Hương Thiền Tánh Không
Uyển Như
Tôi không còn nhớ bắt đầu từ lúc nào tôi đã cảm nhận được hương vị ấy. Cho đến khi, mấy dòng chữ bất chợt trôi ra trên đầu ngọn bút thì hạnh phúc có mặt trong tôi nhẹ nhàng đến thảng thốt đã khiến tôi bàng hoàng. Những hàng chữ nằm yên đó, dịu dàng trong lặng lẽ, trang nghiêm mà tha thiết quá. Tôi nhận biết từng con chữ, rất rõ. Từng chữ thả nhẹ vào trái tim tôi êm ả.
Thảnh thơi đứng lại bên bờ
Cuồng lưu thác lũ sông đời trôi lăn
Nguyện khúc vớt ngọc châu tầm
Nhất như từ cội hóa trầm trao con
Tôi sống và thở cùng với hương vị ấy. Sống tận tình giữa âm hao của những điều tôi cảm nhận qua những dòng tôi viết. Chăm chỉ, miên mật. Luôn luôn nâng niu những lời chỉ dạy với lòng biết ơn tràn đầy.
Thưa cô, khi ngồi thiền, hành giả có biết được lúc nào mình vào “định” không cô? Có chứ. Khi vào “định” được rồi hành giả có cảm nhận được không, thưa cô? “Được chứ.” Thưa cô, “cảm nhận được cái gì cô?” Sư cô im lặng. “Khinh an.” Tôi giữ hai chữ “khinh an” trong tâm. Khinh an là khinh an như thế nào nhỉ. Tôi lại hỏi. Thưa cô, khi vào “định” hành giả cảm thấy được gì cô? Sư cô cười hiền hòa. Nụ cười dung dị mà thân thiết. Cứ ngồi thiền đều đặn mỗi ngày thì hành giả sẽ biết. “An lạc”. “Vui ghê lắm.” “An lạc” thì tôi biết, nhưng “vui ghê lắm” là vui như thế nào nhỉ.
Cứ mỗi chủ nhật cuối tháng, đến ngày “thọ bát quan trai” là tôi sắp xếp việc nhà, đi thiền viện. Tôi đi đều đặn. Ở đó, thế giới nhỏ lại nhưng êm đềm, dễ thương lạ. Nơi ấy có một sức hút diệu kỳ. Thiền viện Diệu Nhân. Chiếc nôi thân thương. Thỉnh thoảng tôi lại suy nghĩ về cái “vui ghê lắm” của sư cô. Ngồi xuống, trang nghiêm. Tĩnh tại. Vọng đến thì buông. Buông rồi, vọng lại đến. Vọng đến thì buông. Cứ ngồi xuống. Hãy ngồi xuống. Tọa thiền. Rồi tất cả sẽ đến từ đó, con ạ. Dạ. Nhưng tại sao không ai chia sẻ rõ ràng hơn khi một người tọa thiền, vào “định” thì có những điều gì xảy ra nhỉ?
Tôi muốn học hỏi.
*
Vào giữa tháng 2 năm 2008, anh Chí Hải cho nhóm học Phật biết sẽ có một khóa tu học tổ chức tại Sacramento, do thầy Thích Thông Triệt hướng dẫn. Trước đó tôi đã nghe nói đến “Hội Thiền Tánh Không”. Trước đó, anh Chí Hải có giới thiệu tổng quát về “Thiền Tánh Không” trong nhóm học Phật qua một buổi thuyết trình với những sơ đồ và hình ảnh rất khoa học. Trước đó, tại thiền viện Diệu Nhân, Phật tử được biết tên thầy Thích Thông Triệt là đệ tử của Hòa Thượng Thích Thanh Từ. Có một bài viết Anh ngữ trên báo Sacramento Bee nói về kết quả nghiên cứu của thầy về Thiền – Định có tác dụng vào não bộ như thế nào để đem lại sự an lạc cho thân tâm con người. Thành quả này được chứng minh một cách khoa học nhờ sự giúp đỡ của kỹ sư tiến sĩ Michael Erb và phân khoa Thần Kinh Bức Xạ Học (Department of Neuroradiology) của đại học Y Nha Tuebingen, ở Đức, như một duyên lành. Với vốn kiến thức Phật học được truyền dạy từ Hòa Thượng Thích Thanh Từ thuộc Thiền Tông Việt Nam, sau 14 năm tìm tòi nghiên cứu và tu tập, thầy Thích Thông Triệt đã chứng minh được phương pháp thiền tập giúp hành giả làm chủ được “tánh giác” để giữ “tâm vô niệm” gây tác động vào não bộ khiến “tâm an định” và “phát triển trí tuệ”.
