Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 54
Ngày xưa, thi hào Tô Đông Pha đời Tống, Trung Hoa, có một bài tứ tuyệt như vầy:
Lô sơn
Lô sơn yên toả Triết giang triều,
Vị đáo bình sinh hận bất tiêu.
Đáo đắc bản lai vô biệt sự,
Lô sơn yên toả Triết giang triều.
Tạm dịch:
“Mù tỏa Lô Sơn, sóng Triết Giang,
Khi chưa đến đó, hận muôn vàn,
Đến rồi mới thấy không gì khác,
Mù tỏa Lô Sơn, sóng Triết Giang.”
Đây là một bài thơ có hương vị Thiền. Một bài tả cảnh đẹp ở sông Triết giang và núi Lô sơn. Triết giang thì sóng biếc nhấp nhô, rặng Lô sơn thì ẩn ẩn hiện hiện trong đám khói sương mờ. Cảnh đẹp có sông có núi, một đôi tương phản nhưng lại làm cho phong cảnh thiên nhiên thêm hài hoà. Núi sừng sững cao hùng vĩ chỉ còn là nét chấm phá qua màn sương trắng mềm mại bay lững lờ lưng chừng không gian. Dòng sông bên dưới thì thủy triều lai láng.
Bài thơ đặc sắc ở chỗ câu đầu và câu cuối: hai câu lời y hệt nhau, nhưng tâm ý hàm ẩn không giống nhau. Chắc các em cũng đã cảm nhận chổ này.
Câu đầu chỉ là lời tả cảnh, nghe người khác nói.
Câu cuối, sau khi tự mình đến nơi, ngắm nhìn Triết giang và Lô sơn rồi, bấy giờ mình mới diển đạt ra cái thấy biết của chính mình. Đã có sự trãi nghiệm bản thân.
Trong Thiền sử Trung Hoa, có ngài Duy Tín, nói:
“Khi chưa tu, tôi thấy núi sông là núi sông, khi gặp thiện tri thức chỉ dạy, tôi thấy núi sông không phải là núi sông, ba mươi năm sau, tôi thấy núi sông là núi sông”.
Ý này cũng tương tự bài tứ tuyệt trên.
“Thấy núi sông là núi sông” trong giai đoạn đầu là cái thấy của người chưa tu tập, tưởng là núi sông bền vững với thời gian, qua giác quan tiếp xúc biết núi sông có thật trên đời. Chỗ này còn là tục đế (cái thấy cùa thế gian)
Khi bắt đầu tu tập, nhờ thiện tri thức giảng dạy, nhận ra do duyên hợp mà có núi có sông, nên núi sông luôn luôn biến chuyển, không thật có, không bền chắc. Chỗ này tạm xem là tục đế bát nhã. (cái thấy vô thường, duyên sinh)
Giai đoạn cuối, sau ba mươi năm tu tập, tâm không còn dính mắc, không chạy theo núi sông, và cảnh đời nữa, bây giờ “thấy núi sông là núi sông”. Cái thấy cuối cùng là thấy như thật như vậy. Không diễn tả gì nữa. Chỗ này xem như là chân đế bát nhã (cái thấy tới bản thể rốt ráo, tâm như như bất động) sau thời gian kinh nghiệm tâm đứng dừng, tức là Định trong động, Định trong đời sống.
Vậy giai đoạn đầu và giai đoạn cuối diễn tả giống hệt nhau nhưng cái thấy khác nhau hoàn toàn.
Đây là chỗ đặc biệt trong nhà Thiền.
Thiền đòi hỏi mình phải có trãi nghiệm trên chính tự thân. Thuật ngữ gọi là Ngộ, hay nội chứng, hay chứng ngộ. Đây cũng là một tiến trình, có vô số mức độ từ đơn giản, tiến tới sâu sắc, đầy đủ hơn.
Nếu mình chỉ học hiểu, thường gọi là Thiền lý, hay lý thuyết suông, cũng có thể gọi là học giả. Chưa thể nhập được những điều mình đã học. Mình có thể giảng giải trình bày ra kiến thức uyên bác đó, nhưng chỉ là kiến thức vay mượn mà thôi. Chưa gọi là hành giả thiền. Tâm mình chưa chuyển hóa, chưa có từ bi hỷ xả, trí huệ của mình chưa phát huy trực giác, sáng tạo. Vì thế, trong đời sống có thể mình vẫn phạm lỗi lầm như người thế gian.
Có thể vì vậy mà chư Tổ Phát triển nói đó là “ma thuyết”, “người mê nói chánh pháp cũng thành tà pháp”. Ngược lại, “người ngộ, nói tà pháp cũng thành chánh pháp”.
Trong nhà Thiền còn có thành ngữ này “nói từ hông ngực”, tức là phải tự mình kinh nghiệm sống được phù hợp với những chân lý của vũ trụ và trình bày ra trong cách riêng của mình, chính xác và lưu loát, không chướng ngại.
Tuy những điều mình trình bày ra không ngoài giáo lý của Đức Phật, vì là chân lý muôn đời, nhưng đó là điều mình đã thực sự đạt được. Cho nên, kinh mới nói biện tài là kết quả tất nhiên của công phu tu tập của mình.
Những lời dạy của đức Phật, tức những chân lý điều hành vũ trụ và con người, mình học, thông hiểu và ứng dụng được trong đời sống của mình để có an lạc thanh thản, cho mình và cho người khác. Đó là con đường đi của Thiền, hưởng được lợi ích thiết thực trong hiện đời.
Làm sao biết mình tu tập tới đâu?
Phải luôn luôn nhìn lại tâm mình.
Thấy sức khỏe mình có tốt hơn, thuật ngữ Thiền gọi là thân chứng.
Thấy tâm mình nhẹ nhàng, ít nóng giận buồn phiền như trước, tạm gọi là tâm chứng.
Thấy trí nhớ mình tốt hơn, hiểu kinh điển sâu sắc hơn, giải quyết chuyện đời sắc bén, chính xác hơn, tạm gọi là trí chứng.
Từ “chứng” ở đây có nghĩa là: kinh nghiệm rõ ràng.
Kết luận, trong nhà Thiền, điều kiện thực hành là quan trọng, thực hành trong khi tọa thiền, và thực hành trong đời sống.
Thực hành: Quán, Chỉ, Định, và Huệ. Chúng ta không quên Giới, vì Giới là quan trọng, là nền tảng vững chắc của phẩm hạnh thanh cao của con người. Giới là bước tu tập đầu tiên để chuyển Nghiệp của mình.
22- 7- 2020
TN