Phương Thức Thực Hành
Qua Bài Bát Nhã Tâm Kinh
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh: Skt: Mahāprajñāpāramitāhridaya-sūtra: The Perfect Illumination of Heart Sermon; cũng gọi là Bát Nhã Tâm Kinh: Skt: Prajñāhridaya sūtra
Là một bản văn rất ngắn, gồm 262 chữ Trung quốc, do ngài Huyền Trang dịch từ bản gốc bằng tiếng Sanskrit vào năm 649. Tại Nhật, bản kinh tối cổ này được lưu trữ tại chùa Hōryū-ji, Yamoto từ năm 609. Bản kinh ngắn này thường được tụng đọc vào mọi thời khóa tu tập trong nhiều các tông phái Phật giáo Phát Triển.
Kinh này mô tả Bồ tát Quán Thế Âm (Avalokiteśvara) đã lấy những lời chỉ bảo của đức Phật phủ nhận vạn pháp, và làm cho ý thức không còn đối tượng để tánh giác được có mặt. Mục đích của nó là tẩy sạch mọi dấu vết ảo giác của ngũ uẩn (pañca khandhā), thập nhị xứ (dvādasāyatanāni: the twelve sense spheres), thập bát giới (aṭṭhādasadhātuyo: the eighteen elements) (lục căn, lục trần, lục thức), thập nhị nhân duyên, bốn chân lý, và cuối cùng cả “trí” lẫn “đắc” (Wisdom and gain), để làm cho tâm thoát khỏi nhị nguyên; đưa tâm trở về trạng thái tĩnh lặng của chính nó. Đây là trạng thái Không đã nội tại trong nhận thức hay trạng thái Tâm Vô Tướng, Vô Nguyện. Nó cũng chính là trạng thái Niết bàn. Từ trên cơ sở này, tiềm năng giác ngộ mới có điều kiện biểu lộ đầy đủ, phiền não và khổ đau mới thực sự chấm dứt, giải thoát mới trở thành hiện thực. Vì lẽ khi tâm phàm tục đã thoát khỏi mọi ý niệm hai bên, tâm tự nó cũng sẽ biến dạng mà họp lại thành một thể thống nhất trong bản tánh thanh tịnh của chính nó. Đây là sự chứng đạo hay sự đạt được giác ngộ (realization of Truth or attainment of Enlightenment).
Ở đây chúng ta không có ý diển giải lại bài kinh theo kiểu hàn lâm hay truyền thống mà chỉ muốn tìm ra những phương thức thực hành đem lại kết quả thiết thực cho chúng ta là những thiền sinh mới bắt đầu trên con đường tu tập.
Vì căn cơ còn yếu nên chúng ta sẽ tránh không sử dụng những khái niệm trừu tượng như tánh không, tướng không, chân như, niết bàn… Trước khi vào bài kinh chúng ta cần ôn lại 3 đặc tính hay tam pháp ấn của thế giới hiện tượng đó là vô thường, khổ và vô ngã. Thật ra 3 đặc tính này là 3 cách nhìn khác nhau về thế giới hiện tượng.
- Về mặt thời gian thì mọi hiện tượng sẽ thay đổi theo thời gian theo tiến trình sinh trụ hoại diệt hay sanh già bệnh chết gọi là vô thường.
- Về mặt không gian thì mọi hiện tượng luôn luôn chuyển động không ngừng và biến dịch theo tương quan nhân quả mà không theo ý muốn của ai cả nên gọi là khổ hay bất toại nguyện.
- Về mặt cấu tạo thì mọi hiện tượng đều do nhiều duyên hay nhiều điều kiện tạo thành. Không có 1 duyên hay 1 điều kiện nào là chủ thể hay cốt lõi xuyên suốt nên gọi là vô ngã. Mỗi nhân và duyên trong một lúc có thể là nhân và duyên chủ động (dominant) nhưng cũng chỉ là nhất thời. Ở đây ngay cả nguyện lực tái sanh của các vị Lạt ma hay Bồ tát cũng bị tác động bởi nhân và duyên nên sự tái sinh trở lại cũng dễ bị trắc trở như chuyện của Ngài Ban Thiền Lạt Ma Gendun Choekyi Nyima xảy ra năm 1995. Thời Đức Phật thì không có chủ trương tái sanh trở lại.
Do đó, khi nhắc đến một đặc tính của tam pháp ấn nên hiểu là gồm luôn hai đặc tính còn lại.
