Bài Trình Thầy:
GIÁ TRỊ
BẢN ĐỒ NHẬN THỨC
Trong Thực Hành Thiền Tánh Không
Uyển Như
Kính Dâng
Thầy Thiền chủ Thích Thông Triệt
Thầy Giáo thọ Thích Không Chiếu
Ni sư Thích Nữ Triệt Như
Dù đường về muôn vạn nẻo
Bản đồ Nhận thức luôn khéo theo
Chân Không Diệu Hữu hết mờ mịt
Tathà phương hướng ta nhắm theo
(Thông Triệt)
Sau chuyến Nhập Thất do Đạo Tràng Tánh Không Sacramento tổ chức tại Black Mountain Retreat Center – Trung tâm Phật giáo Tây Tạng thuộc miền Bắc California, từ 25 tháng 7 đến 1 tháng 8 năm 2014, tất cả quý Tăng Ni và thiền sinh được yêu cầu viết bài trình Thầy nhân dịp Lễ Kỷ Niệm 20 Năm Hoằng Pháp của Thầy.
Đây là Bài viết Trình Thầy. Người viết bài này xin ghi lại điều tâm đắc nhất của một thiền sinh sau khi tham dự khoá nhập thất: Giá trị Bản đồ Nhận thức trong thực hành Thiền Tánh Không.
Khoá Nhập Thất bảy ngày có chủ đề Nhập Thất Chuyên Tu Định – Huệ. Nội dung khoá nhập thất thực hành pháp “Không Nói” theo công thức “Bảy Bước An Trú Trong Tâm Tathà”. Tham gia gồm có Ni sư Giáo thọ Thich Nữ Triệt Như và Thầy Giáo thọ Thích Không Chiếu, cùng 65 thiền sinh của hai đạo tràng Sacramento và San Jose. Trong số thành viên tham dự, có một thiền sinh đến từ đạo tràng Tánh Không Paris – Pháp, hai thiền sinh đến từ đạo tràng Tánh Không Nam California và một vài thiền sinh mới. Ni sư nói, đây là khoá nhập thất có nhiều thiền sinh tham dự nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, Ni sư rất vui đã khen ngợi sự hài hoà của anh chị em trong hai đạo tràng suốt khoá tu. Không những vậy, trong ngày tổng kết, qua những chia sẻ, ai cũng vui được biết về những chuyển hoá và lợi lạc rõ ràng trong thân tâm người thực hành sau những ngày nhập thất. Có người đã không ngăn được nước mắt khi nghe những điều tâm sự thành thật của bạn thiền. Tiếc rằng thời gian giới hạn, một số anh chị em chưa có dịp bày tỏ. Tôi nghĩ, trong lặng lẽ “không nói” còn có nhiều đổi thay mới mẻ, nhẹ hay sâu, đang âm ỉ trong người thực hành. Một tuần nhập thất đã để lại ấn tượng rất đậm nét trong tôi.
Thật vậy, suốt thời gian nhập thất, tôi đã có dịp hội nhập với anh chị em trong một môi trường rất an vui và lợi lạc. Nhận được một nguồn năng lượng mới cho thân tâm, sau khoá nhập thất, trên đường về, tôi cảm thấy người thanh thản, tâm tĩnh lặng đằm thắm khác hẳn trên đường đi. Trở về nhà, trong những ngày đầu khi dư âm của năng lượng tu tập đang còn, có một khoảnh khắc, tôi bất chợt nhận ra, “Ồ, Bản đồ Nhận thức!”
Điều vừa chợt nhận ra đã khiến tôi quay nhìn lại vào bảy ngày nhập thất vừa qua. Và bây giờ, khi đang viết bài trình này, người viết cảm thấy niềm vui lâng lâng như một người làm vườn đang nhặt những hạt giống để dành cho những mùa sau …
Nhận thức đóng một vai trò rất quan trọng trong Thiền. Bản Đồ Nhận Thức là một vòng tròn khép kin có ý nghĩa sâu sắc và có tác dụng hỗ trợ không thể thiếu trong thực hành Thiền Tánh Không.
Nhận thức trong Thiền
Nhận thức, theo nghĩa bình dân, là qua cách nhận hiểu, ý nghĩ hay cảm xúc vể một đối tượng, vấn đề hay sự kiện … của một người được biểu lộ ra bằng lời nói, thái độ hay viết ra thành văn, thành sách. Cần phân biệt giữa “biết” và “nhận thức”. Cái Biết không cần học, không cần có kinh nghiệm, có hay không ghi vào ký ức, không cần có khả năng gợi lại. Còn Nhận thức là sự hiểu biết rõ ràng và đầy đủ về một đối tượng qua học hỏi, thực tập lập đi lập lại, để có kinh nghiệm và có ký ức cô đọng về nhận thức ấy, từ đó mới có thể gợi lại, trình bày lại rõ ràng và đầy đủ khi cần.
Có bốn đối tượng nhận thức: Đối tượng có mặt như bình hoa trước mặt, Đối tượng vắng mặt như bình hoa nở rồi tàn đã bỏ đi và cái còn lại được nhận ra trong tâm là “vô thường”, Đối tượng siêu hình như niềm tin về cõi trời hay địa ngục, Đối tượng siêu vượt như Chân Như, Không và Huyễn … có trong “nhận thức không lời”.
