Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 59
CON ĐƯỜNG THIỀN TA ĐI
Những chủ đề cô đưa ra thực tập rất là đơn giản, tầm thường, xem như trò chơi, ai cũng có thể làm được, nếu thích. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã nhận ra những ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa bên trong nó. Nếu chúng ta thực hành hoài thì kết quả tốt không ngờ. Như chủ đề 1 “một chiếc lá”, chủ đề 2 “ Biết, đi biết đi, ngồi biết ngồi”, chủ đề 3 “quan sát lại tâm”, chủ đề 4 “con đường”.
Những chủ đề này đều xem như cụ thể, mình đã có kinh nghiệm nhiều rồi qua những năm tháng tới với Thiền. Đa số đã quan sát “cái đang là” của cảnh, của tâm. Chúng ta diễn tả cảnh”như thật”, hay tâm cũng “như thật”. Cô khen chúng ta chịu khó ghi lại rõ ràng cho cô và các bạn biết tâm mình lúc quan sát cảnh hay quan sát tâm, tâm yên lặng thanh thản, vững chắc hay chưa vững chắc. Điều này không quan trọng lắm đâu. Chúng ta còn khởi suy nghĩ, thỉnh thoảng.
Tuy nhiên, điều cần biết là mình nhớ quay lại nhìn ngắm cái tâm của mình. Tập hoài, giống như mình nhắp cái thắng để chiếc xe tâm của mình thắng lại từ từ, rồi tới một lúc nó sẽ đứng dừng lại thôi. Mình chỉ cần nhận ra khi mình quay nhìn thấy tâm thì nó lập tức đứng yên. Nếu nó chưa quen đứng yên lâu, có nghĩa là mình tập chưa đủ. Và cũng có nghĩa mình còn dính mắc nhiều vào đời. Vậy mình phải bổ túc thêm Tuệ trí, hiểu thêm những chân lý: vô thường, khổ, vô ngã, duyên khởi duyên sinh v.v..
Do vậy, cô luôn hướng dẫn vừa định vừa tuệ song song.
Chúng ta cho là mình chưa có cái Biết không lời vững chắc, đó là mình nghiêng về Định. Mình cũng nên thấy tầm quan trọng của Tuệ, dù là tuệ trí có lời. Nó cũng là tuệ trí xuất thế gian, cũng giúp mình ra khỏi cuộc đời, bớt dính mắc, bớt lăng xăng.
Tuệ trí có lời là nền tảng của Định. Cũng là nền tảng của con đường tu.
Theo tiến trình “Văn- Tư- Tu”.
Theo Bát chánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ v.v....
Theo phương thức “Quán- Chỉ- Định- Huệ”.
Theo Tứ Diệu đế, ba chuyển 12 hành tướng: thông hiểu 4 chân lý, thông hiểu chức năng, tác dụng của 4 chân lý, rồi mới thực hành 4 chân lý và biết kết quả.
Vậy tóm tắt lại, cô muốn bổ túc cho chúng ta phát triển tuệ trí qua phương thức “như thật / Yathàbhùta”, tập sống trong cái “bây giờ và ở đây”. Đôi khi mình còn suy nghĩ, nhưng tâm không có khởi lên tham, sân, si, là tốt quá rồi. Đó là chúng ta đang từ từ thanh lọc tâm, tâm trong sạch hơn, không có pháp ác, thì nó sẽ trong sáng hơn, là “hồ nước trong”, lần lần trở thành “tâm chói sáng” (thuật ngữ trong kinh dùng).
Ngoài ra, chủ đề “một chiếc lá” là một đối tượng tĩnh, chủ đề “con đường” lại là một chủ đề tương đối động. Chúng ta cũng thấy “cái đang là”. Tâm mình không chạy theo xét đoán, phê phán, là cũng đúng. Có em đã nhận ra khi xưa mình thấy khác, bây giờ mình thấy khác. “Cái đang là” của con đường buổi sáng khác, buổi chiều khác. Đó là mình còn dùng “mắt” để nhìn. Và mình còn diển tả đúng y như thật. Nhưng mình không dính mắc vào cảnh, là bước đầu ứng dụng pháp Như Thực.
Khi thực tập hoài, mình sẽ yên lặng tâm, là bắt đầu kinh nghiệm tâm dừng vững chắc trước cảnh. Mình quan sát tâm, thì thấy có cái Biết không lời, dù là nhìn một chiếc lá hay nhìn con đường. Lúc đó, là Định, mà không cần phải cố gắng, cũng không cần chủ đề. Chủ đề chỉ là Biết. Và Không Lời thì không còn đối tượng trong tâm của mình nữa. Nghĩa là mình không diễn nói gì hết về cảnh.
Như vậy là sao? Tâm trống rỗng, cảnh trống rỗng. Mình phải nhận thức rõ như vậy. Thì là Tâm Như Cảnh Như. Con đường thẳng tắp. Nhưng vẫn là Tiệm tu. Không thể đi tắt, đi ngang. Chỉ vì mình chưa phải căn cơ bậc thượng.
Các em còn có một ý rất hay. Liên hệ bài học về ngài Angulimala là đứng lại, không đi nữa, không chạy nữa. Tâm đứng dừng lại, không chạy ra đi chơi nữa, không phóng dật buông lung như kinh thường nói. Khi mình thấy có con đường phải đi, mình thường thấy con đường dài quá, biết bao giờ mới tới nơi, như ngài Thế Thân nói: “ba a tăng kỳ kiếp” mới tới. Nhưng nếu mình đứng lại, thì là mình tới nhà rồi. Tâm đứng yên, là đang ở trong nhà. Còn tìm gì ở đâu nữa? Cho nên một thiền sư xưa đã nói: “Một niệm vô sanh, đạt niết bàn”. Con đường Thiền đó- tạm nói vậy- chứ nếu còn con đường phải đi, thì là chưa tới.
10- 8- 2020
TN
Một việc bất như ý.
Vừa xảy đến cho mình
Xe không có tội tình
Lại bị rạch xấu xa !
Nhìn sự thật xảy ra
Lạ thay! Tâm định tĩnh
Không một chút nổi sân
Lại thương người tạo nghiệp
Không biết quả báo chăng?
Nhớ đến Ryonen
Tự hoại sắc không tiếc
Để buông xã dục tình
Đến con đường tâm linh
Giác ngộ , Tâm giải thoát!
Cái xe ,chỉ vật chất
Cũng huyễn hóa vô thường
Nếu không biết tỉnh giác
Suốt đời luôn bị sinh
Phải nhìn lại Tâm mình
Không để chúng đồng hóa
Phiền não cứ dần lân
Biết bao giờ mới thoát !
Tạ ơn Phật, Thầy, Tổ
Đã khai thị Tâm con
Từ đây bớt dính mắc
Chướng duyên hết buộc ràng
An nhiên và tự tại
Cuộc đời , ôi thảnh thơi !
Diệu Như ( Tx)
Kinh tặng Ni Sư và các bạn Thiền sinh