Hoàng Liên
Kính thưa Ni sư,
Kính thưa các Bác, các Anh Chị trong đại gia đình Thiền Tánh Không,
Con xin chia sẻ cách con tu tập để không nhập làm một với cái ngã.
Có sự khác biệt giữa 2 thái độ biết:
1. Tôi buồn quá
2. Tôi biết là tôi đang có cảm xúc buồn
hoặc
1. Tôi vui quá
2. Tôi biết là tôi đang có cảm xúc vui
Trong trường hợp 1, mình nhập làm một với cảm xúc buồn hay vui của mình. Mình bị nó dẫn đi. Cảm xúc là Hành trong ngũ uẩn (Hành là tâm hành là những trạng thái tâm xúc cảm khác nhau). Trong đó cũng có một phần Thọ (cảm thọ buồn hay vui mờ mờ). Cảm xúc chính là cái ngã của mình.
Trong trường hợp 2, mình ở trong Tánh Biết Không Lời của mình và mình nhân chứng thấy được tâm mình khởi lên cảm xúc buồn hay vui. Nhưng mình không nhầm lẫn, mê lầm cảm xúc mình là Tánh Thật của mình. Mình không nhập làm một với cảm xúc dù là vui, hay buồn. Cảm xúc không làm chủ cuộc đời mình.
Buồn vui thì có "màu sắc", có đặc tính riêng biệt. Buồn thì "màu đen". Nó kéo tâm mình xuống nặng chĩu. Nó làm mình chán đời, rút vào vỏ ốc, không muốn gặp ai, không muốn làm gì hết. Vui thì "màu hồng". Nó làm mình phấn khởi, yêu đời, năng hoạt, thích gia nhập cuộc đời.
Cái Tánh Biết thì không có màu sắc, không có đặc tính. Nó biết có cảm xúc buồn, nhưng Tánh Biết không buồn. Nó biết có cảm xúc vui nhưng Tánh Biết không vui.
Khi mình hiểu được mình là Tánh Biết, thì mình không bi pha "màu" buồn hay vui nữa. Khi mình sống thường hằng trong Tánh Biết thì mình không còn bị rơi vào cái tâm nhị nguyên buồn vui nữa.
Trong câu, "tôi biết ... là tôi đang có cảm xúc buồn" có 2 vế:
Vế đầu, tôi biết, là Tánh Biết của mình, là cái tâm thật của mình, không màu sắc, trong sáng, sáng rỡ, không đặc tính, trống không, an tịnh, bất động. Tánh Biết không muốn gì hết, không tham gì hết. Nó không đẩy lui, cũng không kéo về cho nó bất cứ cái gì.
Vế sau, tôi đang có cảm xúc buồn, là tâm phàm phu của mình. Nó bị dính mắc vào sự việc xảy ra trong cuộc sống, và nó phản ứng lại với tâm xúc cảm là buồn. Nó có màu sắc, có đặc tính. Đằng sau nó là lậu hoặc, là ham muốn. Nếu điều gì xảy ra đúng ý muốn của nó, thì nó vui và nó kéo về. Không đúng ý muốn của nó thì nó buồn, khổ và nó đẩy lui. Tâm phàm phu nhị nguyên (thích/ghét, kéo về/đẩy lui) là cội nguồn của mọi khổ đau.
***
Mình cũng có thể nhập làm một với tư tưởng của mình. Ví dụ:
1. Anh đó có tính tự ái, lúc nào cũng phải hơn vợ mới được.
2. Tôi biết là tôi đang có tư tưởng là anh đó có tính tự ái, lúc nào cũng phải hơn vợ mới được.
Vế một là tâm phàm phu. Mình đang nhập làm một với tư tưởng của mình. Mình cảm thấy nó rất là thực, rất là đúng. Mình cảm thấy MÌNH ĐÚNG. Khi mình cảm thấy mình đúng thì rất là nguy hiểm. Mình sẽ thấy những phản ứng tâm của mình là có lý do chính đáng. Mình có thể có phản ứng tâm như: không thích người đó, lánh xa người đó, v.v.. Mình có thể tạo nghiệp quả không lành. Mình đang bị tư tưởng của mình làm chủ mình. Tư tưởng chính là cái ngã của mình.
Tư tưởng là Tưởng trong ngũ uẩn. Tư tưởng, suy nghĩ, quan điểm, quan niệm, đều là cái ngã của mình. Chúng là hoạt động của ý căn, ý thức, trí năng. Năng lực nuôi dưỡng chúng là lậu hoặc, là cái tâm phân biệt. Mình phân biệt ta khác người. Mình phân biệt mọi sự, mọi vật đều đứng ra riêng rẽ, đều khác nhau. Khi mình sống trong phân biệt Ta/Người, Đúng/Sai, Tốt /Xấu, thì mình không thể nào yêu thương mọi người như nhau và vô điều kiện được.
Vế hai là tánh Biết, hay Tánh Giác Biết Không Lời, Không Tư Tưởng. Tánh Biết biết là tâm phàm phu đang có ý nghĩ. Nhưng Tánh Biết không suy nghĩ, không có quan điểm. Nó không có màu sắc của suy nghĩ, quan điểm. Có suy nghĩ là có màu sắc chủ quan. Tánh Biết cũng không ham muốn. Nó không kéo về, nó không đẩy lui. Nó chỉ biết mà thôi.
Tánh Biết biết xong thì Chấm, không nghĩ gì thêm, không nói gì thêm, không suy luận gì thêm. Nhờ vậy mình không có phản ứng tâm, mình không khó chịu hay ghét người đó, mình không chê người đó, mình không coi thường người đó. Mình cũng không vội vàng đòi hỏi người đó phải thay đổi theo ý mình. Nếu có đủ duyên thì mình hết lòng giúp đỡ người đó.
Tánh Biết chỉ biết trong yên lặng mà thôi. Sau đó nó Chấm. Khi cần hành động, thì nó có trực giác cần làm gì cho thích ứng. Những gì nó làm, nó nói đều đem lại lợi lạc, hài hòa cho tất cả mọi người trong cuộc. Vì đằng sau hành động của nó không có sự thúc đẩy của cái ngã tham, sân, si, ngạo mạn.
Hoàng Liên
(TTK Adelaide)
- Tag :
- Hoàng Liên
Kính Thưa cô Hoàng Liên,
Bài viết này thật là quá tuyệt vời, chuẩn, thực tiễn và thấm sâu vào lòng. Con nhờ được Phước duyên dẩn tời thiền tập qua Thiền Tánh Không Adelaide do cô của HL hướng dẫn đã giúp con tìm ra lối thoát và an lạc trong lúc con cảm thấy tuyệt vọng-
Qua nhiều buổi Pháp của cô và thiền tập thường nhật của cô HT đã giúp con nhận thức được sự vô minh, lậu hoặc và cái Ta trong con- và cũng thế, khi bản thân nhận thức được và tự quán được cái Ta, tự ngã, lậu hoặc và vô minh con mới nhận ra được bản thân mình cần 2 tu tập để chuyển đổi nghiệp quả cũng như cách thức giải thoát sự dính mắt mả bản thân con tự trói mình với những xiềng xích đầy chông gai....
Trải qua bao tháng thiền tập và Pháp thoại của cô đã giúp con thoát được bệnh trầm cảm của bản thân và giờ nhờ sự dẫn dắt của cô con hiện đang hướng dẩn cũng như huấn tập và cải thiện bệnh trầm cảm của con trai.
Con thành kính tri ơn Ni Sư đã dẫn dắt TTK đến toàn cầu và cảm ơn sự dẩn dắt tận tình của cô HL.
Như Nguyện