Người có nhận thức về một vấn đề là người đã có học hỏi để hiểu biết rõ ràng đầy đủ, thực hành lập lại nhiều lần để có kinh nghiệm và khi đã có ký ức cô đọng trong tâm, có thể gợi lại, trình bày lại một cách đầy đủ bằng trí nhớ của mình vấn đề mà mình đã nhận thức.
Con đường thực hành Thiền là con đường chuyển đổi nhận thức. Từ nhận thức thế tục, qua tu tập, người thực hành tự chuyển mình để có nhận thức tâm linh. Nhận thức thế tục là nhận thức qua ý thức, suy nghĩ, suy luận, bản năng do kết quả hoạt động thuộc vùng tiền trán gồm ý căn, ý thức và trí năng. Nhận thức tâm linh là “nhận thức không lời” của Trí huệ Tâm linh, đó là Nhận thức của Trí vô phân biệt.
Bản Đồ Nhận Thức
Bàn đồ Nhận thức có mặt ở đâu và được sử dụng như thế nào trong khoá nhập thất?
Mặc dầu, tên gọi “Bàn đồ Nhận thức” ít được nhắc đến nhưng nếu chú ý và đã nắm vững lý thuyết, thiền sinh sẽ nhận ra nó ở đâu và được sử dụng như thế nào trong khoá nhập thất. Qua bài giảng và hướng dẫn thực hành, Thầy và Ni sư đều nhấn mạnh việc áp dụng Bản đồ nhận thức một cách hoàn chỉnh.
Có thể nói, Nhận thức Ngữ nghĩa – bước đầu của Bản đồ Nhận thức là dễ nhận ra nhất qua các bài giảng. Nói chung, về lý thuyết, các bài học trong khoá nhập thất đều là những bài cũ. Thế nhưng, không có bài giảng nào của Ni sư hay Thầy là không hấp dẫn thiền sinh, đặc biệt ở những phần định nghĩa các thuật ngữ.
Thầy Không Chiếu nói ngắn vừa đủ, trong dịp này, có những thuật ngữ Thầy định nghĩa giản dị, cụ thể mà rất dễ nhớ. “Thiền là một cách thực tập để thay đổi thói quen, từ thói quen xấu đổi thành thói quen tốt.” Những câu trả lời của Ni sư, ý không thay đổi, nhưng cách trình bày khoa học và cặn kẽ hơn. Ngữ nghĩa của từng thuật ngữ được Ni sư và Thầy luôn nhấn mạnh và phân tích rõ ràng.
Khi giảng về Chuyên tu Đinh – Huệ, Ni sư giải thích rất đễ hiểu. Trong giáo lý Phật, quan tâm đến sự phát triển của Tuệ giác, “Niệm, Định và Tuệ” luôn được nói tới. Phật dạy, Bát chánh đạo là con đường tu tập để diệt khổ. Chánh niệm dẫn tới Chánh định và có Chánh định vững chắc thì có Tuệ giác tức là Huệ. Ni sư nói: “Định là bước đầu của Huệ. … Định là cái Biết không lời. Ở đây có hai phần, Biết và Không lời. Biết có nhiều mức độ, từ cái Biết có tầm có tứ ban đầu đến cao nhất là Nhận thức biết không lời. Tầm hay Giác, tiếng Pali viết là Vitakka – hay thingking, là suy nghĩ hay lý luận, đó là sự nói thầm trong não. Tứ hay Quán, tiếng Pali viết là Vicàra – hay discursive thinking, là tư duy, biện luân, sự đối thoại thầm lặng trong tâm. “Không lời” là không có lời nói thầm hay đối thoại trong não, là không có cả âm thanh, khái niệm hay bất cứ một vọng tưởng nào. Biết không lời hay Tâm không lời là Tâm hoàn toàn trống không, trong sáng, trong sạch không có một chút gì trong đó.” Ni sư nhắc: “Ngay trong lớp Căn Bản, thiền sinh phải nhận ra sự khác nhau giữa cái Biết có lời và cái Biết không lời. Định là Tâm trống không, trong suốt, không có một gợn suy tư. Định có nhiều mức độ khác nhau. Mức đầu tiên là Tâm dừng. … Thực tập “Không Nói” tức “không suy nghĩ” để Tâm dừng vững chắc là Định. Thực hành Thiền đi vào Định là cách thực tập để dần dần đạt đến làm chủ Tâm ngôn. Làm chủ được tâm là Huệ.” Nhận thức ngữ nghĩa về một thuật ngữ hay chủ để rất cần thiết đối với người thực hành Thiền.
Nhận thức thủ tục giúp người thực hành ghi nhớ thuộc lòng cách thực tập một kỹ thuật hay chiêu thức, tức là làm đúng theo thứ tự để đạt được kết quả đúng. Mỗi thời Thiền, thiền sinh đi Thiền hành trước là một thủ tục giúp tâm tĩnh lặng để khi Toạ thiền dễ vào Định. Thiền sinh không thể bỏ qua thủ tục này.