Trở lại bài kinh ở 2 đoạn đầu, từ “Quán Tự Tại… cho đến … diệc phục như thị”. Đoạn văn này dạy cho chúng ta cách thoát khổ. Khi bị hỏi bất chợt làm sao để thoát khổ; đôi khi chúng ta sẽ trả lời dần lân hay lòng vòng như là phải tu theo Đức Phật, tu thiền, tu theo Tứ Niệm Xứ, tu theo bát chánh đạo… Ngay đoạn mở đầu của bài kinh Bát Nhã, chư Tổ đã xác định rõ ràng muốn thoát khổ thì phải xem xét 5 uẩn. Đây chính là con đường độc nhất để thoát khổ mà 5 anh em Ngài Kiều Trần Như đã nghe và chứng ngộ qua bài Kinh Vô Ngã Tướng do Đức Phật đã giảng giải trong vườn nai. Sau này, khi giảng cho các Tỳ kheo gồm đủ mọi căn cơ khác nhau, Đức Phật dạy cách thực hành Tứ Niệm Xứ cũng là phương thức xem xét 5 uẩn mà thôi. Chính 5 uẩn làm ngăn che khả năng thấy rõ sự thật (nên cũng được gọi là 5 ấm) khiến chúng ta khổ và luân hồi triền miên. Chúng ta chỉ cần tin theo lời Phật và chư Tổ; nương theo trí tuệ đó và không còn cố chấp cho thân tâm (5 uẩn) này là TA, của TA hay chính là TA nữa. Theo kinh Vô Ngã Tướng hay Tứ Niệm Xứ thì cả 5 uẩn này đều là Không đồng nghĩa với đặc tánh vô ngã, vô thường và khổ. Tất cả đều do điều kiện (duyên) mà có và tất cả luôn biến hoại, xung đột và sanh diệt. Nếu chấp “có TA” vào một trong 5 uẩn thì phải “có TA” sanh diệt theo chúng.
Tóm lại ở đoạn đầu của Kinh, hể còn một chút hơi hướng TA, của TA hay chính là TA nào trong 5 uẩn thì phải khổ và bị tái sanh là điều hiển nhiên. Đây cũng là thước đo mức độ thoát khổ của chúng ta.
Thứ hai, muốn thoát khổ thì phải luôn nhìn vào 5 uẩn chứ không thể nương nhờ hay cầu nguyện một ai cả; đây chính là con đường độc nhất đưa đến thoát khổ. Câu thần chú ở bước này là phải luôn tự nhắc nhở là không có TA, của TA hay chính là TA trong bất cứ 1 uẩn nào cả. Đây cũng có thể gọi là phương pháp tu nhanh và thực tiển vì chúng ta làm theo lời dạy của bậc giác ngộ cũng tương tự như khi chúng ta học và áp dụng những phát minh hay khám phá của các nhà bác học vào trong cuộc sống vậy. Chúng ta không cần phải mất thời gian khám phá hay phát minh lại.
Ở đoạn 3, bắt đầu từ “Xá Lợi Tử… cho đến tam miệu tam bồ đề.” Đoạn này quan trọng nhất là câu “thị chư pháp không tướng”. Các đoạn sau chỉ là kết quả hay đặc tính mà thôi. Vậy làm sao giải mã được cái gì không có tướng thì mới tìm ra phương thức tu tập được. Chúng ta đều thuộc thế giới hiện tượng nghĩa là đều có tướng nên khi hỏi cái gì không tướng thì dễ đưa đến bế tắc và thường dễ bị rơi vào các cạm bẩy của các khái niệm trừu tượng.
Ở lớp Thiền căn bản chúng ta đều được học bài 3 sắc thái biết: Biết của Ý căn/ Trí năng, Ý thức và Tánh giác. Tánh giác hay cái biết không lời là cái biết mà không có hiện tướng dù vẫn còn sử dụng giác quan. Nó không phải là cái thức sanh diệt của 5 uẩn. Cái thức sanh diệt chỉ có mặt khi có đối tượng trong khi cái biết của tánh giác tức là cái biết không lời dù có hay không có đối tượng đều biết và có mặt thường trực. Chính nhờ cái biết không sanh diệt (nhận thức không lời) này các vị chứng ngộ mới có thể nhìn xuyên suốt các kiếp luân hồi (túc mạng minh).
Trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật đã giảng đến các tánh biết này cho ngài Anan như sau: “Đức Thế Tôn co duỗi cánh tay, nắm mở bàn tay, phóng quang hai bên tả hữu; đầu ngài Anan có lay động theo sự phóng quang của Đức Phật, nhưng tánh thấy vẫn không hề lay động, thay đổi.
Phật vạch rõ tánh nghe thường hằng của ta luôn luôn tồn tại, không gián đoạn theo âm thanh ngoại cảnh, Đức Phật lại cho đánh chuông để khai ngộ, nhưng ngài Anan chỉ nhận là nghe khi chuông ngân còn phát tiếng, và hết nghe khi chuông im lặng.”
