Nỗi sợ hãi vì Coronavirus (Covid-19)
Khởi đầu, các nhà khoa học đặt tên là Coronavirus vì con vi khuẩn nầy có hình dáng tròn như một vòng hoa (wreath) hay vương miện (crown). Coronavirus gây bịnh cho thú vật, các loại chim muông, có thể là từ loài dơi núi Vũ hán, rồi từ đó, truyền cho người. Đối với con người, bệnh có thể đưa đến tử vong.
Trung cộng tìm cách ngăn chặn các chuyên viên y tế nước ngoài đến tận nơi nghiên cứu nên chưa có xác minh khoa học về sự ra đời của con virus Covid-19.
Con Coronavirus đầu tiên thế kỷ 21 đã gieo rắc đại dịch, mang tên là SARS (Severe Acute Respiratory Syndrome). Nguồn gốc từ Trung hoa lục địa, nó lây lan sang Hongkong, Singapore, Canada, Việt nam và khoảng hơn 10 quốc gia khác, gây nhiễm bịnh cho 8096 người, gây tử vong cho 774 người trong vòng 8 tháng (từ tháng 11 năm 2002 đến tháng 07 năm 2003).
Rồi tự nhiên nó tàn rụi và biến mất hẳn.
Con Coronavirus đang hoành hành trên toàn thế giới hiện nay do WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) đặt tên là COVID-19. Lúc ban đầu (vào khoảng tháng 12 năm 2019) nó có tên là Coronavirus Vũ Hán vì lần đầu xuất hiện tại thành phố Vũ Hán, là thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của THCS (Trung hoa cộng sản). THCS che dấu số liệu về dịch bệnh, không chịu thông báo cho các nước biết về nguy cơ của bệnh dịch để kịp thời phòng ngừa. Ngay lúc đầu WHO còn do dự, chưa gọi nó là một đại dịch (pandemic). Và cũng vì thiếu sự thông tin rõ ràng nên ngay cả nước Mỹ cũng bị đại dịch đánh phủ đầu bất ngờ, không kịp trở tay.
Đến nay COVID-19 trở thành một thảm họa đại dịch cho toàn thế giới. Có 213 nước trên toàn cầu đang bị đại dịch tàn phá với diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 03 tháng 08 năm 2020, tổng số trường hợp nhiễm bịnh trên toàn thế giới là 18.160.139 và số người chết là 690.742.
Người xấu số bị nhiễm bịnh qua đời là một cái tang đau buồn cho gia đình. Đối với người may mắn thoát chết, đó là một sự sợ hãi kinh hoàng. Có người đã tự tử vì bị khủng hoảng tâm lý khi thử nghiêm biết mình nhiễm bịnh.
Nền kinh tế thế giới phải gánh chịu hậu quả tai hại với bao nhiêu triệu người thất nghiệp. Họ cần đến sự trợ cấp của nhà nước để sống còn.
Từ những bộ lạc ở rừng sâu Amazon cho đến các thành phố hoa lệ như New York, Paris, Luân đôn, Tokyo, Madrid, Berlin, Moscow..., đâu đâu cũng thấy dấu vết tàn phá của đại dịch. Có nhiều nơi còn thắc thỏm lo sợ đợt hai của đại dịch, không biết sẽ đến vào bất cứ lúc nào.
Sự sợ hãi vì Covid-19
Nỗi sợ hãi vì đại dịch Covid-19 thật là khủng khiếp.
Chừng nào các nhà khoa học chưa tìm ra thuốc ngừa (vaccine) thì COVID-19 vẫn còn hoành hành, tiếp tục gây tang tóc và nỗi sơ hãi kinh hoàng cho loài người.
- Về sự sợ hãi
Sợ hãi là một hiệu ứng của tâm lý, một trạng thái tâm lý bất an, lo sợ, xuất hiện và tồn tại trong cuộc sống của mỗi người, từ khi lọt lòng mẹ cho đến lúc xuôi tay, nhắm mắt. Có những khi sức lực ta còn tràn đầy, tương lai rộng mở; lúc ấy, ta tưởng chừng như không còn sợ hãi. Nhưng kỳ thực nỗi sợ vẫn còn âm ĩ bên trong tâm của chúng ta dưới hình thức nầy hay hình thức khác. Có thể nói, trong suốt cuộc đời, chúng ta phải đối diện với nhiều nỗi sợ hãi khác nhau và cấp độ của chúng cũng không như nhau.