Thời khoá biểu của bảy ngày nhập thất mỗi ngày lịch ấn định giờ sinh hoạt giống nhau. Thức dậy từ 4 giờ 15 sáng. Toạ thiền tại thiền đường một tiếng từ lúc 5 giờ. Ăn sáng trong vô ngôn lúc 7 giờ. Thiền hành từ 8 giờ 30. Cách đi thiền hành, thực tập “Không Nói”, giữ “cái Biết” nơi từng bước chân, thân tâm thư giãn, bước chậm, giữ khoảng cách đều đặn giữa người trước và người sau. Cuối phần thiền hành: đi thẳng vào phòng hội, trước hết là ngồi xuống toạ thiền, sau đó mới học lý thuyết. Thầy thiền chủ dạy: “Dẫu ở nhà hay ở đâu, phải đi thiền hành trước khi toạ thiền.” Mỗi lần thực hành giữ đúng thứ tự và cách đi, lập đi lập lại để có kinh nghiệm nội tại về thủ tục đi thiền hành trước khi toạ thiền. Sau đó, học lý thuyết từ 10 giờ. Dùng trưa. Nghỉ trưa. Tiếp tục sinh hoạt buồi chiều. Dùng cơm chiều lúc 5 giờ chiều. Toạ thiền tại thiền đường lúc 7 giờ tối. Ngủ lúc 9 giờ tối.
Khi thực tập “Bảy Bước An Trú Trong Tâm Tatha”, ở giai đoạn một – bước hai: Thiền hành, thầy Không Chiếu luôn nhắc, mỗi thời Thiền phải Thiền hành rồi Toạ thiền. Không những chỉ khi thiền hành, mọi sinh hoạt trong ngày đều theo đúng thứ tự, và giờ quy định trở thành một nền nếp trong nhận thức của thiền sinh. Đó là Nhận thức thủ tục – bước thứ hai của Bản đồ Nhận thức.
Nhận thức tình tiết là bước thứ ba trong Bản đồ Nhận thức. Khi toạ thiền, thiền sinh được nhắc, ngoài việc quan trọng là phải có chủ đề “Không Nói” trong suốt thời Thiền, để không bị rơi vào trạng thái “vô ký”, vấn đề cần được quan tâm là “gối thiền” và “cách ngồi thiền”. Gối thiền phải thích hợp với người toạ thiền. Không quá cao, không quá mềm, khi ngồi phải sửa đi sửa lại tư thế ngồi cho đúng cách, thân mới an, tâm mới tĩnh lặng. Kiết già hay bán già, hai đầu gối hạ sát xuống sàn nhà, bàn toạ đặt trên một phần ba gối thiền để tạo cái thế kiềng ba chân là cách ngồi vững chắc nhất. Thiền sinh được Ni sư hướng dẫn lại cách sử dụng gối thiền, cách ngồi và dặn trước khi bắt đầu vào chủ đề thực tập phải thư giãn toàn thân, thư giãn mặt, nhớ không cau mày… Mắt mở hé, lưng thẳng đứng, đầu mũi ngay rốn, hai trái tai ngang vai. Nếu ngồi thiền mà biết lưng mình bị khom xuống hay lệch một bên thì có thể nói nhỏ “đầu ngẩng lên” hoặc “lưng thẳng đứng lên”. Đó cũng là cách dùng “đơn niệm biết”. Cách này giúp người toạ thiền tránh được “si định” là ngồi yên mà không có cái biết, hay “hôn trầm” là uể oải dã dượi, hay “thụy miên” là ngủ gục, hoặc “vô ký” là ngồi thiền mà quên chủ đề. Việc lập đi lập lại những động tác trước và trong khi toạ thiền hay khi xả thiền cho đến khi làm đúng và dễ dàng như một phản xạ tự nhiên mỗi lần toạ thiền, có nghĩa là cách ngồi thiền đã đi vào nhận thức của người thực hành, nhận thức tình tiết.
Nhận thức gợi lên là bước cuối cùng của Bàn đồ Nhận thức. Từ bài học về “Bản đồ Nhận thức”, qua lý thuyết và thực hành “Bảy bước An trú trong Tâm Tathà”, thiền sinh có nhận thức rõ ràng và đầy đủ về cách thực hành chủ đề “Không Nói”. Thực hành có chứng nghiệm, lập đi lập lại nhiều lần, có ký ức cô đọng, người thực hành có thể “gợi lại” những gì đã “nội tại” trong tâm, tức là đã có nhận thức gợi lên. Khi áp dụng vào “Bảy bước An trú trong Tâm Tathà”, thực hành ở hai bước cuối của Giai đoạn hai, người thực hành “gợi lên” về “trạng thái Không Nói” hay “thầm nhận biết Không Nói” mà trong đầu không nói lời nào cả, sẽ kinh nghiệm “Trạng thái Nhận thức biết”, tương xứng với “Tỉnh thức biết” ở tầng Định thứ ba mà Phật gọi là “Chánh niệm Tỉnh giác.
Ý nghĩa của pháp Không Nói
Để nâng cao nhận thức nơi thiền sinh về giá trị pháp “Không Nói” - chủ đề mà thực hành “Bảy bước An trú trong Tâm Tatha” là nội dung của khoá nhập thất, Ni sư đã giảng giải rõ ràng về ý nghĩa của pháp “Không Nói”. Với sự giải thích cặn kẽ đầy thuyết phục, thiền sinh hiểu được thầy Thiền chủ đã chọn “Không Nói” làm pháp thực hành căn bản trong Thiền Tánh Không là đúng với hướng đi của con đường Tâm linh Phật giáo.