Khóa học Căn Bản Thiền Tánh Không lần đầu tiên được tổ chức tại Sacramento trong bảy ngày, từ 23 tháng 2, 2008. Có khoảng 30 người theo học. Khác với những buổi nghe pháp thoại ở nhiều nơi, các bài giảng ở đây được trình bày rất khoa học. Thầy Thông Triệt giảng bài, bên cạnh, cô Triệt Nhu trình bày sơ đồ minh họa. Những danh từ chuyên môn được viết trên bảng bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Cứ mỗi bài, sau phần lý thuyết, khi các học viên đã thông hiểu cặn kẽ, thầy mới hướng dẫn phần thực hành. Các bài giảng đã giúp người học dễ dàng tiếp nhận và nhanh chóng có khái niệm căn bản không những về Phật học, Thiền học, mà cả kiến thức khoa học và kỹ thuật thực hành. Nếu đã hành thiền từ trước thì những bài giảng dạy trong khóa giúp người học nhận biết rõ hơn, hành sâu hơn, và càng gắn bó hơn với Thiền. Một điều rõ ràng là sau bảy ngày học và thực tập, nói chung, mỗi người học cảm nhận được lợi lạc ngay trên thân và tâm của chính mình. Biết cách điều thân - tâm, biết tỉnh thức, và khi tọa thiền dễ dàng vào “định” hơn. Vui vẻ, hân hoan, trong ngày cuối khóa mỗi người đã bày tỏ lòng biết ơn với thầy và sư cô một cách chân thật.
Thầy Thích Thông Triệt nói “Thiền là một khoa học tâm linh thực nghiệm. Đó là ngộ trước, thực hành sau, và cuối cùng là thành quả của sự chứng nghiệm qua điều mà ta đã ngộ và thực hành.” … “Nghe, Suy nghĩ, và Tu là 3 bộ phận không thể tách rời nhau được trong Thiền Phật giáo. Người tu bao giờ cũng phải dựa vào mô thức Tam Tuệ, tức là Văn, Tư, Tu để chứng minh pháp học và pháp hành tương tác chặt chẽ với nhau như thế nào qua kinh nghiệm thực tiễn của chính mình. Không thể có ngộ mà thiếu thực hành, cũng không thể chỉ có thực hành mà không có ngộ, tức là nhận ra những nguyên tắc thực hành của mình dựa trên những điều kiện nào.” Thầy giảng, “Ngộ là nhận ra, dựa vào điều được nghe nói đến và suy nghĩ; thực thành là tu tập; chứng nghiệm dựa vào tu tập mà có được. Có tu tập mới hiểu, mới có kinh nghiệm và chứng nghiệm được trên 3 mặt thân, tâm và trí tuệ tâm linh về điều mình đã ngộ. Trí tuệ tâm linh thuộc về sáng kiến mới của tâm (innovative minds). Nó là nền tảng của sự sáng đạo (innovative ways). Người tu tập có khả năng chứng minh được điều mình đã hiểu bằng những dữ kiện thực nghiệm (experimental data). Đó chính là mô thức của nền tảng khoa học tâm linh thực nghiệm.” Thầy khẳng định, “Thiền Tánh Không là con đường tu tập Pháp của Đức Phật Thích Ca kết hợp thực hành với sự giảng giải và chứng minh của khoa học.”