Lúc còn bé, chúng ta sợ “ma”, sợ những sinh thể hình thù kỳ dị theo sự tưởng tượng của óc non nớt trẻ thơ. Khi lớn lên, có trí hiểu biết thì nỗi sợ nầy không còn ám ảnh ta nữa. Nhưng đồng thời, có những nỗi sợ hãi lớn hơn chụp lấy ta:
Sợ thiếu ăn, sợ mất việc làm, sợ gia đình ly tán, sợ bệnh tật, sợ chiến tranh, sợ chết…cùng vô vàn những nỗi sợ hãi khác. Người ta sợ từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ.
- Nỗi sợ hãi vì Covid-19
Trong tình trạng hiện nay, đại dịch Covid-19 đang hoành hành, nhiều người sợ hãi đến mất ngủ vì sợ con virus rình rập, có thể lây lan bất cứ lúc nào khi phải tiếp xúc với họ hàng, bà con, kể cả với những người thân trong gia đình. Có một thời, vì sợ hãi, các bà nội trợ đổ xô tới các cửa hàng siêu thị mua trữ lương thực, các loại thuốc trị cúm…
Nhưng điều đáng sợ nhất là sợ chết. Khi đã nhiễm bịnh với Covid-19, theo lời kể của những người sống sót trở về sau khi được bệnh viện trị hết bệnh, cái “ải” khủng khiếp nhất là cái máy thở. Lúc đó, bệnh nhân không còn biết gì nữa, cái chết đang cận kề trong đường tơ kẽ tóc.
Theo cố giáo sư Phạm công Thiện (1), có một cái đáng sợ là “sợ hãi sự sợ hãi” Nỗi sợ hãi luôn có thường trực trong tâm thức. Tâm thức luôn hoang mang, không bình an, khiến cho con người bị mất ngủ triền miên.
Liên quan đến đại dịch Covid-19, “sợ hãi sự sợ hãi” biểu hiện qua nỗi sợ hãi sẽ có đợt thứ hai. Đại dịch có thể bột phát trở lại khi mà các nhà khoa học chưa tìm ra được thuốc chích ngừa hữu hiệu. Tại nước Pháp, sau ngày giải tỏa cách ly 11 tháng năm năm 2020, người Pháp lại lo sợ vì sự tự do lưu thông, vì các cửa hàng mở cửa trở lại, vì sự lơ là của dân chúng, không tuân theo qui định về khoảng cách 2m hoặc không chịu mang khẩu trang, v.v... khiến cho đại dịch lây nhiễm trở lại và tái phát.
Do “sợ hãi sự sợ hãi” mà có nhiều người tự ý tiếp tục sống cách ly sau đó. (2)
Đảo lộn các thói quen trong thời gian cách ly cũng là nguồn gốc của sự lo sợ.
Có nhiều người quen với nếp sống của thời gian cách ly nay phải sắp xếp lại tổ chức hoạt động của mình nên bị “hụt hẫng”, tâm lý bị xáo trộn, lo sợ chưa biết “tương lai” sẽ ra sao?
Con Coronavirus Covid-19, trong hiện tại tạo ra nỗi sợ hãi cho thế giới, vượt trội hẳn nỗi sợ hãi gây ra do các bệnh truyền nhiễm và các bệnh kinh niên trong các thế kỷ trước (3)
Cho đến thế kỷ 20, các bệnh truyền nhiễm là nguyên nhân chính gây ra sự chết chóc. Năm 2016, theo thống kê của OMS (Tổ chức Y tế thế giới) ¾ số chết là vì các bệnh kinh niên (khoảng 40 triệu người chết).