Trong mỗi khoá học từ Lớp Căn Bản đến lớp cao nhất của Bát Nhã đều có bài học về “Tiến trình Tu chứng và Thành đạo của Đức Phật.” Thầy thiền chủ khẳng định, con đường tu tập của Thiền Tánh Không là bám theo từng bước chân của Đức Phật.
Với pháp “Thở”, Đức Phật đã đạt được bốn tầng Thiền Định. Vào tuần lễ thứ tư, Ngài đạt đến Tứ Thiền và mô tả trạng thái tâm của Ngài lúc đó là như vậy, tức tathà. Tâm Tathà là Tâm Định kiên cố, được xếp là Khối Định hay Định Uẩn. Đó là lúc Tâm Ngài chỉ có nhận thức trống rỗng, biết rõ ràng mà không lời. Có nghĩa là chỗ đó hoàn toàn “không có phạm vi lý luận”, tức “Không Lời” (Atakkavacara). Như vậy, cốt lõi của Phật Pháp là “Không Lời”.
Ni sư nói, tuy “Không Lời”, nhưng khi đã chứng ngộ, từ Tuệ giác, Ngài đã nhận thức rõ những nhân tố đưa đến luân hồi sinh tử của con người. Tiếp theo, với Tâm Tathà, Ngài đã nhận ra hiện tượng thế gian là Như thế. Rồi sau khi Thành Đạo, từ Tuệ giác tối thượng, Nhận Thức của Ngài đã được xếp đặt theo hệ thống có thứ lớp thành những bài Pháp để giáo hoá chúng sanh. Những học thuyết của Ngài về sau đã được ghi lại bằng ngôn ngữ viết và được truyền lại cho đến nay, rất logic và hợp lý, được phân tích chặt chẽ, lý luận sâu sắc, không một ai có thể tìm thấy khe hở nào để bắt bẻ được. Từ khi còn tại thế cho đến nay, Ngài vẫn được tôn vinh là một nhà “biện luận số một”, không một luận phái nào có thể tranh cải nỗi.
Trong lịch sử Thiền Phật giáo, thật ra, từ sau Phật Nhập Diệt, có nhiều vị Tổ đã chỉ dạy những con đường khác nhau nhưng cùng đưa đến một mục đích chung là làm chủ tâm ngôn, đạt trạng thái “Định Uẩn” để viên mãn đạo lộ Giải Thoát. Pháp “Như Thật” đi bằng con đường Huệ cũng dẫn đến Định, làm chủ tâm ngôn, đạt trạng thái Tâm Như – tức Tâm Tathà. Ni sư tiếp: “Thầy Thiền chủ dạy kỹ thuật ‘Không Nói’ để đạt đến cái Biết không lời là cái bước đầu tiên, dần dần đi lên chỗ cao nhất là Nhận thức biết không lời. Cách thực tập này là để làm chủ tâm ngôn, có nghĩa là đạt cái Không Lời, tức là đi thẳng vào cốt lõi của Phật Pháp.” Ni sư nói tiếp: “Thầy Thiền chủ đã được kiểm tra nhiều lần qua máy PET và chụp hình bằng máy MRI (MRT), tại đại học Tübingen, Đức quốc. Khi kiểm tra, người ta yêu cầu Thầy thực hành Định. Họ theo dõi Thầy từng 30 giây vào Định, liền theo là 30 giây suy nghĩ, rồi tiếp theo là 30 giây vào Định … và cứ tiếp tục như thế. Họ đã lấy được chứng nghiệm về kết quả thực hành Thiền của Thầy. Định là cái Biết mà không có suy nghĩ gì trong đầu! Rất khó, chỉ có Thầy mới làm được! ”Ni sư nhấn mạnh: Bất cứ con đường tu tập nào dẫn đển ‘làm chủ tâm ngôn’, tức ‘không lời’, thì con đường đó đúng, bởi vì nó đi thẳng vào trí tuệ.”
Bảy Bước An Trú Trong Tâm Tathà
“Ngồi Thiền như ngồi chơi”, lời của Thầy Không Chiếu đã trở thành câu hát thuộc lòng của thiền sinh, nhưng người thực hành Thiền vẫn tâm niệm một điều quan trọng hơn, từ lời Phật dạy, mà Thầy thiền chủ luôn nhắc nhở: “Thiền là thực hành!”
Học lý thuyết thật kỹ, nhưng học là để có nhận thức mà thực hành cho đúng. Phải thực hành đúng, đều đặn, nghiêm túc theo thời khoá mỗi ngày. Đi thiền hành, Ngồi thiền và thực hành Bốn oai nghi, phải thực tập mỗi ngày như thế! Thực hành tinh tấn và miên mật mới có kết quả!
