng ta phải áp dụng cách vào tâm bậc thánh, đó là từ thiền chỉ bằng 2 từ Không-nói, chúng ta sẽ đi vào thiền định một cách dễ dàng.
Ở đây có những vị đã theo học từ trước với chúng tôi, những vị đó quen với những thuật ngữ như không định danh đối tượng, hoặc chú ý trống rỗng, hay không nói thầm trong não, quí vị đó tuy có cơ may biết cách vào định sớm hơn những vị đương theo học nhưng vì thời gian không thực hành liên tục đưa đến tình trạng mà chúng tôi quen gọi là “định cà giựt”. Nhưng bây giờ may mắn được tham dự trong khóa tu học nầy, thì những vị đó sẽ có kinh nghiệm định sớm hơn những vị mới theo học.
Tóm tắt lại, bài giảng trong ngày đầu về ý nghĩa của định KTKT là đức Phật muốn hướng dẫn chúng ta phải tìm cách cắt đứt niệm nói thầm triền miên trong đầu chúng ta bằng cách Ngài đưa ra phương pháp hướng dẫn chúng ta ứng dụng tâm phàm phu (gồm 3 nhóm ý thức, ý căn và trí năng) để dụng công. Nếu qua phương pháp đó chúng ta đạt được định KTKT, thì điều đó là điều rất may mắn, trong đó phải kể vai trò quan trọng của trí năng tỉnh ngộ. Tức là tự ngã phát ra ý nghĩ không nói, ý nghĩ đó liền truyền thẳng đến vùng Wernicke rồi từ đó truyền đến vùng Broca. Nơi đây liền khuếch tán 2 từ không nói đến những nơi tiếp nhận, có liên hệ đến sự đối thoại thầm lặng: trước hết là vùng ký ức vận hành được xem như là vùng ký ức ngắn hạn rồi tiếp theo đến vùng ký ức xúc cảm, cuối cùng đến vùng ký ức dài hạn. Lúc bấy giờ nơi tâm của ta sẽ từ lần trở nên yên lặng mà không thông qua một pháp nào hết. Nếu chúng ta thật sự tỉnh ngộ thì việc dụng công bằng trí năng tỉnh ngộ, chúng ta sẽ đạt được định KTKT ngay từ ngày thứ nhất. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ nhận thấy 3 tánh đồng loạt mở. Đó là cửa vào của tâm bậc Thánh.
Nhưng thật sự việc ấy không phải dễ. Vì điểm khó khăn ở chỗ đòi hỏi chúng ta phải trải qua thời gian dụng công miên mật về chủ đề “không nói thầm trong não” một cách tích cực, để cho tế bào não quen dần cách khi các giác quan tiếp xúc đối tượng thì chúng ta không gọi tên đối tượng gì hết. Chúng ta chỉ nhìn thấy biết, nghe biết, xúc chạm biết mà trong não chúng ta không gọi tên gì hết về đối tượng. Đó là cách chúng ta huấn luyện tế bào não vùng phát ra lời đều có quán tính yên lặng. Do đó ở đây chúng ta thấy giữa 2 sắc thái tâm đều cách nhau chỉ có một khoảng là không nói thầm. Hễ chúng ta nói ra lời thì tâm chúng ta rơi vào hoàn cảnh của tâm phàm phu. Còn nếu chúng ta nhìn thấy biết, nghe biết, xúc chạm biết đều không lời thì rơi vào tâm bậc thánh.
HẾT.
Bài Đọc Thêm các khóa Chuyên Tu Định
khóa KHÔNG TẦM KHÔNG TỨ ĐỊNH
ngày thứ 1:
Tâm Như diễn đọc
CLICH icon tam giác để nghe - CLICK icon 3 dấu chấm đứng để download