Ngoài yếu tố tâm lý sợ hãi, sự phòng hộ chống Covid-19 còn tùy thuộc vào nhận thức về những sự rủi ro của mỗi cá nhân trong cuộc sống thường nhật. Sau đây là một vài cấp độ rủi ro (trích dịch):
Rủi ro cao
- Đi đến nơi thờ phượng có hơn 500 người (cấp độ 9)
- Đi đến vận động trường (cấp độ 9)
- Đi nhậu quán bar (cấp độ 9)
- Đi tập thể dục ở phòng gyms (cấp độ 8)
- Đi nhà hàng buffet (cấp độ 8)
Rủi ro trung bình đến cao
- Ôm hôn hoặc bắt tay chào (cấp độ 7)
- Chơi bóng rổ, bóng bầu dục (cấp độ 7)
- Đi lại bằng đường hàng không (cấp độ 7)
- Đi tiệm cắt tóc, gội đầu (cấp độ 7)
Rủi ro trung bình
- Thăm họ hàng, người thân, bạn bè (cấp độ 6)
- Làm việc 1 tuần lễ ở văn phòng (cấp độ 6)
- Gởi con đi nhà trẻ, trường học, trại hè (cấp độ 6)
- Đi mua sắm trong các trung tâm thương mại (cấp độ 5)
- Tụ tập người quen, tiệc barbecue vườn sau nhà (cấp độ 5)
- Đi tắm biển (cấp độ 5)
- Dự ăn tối nhà người bạn (cấp độ 5)
Rủi ro thấp đến trung bình
- Đi ăn nhà hàng, ngồi bên ngoài patio (cấp độ 4)
- Ngồi chờ trong phòng chờ bác sĩ (cấp độ 4)
- Đi chợ mua thực phẩm (cấp độ 3)
- Ra ngoài đi dạo, chạy bộ, đạp xe, đánh golf (cấp độ 3)
Rủi ro thấp
- Đổ xăng, lấy đồ nhà hàng take out, đi cấm trại (cấp độ 2)
- Mở thùng thư, mở thư (cấp độ 1)
Giờ đây, toàn thế giới đang đắm chìm trong hoang mang sợ hãi. Con Covid-19 như bóng ma bí ẩn không biết sẽ xuất hiện ở đâu và bất cứ lúc nào. Ở nơi nào nó đã xuất hiện và có vẻ tàn lụi thì nay nó lại có thể tái xuất, gây thêm sự chết chóc cho loài người. Nó làm ngưng trệ mọi hoạt động hàng ngày.
Tuy nhiên, theo luật tự nhiên của tạo hóa, có sinh là có diệt. Hoa nở rồi tàn.
Con người sinh ra rồi cũng sẽ chết. Không có gì là vĩnh cửu cả.
Con Covid-19 cũng vậy, cũng sẽ tàn lụi bằng cách nầy hay bằng cách khác. Chúng ta phải cẩn thận đối trị và phòng hộ chống lại con vi khuẩn khủng khiếp nầy, thi hành các điều qui định của nhà nước sở tại và phải có lòng tự tin. Trong lúc nầy, chúng ta nên có những sự suy nghĩ tích cực, nói năng và có hành động tích cực, tạo nguồn năng lượng tích cực cho mình và cho mọi người. Do đó, trí não nên có sự suy xét thật chín chắn để rồi từ đó, xử sự một cách có trí tuệ trong mọi tình huống, không bị lôi cuốn theo dòng dư luận xấu, ác hoặc vu vơ, thiếu cơ sở kiểm chứng, có thế, ta mới không bị nỗi sợ hãi ám ảnh.
Tâm của ta luôn luôn cũng phải bình thản, trong sáng. Muốn thế, ta cần phải rèn luyện tâm. Tâm có bình thản, tĩnh lặng, không bị quấy nhiễu bởi những dòng tư tưởng xáo trộn chợt đến chợt đi, thì trí mới sáng suốt, không còn bị sự sợ hãi áp đảo.
Cuộc sống của con người, vốn đã khổ đau, lại càng đau khổ hơn vì luôn luôn có những nỗi sợ hãi, luôn sống trong sợ hãi. Chính là để giúp cho chúng sinh có khả năng vượt thoát được tất cả những nỗi sợ hãi, đạo Phật có giáo lý “Vô úy” để hành giả tự trang bị chống lại. “Vô úy” là không sợ hãi.
Đạo Phật dạy rằng căn nguyên của mọi khổ đau, trong đó bao hàm những nỗi sợ hãi đều bắt nguồn từ Vô Minh. Vì Vô Minh nên không nhận thức đúng đắn về cái Tôi, về chính Tự ngã. Cái Tôi hay Tự ngã thực ra chỉ là môt tổ hợp của Ngũ uẩn. Chính năm yếu tố Sắc (Thân) và Danh (gồm có Thọ: cảm giác-Tưởng: tri giác -Hành: tư duy -Thức: thức) kết hợp để tạo thành con người, cái Tôi, cái Tự ngã. Nhưng thực chất không có cái Tôi trường tồn, bất diệt, không có cái tự ngã thuần nhất, bất biến, và càng không có cái thế giới vĩnh cửu, thường hằng.
Tất cả đều đang vận động, sinh…diệt..., thay đổi trong từng phút, từng giây, thậm chí trong mỗi sát na. Con người và thế giới luôn hiện hữu trong trạng thái Vô thường và Vô ngã. Người Phật tử tu tập hạnh Vô úy luôn nhận thức được rằng: Quá khứ đã qua (đoạn tận), tương lai thì chưa đến (kinh Nhất Dạ Hiền Giả). Chỉ có hiên tại. Mà trong sát na hiện tại thì tâm đã an trú trong chánh niệm nên không còn lo lắng hoặc sợ hãi.