Trong Thiền Tánh Không, thực hành pháp “Không Nói”, thiền sinh được học và được hướng dẫn cách thực hành theo Bản đồ Nhận thức kết hợp với công thức Bảy Bước An trú trong Tâm Tathà để lần lượt đi qua Ba Tiến Trình Biết. Đây là một dòng Tâm tĩnh lặng, một dòng biết không lời lặng lẽ, liên tục chảy trong Tâm, mà chỉ qua sự tu tập đều đặn và miên mật, với từng bước chứng nghiệm, người thực hành mới có thể đạt đến thành tựu cao nhất là đi vào Tâm Tathà hay Precuneus. Con đường Thiền này do Thầy thiền chủ sáng đạo đặt ra và thiền sinh Tánh Không khắp nơi hiện nay đang nổ lực tu tập.
Tathà là “Như vậy” hay “Như thế”. Tâm Tathà hay Tâm Như, đúng nghĩa là trạng thái Tâm, trong đó không có cái Ta làm chủ thể, Phật gọi là Tâm Vô Ngã (anatta – Non-ego). Trong Tâm Tathà (Mind-as-such) chỉ có trạng thái “Tự nhận thức biết” rõ ràng tâm mình và về môi trường chung quanh. Đó là trạng thái Nhận Thức Biết Như Thật Như Vậy về thân, thọ, tâm và pháp. Trong Kinh Thánh Cầu có ghi, “Ngài đã tự mình kinh nghiệm được trạng thái Tâm đó và mô tả như sau: nhu nhuyến, thuần tịnh, không cấu nhiễm, ngoài tất cả phạm vi của lời nói, Atakkavacara.”
Tâm Tathà còn được gọi bằng một số thuật ngữ khác như Cái vô sanh (trong Kinh Thánh Cầu), Niết Bàn (theo Phật giáo Nguyên thuỷ), Vô Ngã (Kinh Vô Ngã Tướng), Phật Tánh (trong Phật Tánh Luận của Ngài Thế Thân và Kinh Đại Bát Niết Bàn của hệ Phát Triển), Bản Lai Diện Mục (Lục Tổ Huệ Năng), Tâm Bất Sinh (thiền sư Bankei) và Precuneus, (trong Não học Tây phương).
Để làm sáng tỏ ý nghĩa lợi ích của công thức “Bảy bước An trú trong Tâm Tathà”, Ni sư đã giảng lại rõ ràng và đầy đủ hơn về Tiến trình Tu chứng của Đức Phật kết hợp việc giải thích cặn kẽ từng bước thực hành pháp “Không Nói”. Thật vậy, phải có cái nhìn thấu suốt về cuộc hành trình đi đến Chứng Ngộ và Thành Đạo trong trạng thái An trú trong tâm Tathà của Đức Phật, thiền sinh mới có thêm niềm tin để nâng cao năng lực trong tu tập.
Vào tháng Vesak, qua “bốn tuần lễ không ngủ”, tiếp tục thực hành pháp Thở, Đức Phật đã thể nhập “Định Uẩn” và hoàn toàn sạch hết các lậu hoặc, kiết sử, tuỳ miên. Ngài chứng nghiệm bốn tầng Thiền Định: Sơ Định là Định có tầm có tứ; Nhị Định là Định không tầm không tứ hay Thầm Nhận Biết (Ngôn hành không động, tức Tầm và Tứ yên lặng); Tam Định là Chánh niệm tỉnh giác hay Tỉnh Thức Biết (Ý hành không động, tức Thọ và Tưởng yên lặng); Tứ Định là Định bất động hay Nhận Thức Biết Không Lời (Thân hành không động, tức hơi thở rơi vào trạng thái tịnh tức).
Trong đêm cuối cùng của Tuần lễ thứ tư, khi Ngài an trú trong Ba hành không động thì trạng thái Tâm Tathà bật ra. Đây là trạng thái tâm vắng lặng, là Tâm Định kiên cố. Ở đó, chỉ có Nhận thức trống rỗng, Biết rõ ràng mà không lời. Như vậy, Tâm Tathà là kết quả của “Ba hành không động”. Trong đó, quan trọng nhất là Ngôn hành và Ý hành. Thân hành không động là kết quả của Ngôn hành và Ý hành không động. Ni sư nói: Tóm lại, Tinh tuý của Thiền Phật giáo đặt trên cơ sở Tâm Tathà, vì từ trạng thái Tâm Tathà, tiềm năng giác ngộ, tức Phật tánh của Ngài đã bật ra.
Liền sau đó, trải qua Ba Canh, an trú trong Tâm Tathà, Ngài đã hoàn toàn Chứng Ngộ Ba Minh (Abhisamya). Ngài Thấy Như Thật về vô lượng kiếp quá khứ của chính Ngài – thuật ngữ gọi là Túc mạng minh; Thấy vì sao chúng sinh chết nơi này tái sinh nơi khác, nguyên nhân đưa đến sanh diệt, tâm tánh hay hoàn cảnh của chúng sanh khác nhau là do ba nghiệp thân-khẩu-ý của chính họ tạo ra từ kiếp trước hay ngay trong kiếp hiện tiền – thuật ngữ gọi là Thiên nhãn minh; và Thấy về Tứ Đế, thấy đầu mối luân hồi sinh tử là do lậu hoặc, chấm dứt lậu hoặc thì không còn luân hồi sinh tử – thuật ngữ gọi là Lậu tận minh.