Đến các lớp trung cấp chúng ta được học về nhận thức biết không lời và bản đồ nhận thức1. Nhận thức biết không lời chính là cái không tướng vì nhận thức biết này hoàn toàn trống rỗng, không tư duy, khái niệm, không phản ứng, không phán đoán, không quyết định. Đây chính là chỗ không thể nghĩ bàn, ngoài phạm vi lý luận. Nhận thức biết không lời chính là bổn lai vô nhất vật mà Lục Tổ nói đến. Là bản lai diện mục của thượng tọa Huệ Minh. Là cái vô tâm mà thiền sư Suzuki dạy cho đệ tử: “Trong "thấy, nghe, nghĩ, biết" theo thường tình thế gian đều có lời, tức hữu tâm. Đây là sự biểu lộ những sắc thái của tâm thức (mental consciousness). Thí dụ, đang thấy, tất nhiên có cái thấy, và đây là vì có cái không thấy (the not-seeing); như vậy chính cái thấy là của vô tâm. Đang nghe, chính là có cái đang nghe, và đây là vì có cái không nghe (the not-hearing). Như vậy, chính cái nghe là của vô tâm. Đang nhớ (remembering), chính là có cái đang không nhớ (the not-remembering). Như vậy, chính cái đang nhớ là của vô tâm. Đang làm, tất nhiên có cái đang làm, và cái làm này thực ra là không làm; cái đang làm chính là của vô tâm. Cho nên, ta nói thấy, nghe, nhớ, nhận ra, tất cả đều là của vô tâm. Trong Thiền tông cũng gọi là cái không biết nó khác với cái không biết của thế tục vì nó chính là cái biết không hiện tướng do hoàn toàn không lời, không khởi niệm.
Tóm lại đoạn này giới thiệu đến nhận thức biết không lời chính là cái không tướng không sanh diệt, không nhơ sạch, không thêm bớt và vắng bặt mọi khái niệm của 5 uẩn, 6 căn, 6 trần …v.v. Như vậy, nương theo đoạn kinh này chúng ta tìm được phương thức thực hành rốt ráo là nhắm đạt đến chỗ không lời, không khái niệm. Trong dòng thiền Tánh Không có kỹ thuật thực hành “Không Nói” gồm 7 bước2: từ biết có lời, đến thầm nhận biết, tỉnh thức biết và nhận thức biết không lời.
Đoạn 4, bắt đầu từ “Cố tri Bát Nhã … chân thật bất hư.” Đoạn này cho ta câu thần chú đưa đến hoàn toàn thoát khổ là luôn tự nhận biết “nhận thức biết không lời” tức là cố tri Bát Nhã. Thực hành bước đầu bằng cách gợi ý hay khởi ý “không nói” cho đến khi thành lập được nhận thức gợi lên trạng thái không nói. Nghĩa là thiền sinh thực hành cho đến khi nhận biết đang ở yên trong trạng thái không nói thường trực mà không cần phải làm thêm gì nữa. Vì trạng thái này chính là trạng thái yên lặng và vốn tự đầy đủ của chính nó (vô nguyện, vô tác.)
KIẾN TÁNH
Như nước “gặp” nước,
Như cây trong rừng cùng với rừng,
Niệm biết hoàn toàn “gặp” chính nó.
Cả hai không khác:
Không đồng cũng không dị,
Không đến cũng không đi.
Như người họa sĩ
Vẽ một bức tranh,
Đứng trong tranh
ngắm nhìn:
Tranh trong tranh,
Kiến Tánh!
(Thơ Hòa Thượng Thích Thông Triệt, Lớp Trung cấp I Bát Nhã, 12/12/1999)
Đoạn cuối cùng giúp cho những hành giả nếu chưa nắm bắt được phương thức tu tập qua bài kinh vẫn có được câu thần chú “yết đế…tát bà ha” để giúp tâm bớt vọng đọng gọi là phương thức dùng đơn niệm biết có lời để dừng những suy nghĩ về quá khứ, hiện tại và vị lai giúp tâm bớt dao động, sợ hãi, buồn lo.
Kết lại, bài Bát Nhã Tâm Kinh giúp cho hành giả biết được phương thức thực hành đưa đến thoát khổ thực sự đó chính là luôn nhìn bằng tuệ giác vào 5 uẩn không còn lầm chấp 5 uẩn gồm sắc thọ tưởng hành thức là TA, hay của TA, hay chính là TA nữa. Không cầu xin hay nương tựa ai mà phải tự lực một cách nhiệt tâm, chánh niệm và sáng suốt. Thần chú ở bước đầu này chính là luôn tự nhắc nhở: Đây không phải là TA, của TA, chính là TA.
Câu thần chú đưa đến rốt ráo chính là ‘Cố tri Bát Nhã” nghĩa là nhận thức gợi lên trạng thái không nói rồi an trú trong trạng thái không nói. Trạng thái này vốn dĩ không có tên nên muốn gọi sao cũng được.
Cuối cùng là câu thần chú “Yết đế, yết đế… tát bà ha” làm quà tặng cho những người chưa thực hành được 2 bước trên cũng có chút lợi lạc khi đọc bài kinh Bát Nhã này.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Xin hồi hướng công đức đến khắp tất cả,
Thành phố Orange, tháng 4 năm 2020
Tuệ Chiếu
Chú thích:
1Bản đồ nhận thức gồm:
1. Nhận thức ngữ nghĩa (semantic cognition)2. Nhận thức thủ tục (procedural cognition)
3. Nhận thức tình tiết (episodic cognition)
4. Nhận thức gợi lên (evocative cognition)
27 bước: 7 bước an trú trong Tâm Tathā (Kỹ thuật thực hành)
thì mới thấy bài này thật đặc biệt. Tri ân anh Tuệ Chiếu