TẠI SAO LÀ KHÓA BÁT NHÃ ĐẶC BIỆT?
Mấy năm sau này, cô đã hướng dẫn nhiều khóa Bát nhã tại nhiều đạo tràng ở khắp nơi, cô thường gọi là khóa “Bát nhã đặc biệt”, vì các lý do sau đây:
- Sau một thời gian dài tu học, thiền sinh mình có nhiều mức độ khác nhau. Tiếp thu, hiểu biết khác nhau. Công phu khác nhau nên kinh nghiệm cũng khác nhau.
- Các đạo tràng thường xuyên tiếp nhận thêm nhiều thiền sinh mới. Có người đã theo khóa Căn bản với ban giáo thọ đạo tràng rồi. Có người hoàn toàn mới.
- Mỗi năm cô chỉ đến mỗi đạo tràng có một lần, thường là một tuần, hay 10 ngày, có khi 2 khóa liên tiếp thì là 2 tuần.
- Do đó, khi cô tới một đạo tràng nào, những thiền sinh cũ, đã học qua tất cả chương trình, và cả ban điều hành, cũng thường tụ họp lại thăm cô và tham gia lớp, trước là ôn bài, sau là khích lệ lớp.
Vì thế, các bài giảng trong mấy năm sau này có nội dung uyển chuyển, người mới cũng hiểu được mà người cũ cũng ôn lại và hiểu biết thêm. Mỗi chủ đề, cô khai triển từ bước đầu đi tới bước cuối.
Từ tục đế, bước qua tục đế bát nhã và đi tới chân đế bát nhã.
Thí dụ:
+ từ chủ đề Vô thường hướng đến: ly tham, đoạn diệt, giải thoát, niết bàn, như trong bài kinh Đoạn Tận Ái. Cô muốn nhắc nhở mình không nên coi thường Tuệ (Insight), dù là Tuệ Trí có lời. Cho nên Thiền Quán cũng rất quan trọng. Mình xem lại trong kinh Nikàya, hầu hết các vị tỳ kheo sau khi xuất gia với Đức Phật, nhận một chủ đề Quán từ Đức Phật, theo căn cơ của mỗi người. Rồi một mình đi vào rừng, quán chiếu tinh cần, không dính mắc với thế gian, đắc quả A la hán trong một thời gian ngắn.
+ từ Giới, thực hành miên mật cũng hướng tới kinh nghiệm Định và Huệ Bát nhã phát huy. Như bài Đại Kinh Xóm Ngựa, Định chỉ là kết quả tất nhiên của Giới đức, thực hành Giới tướng trở thành kinh nghiệm Giới thể. Đó là cô nhắc nhở mình không coi thường Giới. Rốt cuộc Giới- Định- Huệ là một.
+ Cái Biết có lời và nhận thức có lời cũng quan trọng, chính nó chuyển hóa tâm mình từ bước đầu tu học, và đây mới là cái gốc của mình tu. Tức là chuyển hoá cái gốc Tâm.
+ Cô cũng giái thích hai bài kinh: An trú Tầm và Song Tầm: Đức Phật chú trọng tới chuyển hóa cái gốc Tâm bằng nhiều cách. Từ cái Tâm tham, sân, si, làm hại người khác, chuyển thành tâm không tham không sân, không si, không làm hại người. Thì là cái tâm trong sạch của bậc thánh.
Phương thức này thích hợp với đa số, còn sống trong gia đình, còn tiếp xúc với cuộc đời. Bước kế tiếp mới dễ dàng đưa tới Định.
+ Bài kinh Thí Dụ Lõi Cây, cũng trình bày cho mình những giai đoạn tu rất rõ, và cái gì ngăn cản bước tiến tu của mình, là cái ngã, lòng tự mãn, khen mình chê người.
Tóm lại, những yêu cầu chính yếu trên con đường tu của mình là những gì? Tại sao thời Phật, các vị đạt được thánh quả ngay trong đời hiện tại, có khi chỉ trong vài năm, vài tháng hay vài ngày?