Tiếp theo, qua Tuần lễ thứ năm, Ngài đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Giác bằng Tâm Tathà. Rồi từ Tâm Tathà, Ngài đã Nhận Thức được bốn đặc tính của hiện tượng thế gian: Như tánh, Bất ly như tánh, Bất dị tánh và Y duyên tánh. Ngài tự xưng mình là Như Lai, Tathagata.
Ni sư kết luận, Trạng thái Tâm Tathà chính là mấu chốt sự chứng ngộ của Đức Phật. Ngày nay, muốn đi theo con đường của Đức Phật, thiền sinh cần nắm vững Tiến trình Tu Chứng của Đức Phật để thực tập, trong đó, bước quan trọng nhất là Tầng Định thứ tư, Định bất động tức “Nhận thức Biết không lời” – Atakkavacara.
Công thức Bảy Bước An trú trong Tâm Tathà có hai giai đoạn thực hành. Mỗi giai đoạn, qua từng bước thực tập, thiền sinh phải áp dụng Bản đồ Nhận thức mới đạt kết quả. Người thực hành phải có Nhận thức ngữ nghĩa về các thuật ngữ và kỹ thuật thực hành, Nhận thức thủ tục khi thiền hành rồi toạ thiền, nói ra lời rồi nói thầm, Nhận thức tình tiết khi toạ thiền biết rõ cách ngồi và Nhận thức gợi lên để gợi lại “Trạng thái Không Nói” khi đã thành lập được “Ký ức mã số Không Nói.”
Trong từng bước thực hành, thiền sinh được hướng dẫn rất chi tiết:
Giai đoạn một có bốn bước. Giai đoạn này thực tập với Tiến trình Biết của trí năng tỉnh ngộ (1), thuộc vùng tiền trán của thuỳ trán. Người thực hành dùng “Đơn niệm biết” dụng công để thành lập “Ký ức Mã sô Không Nói” qua “Phản xạ Giác quan”. Thực hành mỗi bước, thiền sinh lần lượt thực tập theo hai cách: nói ra lời và nói thầm “Không Nói”.
Bước một – Toạ thiền. Kích thích và cất giữ mã số “Không Nói” vào vùng tánh Nghe.
- Ngồi thiền và Nói ra lời “Không … Nói: Cách nói là nói chậm và nói vừa mình nghe, nói nhừa nhựa kéo dài thành độ rung nhẹ êm tai để kích thích tánh nghe và cất giữ mã số “Không Nói” vào vùng tánh Nghe. Giữ cái Biết theo từng từ và khoảng trống giữa hai từ, giữa hai lần nói “Không … Nói” … “Không … Nói” … khi nói ra lời.
- Ngồi thiền và Nói thầm “Không … Nói”: Cách thực hành như khi thực hành nói ra lời. Tập quen, càng kéo dài khoảng trống ở giữa hai từ “Không … Nói” và hai lần nói tức là kéo dài thêm sự tĩnh lặng. Khi có sự tĩnh lặng vững chắc là vào Định.
Bước hai – Đi thiền hành. Kích thích và cất giữ mã số “Không Nói” vào vùng tánh Xúc chạm.
- Đi thiền hành và nói ra lời “Không … Nói”: Cách nói như khi thực hành Bước một. Chân bước chậm, giữ cái biết theo dưới từng bước chân, nhịp nhàng với mỗi từ “Không” … “Nói”, và khoảng trống lặng lẽ giữa hai từ, giữa hai lần nói để kích thích và cất giữ Mã số “Không nói” vào tánh Xúc chạm.
- Đi thiền hành và nói thầm “Không … Nói”: Kỹ thuật như cách thực hành nói ra lời.
Bước ba – Toạ thiền. Bảng “Không Nói” để trước mặt. Kích thích và cất giữ mã số “Không Nói” vào vùng tánh Thấy.
- Nhìn vào bảng “Không Nói” và đọc ra lời “Không … Nói”: Khi đọc giữ niệm biết ở mỗi từ “Không” … “Nói” để kích thích và cất giữ Mã số “Không Nói” vào tánh Thấy. Thiền sinh phải phân biệt được giữa “nói” khi thực tập Bước một (Tánh nghe) với “đọc” khi thực tập Bước ba (Tánh thấy). Đọc thì mắt phải nhìn vào bảng “Không Nói” và đọc.
- Nhìn vào bảng “Không Nói” và đọc thầm “Không … Nói”: Thực hành như cách đọc ra lời.
Bước bốn – Đi thiền hành và toạ thiền. Kích thích và cất giữ mã số “Không Nói” vào vùng tánh Nhận thức.
- Đi thiền hành nói ra lời, rồi nói thầm “Thầm … nhận … biết” … “Không … Nói”: Hạ thấp giọng, nói thong thả, nhẹ và êm, rải ra từng từ theo hai nhóm từ “Thầm nhận biết” và “Không Nói”. Giữ niệm Biết ở mỗi từ của mỗi nhóm từ khi nói ra lời và khi nói thầm “Thầm nhận biết” ... “Không Nói”. Thực tập cho đến khi nhận ra trong Tâm có mặt một dòng Biết không lời chảy nhẹ nhàng, lặng lẽ.