Tâm rỗng thì thân an. Thân an thì tâm lạc. Thân tâm ổn định, con người vui tươi thanh thản. Hành giả bắt đầu nhận ra được giá trị sâu sắc nhiệm mầu của Thiền, tiếp tục tinh tấn theo con đường tu mà Đức Phật đã ngộ và chứng đắc hơn 2500 năm về trước. Ước mơ gieo hạt. Lời Phật dạy tỏa sáng trong tâm. “Này các người phải tự thắp đuốc lên mà đi! Các người hãy nhớ, đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người!”
Khóa Học Căn Bản Thiền Tánh Không được tổ chức lần thứ hai tại Sacramento. Thời gian này thời tiết xấu, địa điểm quá xa cho nên số người ghi danh theo học ít ỏi. Tuy vậy, khóa học vẫn thực hiện, bắt đầu vào ngày 16 tháng 3 năm 2009. Tôi có thuận duyên đến tham dự buổi học đầu tiên của khóa học với tâm nguyện là cùng các anh chị em khóa trước hỗ trợ tinh thần và phương tiện cho các bạn trong khóa học mới.
Vẫn phong thái an nhiên, tỉnh thức, sư cô Triệt Như đi vào chương trình học trong không khí vui vẻ, thân thiện. Sau phần chào hỏi ổn định, mười một học viên bắt đầu có những câu hỏi thắc mắc, trước khi vào bài học đầu tiên. Lặng lẽ ngồi xuống tận cuối phòng, mở xấp vở và viết sẵn sàng trên tay để ghi, tôi quan sát lớp học. Một vài vị chưa chuẩn bị giấy bút, có lẽ, anh chị nghĩ là đến học như đi nghe một buổi Pháp thoại mà thôi. Có vị yêu cầu sư cô cho bài viết gởi ra trước để người học đọc cho hiểu, như vậy sẽ dễ tiếp nhận khi nghe bài giảng. Có vị chia sẻ là lâu năm không quen ghi chép. Sư cô trả lời sẽ cung cấp bài dạy bằng các CD. Nói chung, dường như mỗi người đến lớp có chút ngỡ ngàng trong buổi đầu ngồi lại với nhau trên cùng một sàn học Phật. Những đôi mắt tìm hiểu nhìn sư cô, rồi nhìn nhau. Những câu chưa được hỏi đáp có lẽ còn giữ lại bên trong. Có nét mặt lộ vẻ băn khoăn. Bảy ngày học từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Thế rồi những thắc mắc lo toan được xếp lại, người học bị cuốn hút ngay vào bài giảng. Gian phòng lặng yên. Sư cô bắt đầu. Thế nào là tánh giác. Thế nào là tâm linh. Cốt lõi của Thiền là thư giãn và biết. …
Cái biết của “tánh giác” là cái biết tức khắc, cái lóe sáng. Cái biết đầu tiên khi giác quan tiếp xúc với đối tượng. Đó là cái biết như thật, đối tượng như thế nào biết như thế đó. Không “dán nhãn” cho đối tượng, không khen chê. Đó là cái biết khách quan. Sự nhận biết không lời. Tâm bây giờ và ở đây. Vô ngã.
Định. Định là gì? Sự nhận biết không lời.
Theo định nghĩa hàn lâm, “định” là tâm thuần nhất, trong đó chỉ có “một niệm biết”; hay “định” là “nhất tâm”, là tâm chỉ trụ trong một cảnh, hay một đối tượng. Định nghĩa gián tiếp, “định” là “tâm không vọng tưởng”, là tâm không tán loạn. Định nghĩa một cách bình dân, “định” là “sự nhân biết không lời”.
Làm thế nào để vào “định”? Biết “vọng” không theo là một công án. Sư cô nói, phải học lý thuyết vững mới vào thực hành. Vọng tưởng là “giả”! Không, nó “thật”, nó chính là sự nói thầm! “Nói thầm trong não” chính là “vọng tưởng”. Không theo vọng tưởng tức là không nói thầm. Thực hành Thiền là học cách làm chủ vọng tưởng. Thực tập cách không nói thầm trong não. Dùng phương pháp để tắt câu nói thầm trong não. Tầm tắt tứ. Thở hai thì. … Đó là tu tập. Kết quả thân khỏe, tâm an.
