"Vô ngã" và "Làm sao để vơi bớt "cái Ngã?”
Vô ngã là một chủ đề lớn và quan trọng trong đạo Phật. Vì Ngã là đầu mối của ý nghĩ (ý), lời nói (khẩu) và hành động (thân), 3 loại Nghiệp khiến con người phải luân hồi sanh tử.
1/ Ngã là gì? Ngã còn được gọi là cái "Ta", được hiểu là một thực thể trường tồn, bất biến, vững chắc, tồn tại mà không phụ thuộc vào cái khác.
Đạo Phật không công nhận sự hiện diện của một Ngã như thế (Vô ngã)
Theo đạo Phật, mọi sự vật có mặt là do nhiều điều kiện yếu tố nhân duyên hợp thành, chứ không thể tự sinh ra, tự tồn tại và tự hoại diệt. Như thế, cái ngã, cái "ta" là không có, mà chỉ là một tập hợp của Ngũ uẩn gồm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, nên luôn luôn thay đổi và sinh diệt.
Tam Pháp Ấn là ba đặc điểm nổi bật của giáo lý đạo Phật, bao gồm: Vô thường, Khổ và Vô ngã. Cái gì có sinh thì phải có diệt nghĩa là Vô thường; cái gì vô thường thì là Khổ; cái gì khổ mà nó biến đổi theo duyên sinh (không tùy thuộc vào ý muốn của nó) thì là Vô ngã.
2/ Ngã: nguồn gốc của Khổ đau:
Ý nghĩ cho rằng có cái "ta", có "người" - là những đơn vị độc lập không phụ thuộc vào nhau - chính là Vô minh. Vì vô minh nên chúng ta luôn suy nghĩ và hành động theo quan niệm rằng có "ta" và có "người", từ đó dẫn đến có "cái của ta". Để rồi con người luôn làm đủ mọi cách để bảo vệ, bênh vực cái "ta" và "cái của ta". Khi ai cũng sẵn sàng bảo vệ "ta" và "cái của ta" thì sẽ dẫn tới xung đột, và khi có xung đột thì có khổ.
Như thế, một khi chúng ta có thể làm vơi bớt cái Ngã, nghĩa là xem nhẹ bớt "cái ta" thì ta sẽ bớt khổ.
3/ Làm sao để vơi bớt cái Ngã?
Các phương pháp thực hành để làm giảm bớt cái Ngã:
a/ Quán:
* Quán chiếu về Ngũ uẩn: để nhận ra bản thể của chúng là trống không
Con người được cấu tạo bởi Ngũ uẩn, gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. 5 nhóm này tùy thuộc vào nhau, ngay trong chính mỗi nhóm cũng do nhiều nhân duyên kết hợp, vì thế chúng thay đổi luôn luôn, bản thể của chúng là trống không, tuy hiện hữu nhưng sự hiện hữu đó chỉ là giả hợp. Vì thế, cái thân này của ta cũng chỉ là giả tạm, nay còn mai mất. Chúng ta sẽ nhận ra Ngã, hay cái Ta chỉ là một khái niệm sai lầm. Cái Ngã không phải là một cái gì vững chắc. Và một khi ta không còn chấp vào cái thân này, vào cái tâm này nữa thì ta sẽ bớt khổ.
* Quán chiếu về Ái:
Khi nói đến Ngã là nói tới khát ái, ích kỷ. Mà Ái là gì? Là thích, là thương, là ham muốn, là đam mê ghiền nghiện...
Người nào càng Ái nhiều thì càng khổ nhiều. Chữ Ái ở đây bao gồm những người mà ta thương (cha mẹ, vợ chồng, con cái…) lẫn những vật, những gì mà ta dính mắc (nhà cửa, tài sản, danh vọng, quyền uy)
Muốn vơi bớt cái Ngã, để bớt khổ thì ta phải tập làm sao để xem nhẹ cái Ta. Khi ta không còn ham muốn, còn không dính mắc với cái gì trên đời nữa, nghĩa là ta chấm dứt Ái. Khi đó ta được Giải thoát.
"Ly gia cắt ái", là cụm từ nói về những người xuất gia, quyết tâm nối gót Đức Phật, nên họ rời xa gia đình (ly gia), cắt đứt quan hệ với người thân (cắt ái). Có như thế thì họ mới có thể vững bước đi theo con đường giác ngộ của Ngài.
Còn chúng ta vẫn sống bên cạnh người thân, trong cuộc đời đầy cám dỗ, ngập tràn tri kiến thế gian, nghĩa là ta còn nhiều người để ái, nhiều thứ để dính mắc, nhiều vật để đam mê ghiền nghiện, thì rất khó mà Vô ngã tuyệt đối. Chúng ta cố gắng tu tập dẹp bớt cái Ngã chừng nào thì càng bớt khổ chừng ấy.