- Tất cả đều phải xuất gia. Trong cái ý nghĩa hẹp nhất là sống xa gia đình, ý nghĩa quyết định hơn, chính là tâm hoàn toàn tỉnh ngộ, không còn nghĩ tưởng riêng gì tới người thân trong gia đình nữa. Không nhớ thương, không luyến tiếc, không hối hận, đối với quá khứ. Do vậy mới toàn tâm toàn ý mà tu tập.
- Sống nơi hoang vắng, trong rừng núi, một mình hay vài ba vị đồng tu khác. Không tiếp xúc với người thế gian, ngoài việc đi khất thực và giáo hóa. Đó là thực hành hạnh cắt đứt nhân duyên ràng buộc của thế gian, một cách triệt để, ngay từ bước bắt đầu dấn thân.
- Tất cả đều đi khất thực để sống. Hạ cái ngã của mình một cách triệt để. Đồng thời cũng bào mòn những đam mê: ăn uống, ngủ nghĩ, tiền tài, sắc đẹp, vật chất, danh vọng.
Với ba điều kiện về Giới vừa kể trên, ngũ dục đã bắt đầu chuyển biến nhanh. Mình nhận thấy tới đây hành giả đang thực hành:
+ xuất gia ba la mật
+ quyết định ba la mật
+ nhẫn nhục ba la mật: chịu nắng mưa, nhận những lời xét đoán, sĩ nhục...
+ tinh tấn ba la mật: toàn thời gian là tu tập.
+ trì giới ba la mật: trong những hoàn cảnh sống độc cư, không phạm: sát sanh, không gian tham, không tà dục, không vọng ngữ, không uống những chất say.
- Có một đề tài Thiền Quán thích hợp. Chỉ một đề tài mà thôi. Chỉ một pháp môn mà thôi. Tâm trở thành chuyên nhất, không suy nghĩ rối loạn, lan man, không so sánh pháp này pháp kia, thầy này thầy khác. Kết quả của Quán là có Tuệ Trí (Insight). Tuệ trí đã là trí xuất thế gian, siêu vượt cái thấy sai lầm của người đời. Là bớt khổ. Tuệ trí là một mục tiêu của Tứ niệm xứ.
Thầy chúng ta vẫn thường giảng: <Con đường tu rốt cuộc là đi từ chỗ dính mắc tới chỗ hoàn toàn không dính mắc>.
Kinh Niệm xứ giảng thế nào? Tất cả 4 lãnh vực : Thân, Thọ, Tâm, Pháp, đều
+ tuệ tri Như Thực
+ đều biết là pháp có sanh khởi, có diệt tận, tức là phải nhận ra tánh sanh diệt của thân, thọ, tâm và pháp.
+ kết quả là “không chấp trước một vật gì trên đời”
+ từ đó, tâm thản nhiên, bất động trước cảnh đời. Thì thoát khổ vì không còn đam mê cảnh đời nữa. Sạch lậu hoặc.
Như vậy, bao nhiêu đề tài tu tập, bao nhiêu phương thức khác nhau trong Phật pháp, tam tạng kinh điển lưu truyền, cả rừng sách vỡ bàn luận sau này, tất cả cũng chỉ hướng tới một kết quả mà thôi. Nhưng nếu dùng ngôn ngữ nói ra thì nói hoài không hết.
Mình thử dùng lời diễn tả con đường tu của mình:
- Con đường tu thực ra chỉ là đi từ chỗ vô minh tới chỗ giác ngộ.
- Con đường tu thực ra chỉ là đi từ chỗ khổ tới chỗ thoát khổ.
- Con đường tu thực ra chỉ là đi từ chỗ mê tới chỗ chứng ngộ hoàn toàn
- Con đường tu thực ra chỉ là đi từ chỗ có lậu hoặc tới chỗ sạch lậu hoặc.
- Con đường tu thực ra chỉ là đi từ chỗ bị trói buộc tới chỗ hoàn toàn tự tại giải thoát ...v.v...
Bây giờ mình thử kể ra các phương tiện đi, có thể dẫn tới mục tiêu cuối cùng:
+ Đi bằng Giới
+ Đi bằng Quán vô thường (tổng quát)
+ Đi bằng quán Tâm (vô thường)
+ Đi bằng quán Thọ (vô thường/ khổ)
+ Đi bằng quán bất tịnh ( thân bất tịnh, hay cửu tưởng quán/ thi thể)
+ Đi bằng Định (dùng giác quan thực hành) bắt đầu với cái Biết không lời.