Trước khi tu tập rốt ráo để đạt được mục đích tối hậu của tâm linh là giải thoát, giá trị cơ bản của Thiền nằm ở sự hồi đáp sinh học khi thực hành Thiền. Thiền sinh cần hiểu được vai trò của não bộ để biết rõ những định khu của “vọng tâm” và “chân tâm” phát ra như thế nào khi thực hành Thiền.
. . . .
Tôi đến dự ngày cuối khóa. Thời gian bốn tiếng dành cho phần tổng kết khóa học thật có ý nghĩa. Sư cô Triệt Như nhắc lại từng chủ để, khoan thai, vừa giảng vừa ghi sơ đồ lên bảng. Quan niệm mới về sự thực hành Thiền. Kiến thức Phật Học: Tiến trình tu chứng của Đức Phật. Sơ định. Nhị định. Tam định. Tứ định. Tâm trong đạo Phật. Kinh Nhất Dạ Hiền Giả. Kinh Balaiya. Kinh Vô Ngã Tướng. Ngũ uẩn. Tam Pháp Ấn. Kiến thức Thiền học: Phương pháp của Đức Phật dạy: bốn phương tiện thực hành Thiền. Quán, chỉ, định, huệ. Ba sắc thái biết. Ngộ trong Thiền. Kiến thức khoa học: Hồi đáp sinh học trong thiền. Hệ thống võ não. Tánh giác. Ý thức, ý căn, trí năng. Hệ thống viền não. Hệ thống tuyến nội tiết. Cuống não. Các chất sinh hóa tốt giúp điều hòa thân: Acetylcholine, dopamine, serotonin, melatonin. Các chất sinh hóa do hệ thần kinh giao cảm tiết ra như norepinephrine, epinephrine. Kiến thức kỹ thuật thực hành: chiêu thức, phương thức, kỹ thuật. …
Lặng lẽ ngồi ở một góc khuất phía sau, tôi theo dõi, lắng nghe và ghi các sơ đồ một lần nữa vào tập vở. Niềm vui nhẹ lan tỏa trong lòng. Tôi thầm thán phục người giáo thọ xuất sắc. Tự tin mà nhẹ nhàng. Vững chãi mà nhu hòa. Một giảng viên tận tụy và đầy kinh nghiệm. Không khí lớp học yên lắng, tươi vui. Những lời giảng của sư cô từ tốn và chậm rãi nhưng có sức lôi cuốn người nghe một cách kỳ lạ. Tôi lặng người nhận ra thế nào là giá trí quý báu và mầu nhiệm của sự dụng công tu tập. Thiền. Trí tuệ. Niềm vui nở hoa.
Sau lưng tôi có tiếng thì thầm “chỉ cần đi học trong ngày tổng kết này cũng đủ.” Vâng. Thật may mắn tôi có mặt ở đây hôm nay.
Thời gian còn lại trước giờ chia tay dành cho những chia sẻ, các tiết mục văn nghệ và những món ăn chay ngon miệng. Tôi không chủ quan để nói rằng không khí của ngày bế giảng phảng phất hương thiền. Trên mỗi nét mặt có sắc hồng, chút lắng đọng và nụ cười hoan hỉ. Những trao đổi nhẹ nhàng, đồng cảm. Có vẻ như chúng tôi là những người trong cùng một gia đình. Thân thiện và gần gủi, thật cảm động.
Cố thiền sư Thích Minh Thiền có nói, “Con người muốn tồn tại phải hoàn toàn ứng hợp với trật tự thiên nhiên, mà con người trở lại với chính mình là hoàn toàn ứng hợp nhất.” Con đường Thiền. Con đường quay trở lại với chính mình. Con đường vô ngã. Vô niệm. Rỗng rang. Con đường vô nhiễm. Tôi lại nhớ đến một trong muôn lời dạy của Đức Phật, “Không ai có thể làm cho ta bị ô nhiễm, cũng không ai có thể làm cho ta trong sạch. Chỉ có ta tự làm cho mình ô nhiễm hay trong sạch.”