--> Khi nói "quán chiếu về Ái", nghĩa là ta quán "vô thường của cảm thọ": Ví dụ: khi ta ham thích (nghĩa là cảm giác lạc) một vật gì, ta cần phải quán cảm thọ "lạc" đó, như Đức Phật đã dạy trong Kinh Niệm Xứ "Tôi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất". Và ta quán cảm giác lạc thọ này là vô thường, thay đổi luôn luôn, thì sự ham thích đó sẽ giảm xuống rất nhiều. Thực tập thường xuyên, dần dần ta sẽ không còn ham muốn, không còn dính mắc vào nhiều thứ như trước kia nữa.
==> Phương pháp Quán chiếu là phương pháp huấn luyện Tâm: cần phải thực hành thường xuyên và cần nhiều thời gian. Nếu kiên trì thực hành, dần dần ta sẽ có Tuệ trí, là trí tuệ cao hơn trí thế gian, sẽ giúp chúng ta bớt chấp trước vào bản thân, vơi bớt tự Ngã, sống hài hòa với người khác và sẽ bình tĩnh hơn trước những thăng trầm, đổi thay của cuộc đời
b/ Định: là cái biết không lời.
Khi tâm chúng ta còn nói thầm (có lời) thì Ngã sẽ có mặt. Lời nói thầm trong não xuất phát từ vùng tiền trán: Ý thức (phân biệt, so sánh Ta và Người, cái của Ta và của Người), Ý căn (suy nghĩ về quá khứ), Trí năng (suy luận về tương lai) khiến chúng ta luôn chấp trước vào cái Ta, tính toán để bảo vệ cái Ta và cái của Ta.
Khi tâm ta không có lời nói thầm thì Ngã sẽ không có mặt. Vì không có lời nói thì làm sao cái Ta hiện hữu được? Nhưng hễ khi ta có cảm xúc, khi tâm ta lăng xăng thì lập tức cái Ta xuất hiện.
Khi thực hành thiền Định có được cái Biết không lời, thì khi đó không có bản Ngã, nhưng chỉ một cách tương đối. Khi nào cái Biết không lời trở thành Nhận thức không lời (xem thêm bài Nhận Thức) thì ta sẽ có kinh nghiệm Vô ngã một cách vững chắc.
Vô ngã cũng tương ứng với trạng thái Định. Hay Chánh niệm tỉnh giác.
Thực hành thiền định là một tiến trình lâu dài, đòi hỏi nhiều thời gian. Vì hễ khi nào ra khỏi Định thì tâm ta lại lăng xăng vọng động, cho nên chúng ta phải hết sức kiên trì, thực hành đều đặn, miên mật theo thời khóa và phải giữ Chánh niệm trong tứ oai nghi. (Định trong 4 oai nghi).
c/ Huệ: là cái Biết Như Thật
- Chúng ta thực tập: Nghe như thật, Thấy như thật, Xúc chạm như thật. Có nghĩa là ta nghe, thấy, xúc chạm "Cái đang là" qua Tánh nghe, tánh thấy, Tánh xúc chạm, thì cái Ngã ở đâu ra? (Cái TA chỉ hiện hữu khi vùng tiền trán hoạt động: Ý thức (tôi so sánh, tôi phân biệt), Ý căn (tôi nhớ kỹ niệm xưa), Trí năng (tôi suy luận về tương lai). Biết Như thật đồng nghĩa là chúng ta đang sống "bây giờ và ở đây".
- Cụ thể là chúng ta thực hành các chiêu chức: Nghe tiếng chuông, Nhìn lướt, nhìn xa, nhìn lưng chừng, Nhìn ánh sáng nắng, chú ý trống rỗng, đi thiền hành, etc...
Vô ngã cũng tương ứng với Biết "Cái Đang Là".
==> Tóm lại: có nhiều phương pháp giúp con người giảm bớt cái Ngã. Phương pháp nào cũng cần nhiều thời gian và đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì thực hành. Tất cả đều là những tiến trình, dẫn dắt ta qua nhiều mức độ chuyển hoá, để dần dần có kinh nghiệm Vô ngã, từ tương đối tới vững chắc, đưa chúng sanh từ chỗ có Ngã đi đến chỗ Vô ngã.
Mỗi người chúng ta có thể chọn phương pháp thích hợp với mình để thực tập, hay kết hợp các phương pháp với nhau.
Mong rằng chúng ta tu tập để ít nhiều giảm bớt tự ngã, thương yêu người khác hơn, sống hài hòa với mọi người và luôn an vui tự tại trước những thăng trầm trong cuộc sống. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực của mỗi người. Cố gắng!
Như Chiếu (bài đúc kết buổi thảo luận tại Đạo tràng Montreal)