Cần phân biệt, khi đi thiền hành ở Bước hai, giữ cái biết ở dưới từng bước chân (kích thích tánh Xúc chạm) và ở Bước bốn, giữ cái biết ở ý về “Thầm nhận biết … Không Nói” để kích thích và cất dữ kiện câu “Thầm nhận biết … Không Nói” vào vùng tánh Tự nhận thức biết.
Khi thực tập đã thuần thục, có thể bỏ đi nhóm từ “Không Nói”, để lại một khoảng lặng … đó là lúc người thực hành kéo dài sát na Định.
- Toạ thiền nói ra lời rồi nói thầm “Thầm … nhận … biết” … “Không … Nói: Sau ba vòng thiền hành, người thực hành ngồi xuống toạ thiền. Cách thực hành nói như lúc thiền hành.
Đây là bước quan trọng trong Giai đoạn một. Người thực hành bắt đầu tập cách “gợi lên” hai từ “Không Nói” khi đã buông được hai từ “Không Nói”, chỉ còn giữ khoảng lặng sau nhóm từ “Thầm nhận Biết”. Nếu có kinh nghiệm vững chắc ở bước này, khi vào Giai đoạn hai, thực tập Bước sáu, người thực hành sẽ dụng công ít khó khăn, và có thể bắt đầu thực tập đi vào tầng Thiền Định thứ ba.
Sau Giai đoạn một, thành tựu của người thực hành là thiết lập được “Ký ức Mã số Không Nói” vào vùng Tánh Tự Nhận thức Biết, tức vùng Precuneus. Có nghĩa là người thực hành đã bắt đầu có Nhận thức cô đọng về “mã số Không Nói”.
Nói chung, kết quả thực hành “Không Nói” ở Giai đoạn một có hai tác dụng rõ rệt. Về thân, người thực hành tự quân bình hormones trong cơ thề, điều hoà khí huyết, sẽ cảm thấy tinh thần nhẹ nhàng, an lạc và có thể phục hồi ký ức. Về tâm linh, ở mỗi bước thực tập để kích thích vào các tánh là dịp người thực hành cô lập “mạng lưới tưởng” và “các vùng ký ức” là một cách “cắt đứt vọng tưởng” bằng “Không Nói”.
Giai đoạn hai, gồm ba bước. Đã có Ký ức mã số “Không Nói” trong vùng Tánh Nhận Thức. Bắt đầu dung “Phản xạ Thụ động”, thực tập để thành lập “Ký ức Hiển Minh”.
Đi vào hai tiến trình Biết tiếp theo. Tiến trình biết của Tâm bậc thánh (2) – Biết của Tánh giác, tức Tự nhận thức biết không lời (self-wordless awareness) ở vùng Tánh giác, ngay góc tam giác của ba Thuỳ - thuỳ Chẩm, thuỳ Đỉnh và thuỳ Thái dương; và Tiến trình biết của Tâm Tathà (3) – Biết của Tâm Phật, tức Tự nhận thức không lời (Self-wordless cognition), nằm ở vùng Precuneus thuộc thuỳ Đỉnh.
Bước năm – Tọa thiền và thực hành Bốn oai nghi. Bảng “Không Nói” trước mặt.
- Toạ thiền: Nhìn bảng “Không Nói”, biết “Không Nói” nhưng không nói thầm “Không Nói”. Kích thích tánh Thấy, đưa hai từ “Không Nói” vào thẳng vùng tánh Nhận thức biết. Đây là bước quan trọng nhất trong cả hai giai đoạn thực hành để đi vào an trú trong tâm Tathà.
Lúc này, nên có những bảng “Không Nói” dán ở nhiều nơi trong nhà để có thêm cơ hội thực tập, áp dụng trong Bốn oai nghi.
- Áp dụng trong Bốn Oai Nghi: Giác quan tiếp xúc với đối tượng bên ngoài, tuy không thấy hai từ “Không Nói”, vẫn cảm nhận được “trạng thái Không Nói”. Ký ức mã số “Không Nói” đã được củng cổ trong vùng tánh Nhận thức biết. Thực hành Bốn oai nghi, gợi lên hai từ “Không Nói” mà không nói thầm Không Nói, rồi gợi lên “Trạng thái không nói” khi giác quan tiếp xúc với đối tượng.
Bước sáu – Thiền hành kết hợp Tọa thiền. Áp dụng Bốn oai nghi. Áp dụng Nhận thức gợi lên. Kinh nghiệm “trạng thái Nhận thức biết.”
- Thiền hành: Trước hết, đi thiền hành ba vòng, áp dụng Nhận thức thủ tục và Nhận thức gợi lên về “trạng thái Thầm nhận biết Không nói.”
- Toạ thiền: Áp dụng Nhận thức tình tiết và Nhận thức gợi lên về “trạng thái Thầm nhận biết Không nói.”
Có kinh nghiệm vững chắc ở bước này, ngưởi thực hành sẽ nhận ra “trạng thái Nhận thức biết” khi đối duyên xúc cảnh mà trong Tâm không nói lời nào. Trạng thái này tương xứng với thuật ngữ “Tỉnh thức biết” trong tầng Đinh thứ ba mà Phật gọi là “Chánh niệm Tỉnh giác.”