+ Đi bằng Như Thực / Minh sát tuệ, bắt đầu với cái biết “cái đang là”
+ Đi bằng Văn- Tư- Tu
+ Đi bằng Bát chánh đạo
+ Đi bằng niệm Phật, bắt đầu với cái biết có lời.
+ Đi bằng đọc thần chú, bắt đầu bằng cái biết có lời v.v....
Như vậy, mình thấy con đường đi có nhiều ngõ lắm, tùy ý thich của mình, chọn cái nào cũng đi tới nơi thôi. Nói chung là làm sao để cái tâm của mình hoàn toàn trống rỗng, trống không, trắng tinh, trong veo, sáng suốt, khách quan, bình đẳng, trí tuệ minh mẫn, sắc bén, hiểu nhanh, ứng phó nhanh, chính xác, khéo léo, đem lại niềm vui cho mọi người.
Kết quả trước nhất là mình được hưởng, thân khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tươi vui, sắc diện tươi sáng, ai cũng thích tới gần. Khi đó là mình có từ trường an lạc. Từ trường là những làn sóng tâm an lạc, trí tuệ của mình tỏa ra gởi tới những người chung quanh, đồng thời những người chung quanh cũng gởi tới mình những làn sóng an lạc và trí tuệ. Những làn sóng tâm này gặp nhau, đan kết nhau làm thành những mạng lưới tâm trong sáng, từ bi, trí tuệ. (trong kinh nói thế gian là lưới đế châu). Từ đó, mình được bảo vệ. Những làn sóng ác, bất thiện từ bên ngoài không xâm phạm được tới mình. Khi nó phóng tới gặp từ trường tốt của mình thì nó bị đánh giạt ra. Thí dụ cụ thể, có thể một người nào đó không ưa mình, nói xấu khi ở nơi nào đó, nhưng khi tới gặp mặt mình thì vẫn nói năng lễ phép, đàng hoàng.
Những làn sóng tâm của mình không những ảnh hưởng tới cõi người mà cũng ảnh hưởng tới cõi vô hình nữa., theo nguyên tắc<đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu>. Những tâm thiện lành sẽ thu hút những vị thiện thần, và những người bạn tốt. Những tâm xấu ác, sẽ thu hút những cảnh giới xấu ác, và những con người xấu ác thích tới gần. Trong khi còn sống cũng như khi đã qua đời.
Kết luận:
Trên đây là lý do tại sao cô không theo sát các chủ đề trong từng cấp lớp nữa. Mà uyển chuyển theo từng mức độ tiếp thu của thiền sinh, không bị áp lực của giáo trình khắt khe, hơi nặng đối với một số không theo kịp. Những chủ đề quan trọng thực ra cần giảng trải dài qua nhiều cấp lớp. Mỗi cấp lớp giảng từ đơn giản tới phức tạp sâu sắc hơn.
Thí dụ: các chủ đề:
- Tiến trình tu chứng của Đức Phật Thích ca.
- Các sắc thái Biết của con người.
- Sự tương tác giữa Tâm- Pháp- Não bộ.
- Nhận thức
Các phương thức thực tập cũng vậy, có thể cho thực tập trải dài các cấp lớp ôn hoài cho nhuần nhuyễn. Trong đời sống cũng phải luôn ứng dụng.
- Dùng mắt nhìn, trống rỗng, “không nắm giữ tướng chung, tướng riêng”, nhìn mà không gọi tên đối tượng, thấy như thật.
- Nghe tiếng chuông, nghe tất cả âm thanh, nghe trống rỗng, nghe như thật.
- Thở, quan sát trống rỗng.
- Thiền hành, biết “cái đang là”, biết trống rỗng.
- Chú tâm cảnh giác và chánh niệm tỉnh giác.
