1. Qua dòng nước mà bàn chân không dính nước,
Đố mấy ai thực hành không dính được?
Như sen kia từ trong nước vươn lên,
Hoa sen thắm mà nước không hề đến được.
Dưới nắng hồng sen vẫn thướt tha,
Khoe hương sắc giữa bùn pha nước cặn.
2. Ta vào đời mà đời chẳng trong ta,
Nghe, thấy biết, từng sát na1 ta chẳng dính.
Sống trong đời, tâm ta vẫn hằng an tĩnh không hai,
Dù phải, trái vẫn không lìa xa trên tánh biết.
Nên tuy biết mà ý căn vẫn cách biệt trong ta,
Mọi tư duy biện luận, phải, trái, chánh, tà,
Không thúc đẩy lòng ta trong gang tấc.
3. Tỉnh thức biết là con đường chân thật,
Phá vô minh để làm bật tánh linh minh 2,
Cho tâm thức ta trở nên thuần tịnh;
Cho tư duy ta chẳng bám dính theo đời.
Dù trong đời, tâm ta vẫn luôn luôn phơi phới,
Chẳng đeo sầu, chẳng nghĩ ngợi xa xưa,
Chẳng oán trách những tâm người "khi mưa," "khi nắng."
Chẳng buồn phiền khi bị "nắng," bị "mưa"
Của phàm tình vọng chấp dây dưa.
Nay tố khổ, mai thưa, mốt dạ.
Biết đâu lần bản ngã của người ta.
4. Dù phong trần nắng rám sắc da,
Trường3 an lạc vẫn luôn tỏa khắp tại những nơi ta tới.
Đời cư sĩ như thế quả thật là thơ thới,
Sống trong đời mà tình đời chẳng níu kéo "trái tim"4 ta.
Qua dòng nước mà bàn chân ta không hề dính nước,
Đố mấy ai tìm biết được cách đi?
5. Nay xin nói để mọi người suy nghĩ:
Pháp nhiệm mầu là PHÁ ĐÁM RỐI TƯ DUY — Phật dạy,
Tổ Đạt Ma đã kiến giải cách KHÔNG LỜI,
KHÔNG SUY NGHĨ là con đường thẳng tới,
Nếu đến nơi thì thấy Tánh sờ sờ,
Lời Phật, Tổ, nào đâu phải giấc mơ.
Nếu không đi thì biết bao giờ nhận được,
Bước qua dòng, không "một giọt nước" dính chân?
1. sát na = một nháy mắt. 2. Tánh linh minh = tánh giác. 3. Trường = khoảng không gian rộng được tỏa ra từ bên trong con người, theo hình khối tròn = từ trường. 4. "trái tim" = thuở xưa người Hy Lạp và ngươi Trung Hoa cho rằng trái tim là tâm con ngườI
V