Bước bảy – Thiền hành kết hợp Tọa thiền. Áp dụng thực hành Bốn oai nghi. Kinh nghiệm “trạng thái Nhận thức biết Không Nói”.
- Thiền hành: Đi thiền hành ba vòng bằng Nhận thức thủ tục và Nhận thức gợi lên về “trạng thái Nhận thức biết Không nói” mà không nói thầm “Không Nói”.
- Toạ thiền: Áp dụng Nhận thức tình tiết và Nhận thức gợi lên về “trạng thái Nhận thức biết Không Nói” để củng cố … đi vào “vùng Nhận thức biết Không Nói.”
Trong Khoá Nhập Thất, có một tình trạng đặc biệt về khả năng tu tập của người thực hành. Đó là, vì mỗi thiền sinh đến với Pháp môn không cùng một thời gian, mức độ tu tập của mỗi cá nhân khác nhau. Do đó, trong thời gian nhập thất, khi được hướng dẫn ở những bước cao, một số thiền sinh chỉ thực hành theo mức độ tu tập của cá nhân. Nói chung, việc thực tập chủ yếu là ở Tiến trình Biết thứ nhất – cái Biết của Trí năng tỉnh ngộ và chỉ đang bắt đầu hay củng cố Tiến trình Biết thứ hai – cái Biết của Tâm Bậc Thánh.
Tóm lại, dưới sự chỉ dạy và giám sát gần gủi của Ni sư Triệt Như và Thầy Không Chiếu, thiền sinh được hướng dẫn thực hành kết hợp rất hài hoà, cùng một lúc, áp dụng “Bản đồ Nhận thức” và năm bước đầu của công thức “Bảy Bước An Trú Trong Tâm Tathà.” Bảy ngày nhập thất là bảy ngày chuyên tu Định Huệ rất lợi lạc, không thể nào quên.
*
Trước đây, thiền sinh đã được học và nhận ra cái-đang-là là cái Như-vậy, Như-thế, nó là thực chất của hiện tượng thế gian ngay khi không gian và thời gian gặp nhau. Cho đến nay, sau khoá nhập thất, có thể nói, “Nhận thức gợi lên” là sự gặp gỡ vừa có giá trị khoa học vừa có ý nghĩa tâm linh, giữa hai chiều của Bản đồ Nhận thức và Bảy bước An trú trong Tâm Tathà khi người thực hành nắm vững lý thuyết và có đầy đủ sự dụng công trong tu tập.
Từ cái Biết đến Nhận thức, đi qua Nhận thức ngữ nghĩa, Nhận thức thủ tục, Nhận thức tình tiết, Nhận thức gợi lên và đi đến Nhận thức biết Không Nói là “một sợi dây chuyền đôi”, trong đó, phải thực tập từng bước và “lập đi lập lại” là những cái mắt xích không thể thiếu mà người thực hành phải nhận ra để tinh tấn tu tập mới đi đến thành tựu.
Người viết xin kết luận: Bản đồ Nhận thức là một vòng tròn khép kín đã dang rộng và trải dài ra, đan kết chặt chẽ với công thức Bảy Bước An Trú Trong Tâm Tathà tạo nên một “cái sườn” cho Khoá Nhập Thất thể hiện đúng ý nghĩa Thiền Tánh Không, một bộ môn khoa học tâm linh thực nghiệm. Ngoài ra, chính năng lực và tâm huyết của Ni sư Triệt Như và thầy Không Chiếu thể hiện qua các bài giảng và hướng dẫn thực hành, cùng với sự thành tâm tu tập của thiền sinh, và sự góp mặt của trung tâm Phật giáo Tây Tạng, nơi đã có sẵn một từ trường tâm linh là những yếu tố đem lại kết quả hoàn mãn cho Khoá Nhập Thất.
Thầy ơi,
Sau Khoá Nhập Thất, qua sự trực tiếp giảng dạy của Ni sư và hướng dẫn của Thầy Không Chiếu, con càng hiểu ý nghĩa câu mà Thầy đã nhiều lần nói: “Nhận Thức là chìa khoá vạn năng làm phương tiện mở cửa kho tàng trí tuệ tâm linh!” Qua đó, con càng tin sâu vào kiến thức thiền Phật giáo, giá trị Tâm linh và tính khoa học trong Thiền Tánh Không.
Rõ ràng, bằng trí tuệ sáng suốt Thầy đã thành lập hai công thức rất khoa học và có tác dụng tâm linh sâu sắc: Bản đồ Nhận thức và Bảy bước An trú trong Tâm Tathà để dạy thiền sinh thực hành pháp “Không Nói” là cách nhanh nhất người thực hành có thể nhận ra “bản lai diện mục” của mình. Đó cũng chính là con đường “Về Nhà”.
Khi nhận ra giá trị của Bản đồ Nhận thức trong thực hành Thiền Tánh Không, con đã bàng hoàng xúc động. Con tự nhủ mình phải ghi nhớ và thực hành theo con đường của Thầy đã chỉ dạy kẻo uổng phí một kiếp người!
Con xin Tạ Ơn Thầy, Tạ Ơn Thầy Không Chiếu và Ni sư!
Uyển Như
Cuối tháng 8, năm 2014