Trên đây cô tạm trình bày lý do vì sao mấy năm sau này cô chỉ hướng dẫn khóa Bát nhã đặc biệt với cách hướng dẫn uyển chuyển khác nhau trong từng đạo tràng. Về phần giáo lý cũng như về thực tập. Đạo tràng nào thấy cần bổ túc phần nào thì bổ túc. Mà phần thiếu nhất là Kinh Nikàya, cần học thêm để tăng niềm tin và để mình không xa rời những lời dạy của Đức Phật. Muôn đời, những lời dạy của Đức Phật là khuôn mẫu vô giá cho người đời sau.
17- 7- 2020
TN
Thật tuyệt diệu, con đọc bài này rất tâm đắc, ngày trước ban đầu con tu pháp môn niệm Phật, mà do không hiểu phương pháp thực hành nên không dừng được niệm, khi Thầy mở khoá học „làm chủ sự suy nghĩ của mình“ con cùng các bạn hăm hở nôn nao đến học. Quả thật Thày đã giảng dậy chỉ bày phương cách làm chủ tâm ngôn, thật là vi diệu, năm đầu thực hành con cứ ngủ liên miên, mỗi tháng gặp các bạn chia sẻ, các bạn bảo nga thiếu ngủ kinh niên nên như vậy, sau một thời gian sẽ hết, đúng vậy năm sau thì tỉnh thức có thể dừng niệm có thể làm chủ sự suy nghĩ của mình, thật là tuyệt diệu. Tuy nhiên, khi gặp vấn đề trong việc làm vẫn nổi sân, con trình Thầy, Thầy bảo: con lậu hoặc nhiều cần phải quán.
Duyên lành các bạn mời sư cô Tâm Tâm dậy Vi diệu pháp, Sư Viên Minh, Sư Walpola (Sri Lanka) dậy vipassana, lúc ấy Sư dậy con quán tứ đại … từ đó với tâm không lời cứ quán thân tứ đại, mọi vật đều do tứ đại hợp thành, dần dà nhận ra ngũ uẩn, sắc (thân) và danh (thọ tưởng hành thức) chỉ là những khối tương tác với nhau và biến đổi vô thường, khởi lên theo duyên và sẽ tan nếu mình đừng bám níu, dính mắc vào những cảm thọ này. Từ đó con cứ theo dõi Biết tâm đang thế nào, khi ăn biết ngon nhưng không dính thích, biết dở cũng không dính chê, biết thức ăn là chất dinh dưỡng nuôi thân này để mình tu tập tiếp. Khi nghe khen biết vui cũng không dính vào, khi nghe chê biết buồn cũng không dính vào. Từ đó mỗi ngày con thiền quán nhiều hơn, nhận ra vạn pháp là huyễn giả, luôn tinh tấn quay về chánh niệm tỉnh giác với Tâm yên tĩnh. Thật là gian nan chiến đấu với tâm của mình khi nó còn là con ngựa hoang ( tâm viên ý mã ), nhờ làm chủ sự suy nghĩ con hiểu đây là con đường cao tột để hết phiền não khổ đau, có gì cao quý hơn sự bình yên tĩnh lặng của tâm hồn.
Hàng ngày luôn Biết trong bốn oai nghi, con biết mình phải tinh tấn thực hành thành thói quen của mình. Có công mài sắt có ngày nên kim. Chiến thắng ba quân không bằng chiến thắng chính mình. Con cứ lấy những châm ngôn này mà thực hành chánh niệm. Mỗi khi có ý nghĩ bất thiện, tham ái, dục ái khởi lên con tự nghĩ đây là tâm phàm tục, thú tánh, mình không theo. Rồi thực hành quán Tâm Từ mở tâm đến muôn loài …
Khi nhận ra bản tâm yên lặng và tánh không của vạn pháp thì tâm không dính mắc vào thế giới bên ngoài nên có được sự bình yên, không dao động. Vạn vật vẫn đang trôi chảy và không nói một lời nào.
Hôm nay đọc bài này của Cô con hoan hỉ quá. Con cũng tán thán Cô luôn tặng cho thiền sinh những bài viết sâu sắc thú vị để học hỏi, để kiểm chứng kết quả tu tập.
Thương kính chúc Cô Pháp thể an khang, thiền sinh giỏi dễ thương, Phật đạo viên thành.