Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 46
GƯƠNG SÁNG MUÔN ĐỜI
Ngày xưa học với Thầy, được nghe Thầy giảng về A la hán đạo và Bồ tát đạo. Điểm khác biệt rõ nét nhất là các vị A la hán có ước nguyện là sau khi bỏ thân vật chất này, các ngài sẽ an trụ niết bàn mãi mãi. Đó là thời Đức Phật, Đức Phật cũng nhập niết bàn tịch diệt trọn vẹn, các vị đệ tử A la hán cũng vậy, vĩnh viễn không trở lại cõi người nữa. Thời gian về sau, khi phong trào đại thừa khởi lên, có thể từ đầu công nguyên, chư Tổ đại thừa đề xướng Bồ tát đạo rầm rộ để phản đối lại thái độ “an trụ niết bàn” của A la hán đạo, xem là tiêu cực, “tiêu nha bại chủng” (hột giống hư).
Bồ tát đạo chủ trương rằng A la hán quả chưa phải là mục tiêu cuối cùng. Phải phát tâm cao thượng hơn, đạt tới quả Phật mới là trọn vẹn (trong kinh Pháp Hoa, phẩm Hóa thành dụ). Do đó, đại thừa chủ trương đời đời tái sanh để thừa hành Bồ tát đạo. Như trong 4 câu nguyện chúng ta tụng đọc hằng ngày:
“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô biên thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.”
Trong phạm vi của bài này, chúng ta không khai triển hai chủ trương đó, cũng không xét đoán gì thêm nữa. Chúng ta là người đi sau, không hiểu được tâm cao thượng của các bậc A la hán và Bồ tát. Chúng ta chỉ xem đó là hai lý tưởng của người tu theo Đức Phật. Ai thích hợp con đường nào thì cứ theo.
Tuy vậy, thực sự các vị thánh đệ tử của đức Phật cũng đã hi sinh cả cuộc đời của mình phục vụ chúng sanh khi các ngài còn sống. Vào thời Phật tại thế, vị đệ tử nào tự mình biết tâm đã trong sạch, không còn lậu hoặc, đều tự mình tuyên bố: “Sanh đã tận. Phạm hạnh đã thành. Việc cần làm đã làm xong. Sau đời này không trở lại”. Sau đó, đức Phật chứng nhận vị đó đạt quả A la hán. Rồi Đức Phật khuyến khích các vị A la hán phân tán đi khắp nơi tùy duyên giáo hóa chúng sanh.
Thời gian này xem như quí vị đã thực hành hạnh nguyện bồ tát rồi: lang thang không nhà, không gia đình, không tài sản, mưa nắng, gió sương. Chỉ để mang lại lợi ích cho người khác. Thời đó, có nhiều nhóm tu học theo tà kiến, làm sao không có chống đối, tranh luận, sĩ nhục. Người dân chưa thuần thành, làm sao không có những lời mỉa mai châm biếm khi các vị tỳ kheo mỗi ngày đi khất thực – hạ mình xuống sát mặt đất- tiếp xúc với đủ thành phần trong xã hội.
Trong số đệ tử tỳ kheo ấy, có rất nhiều các vị hoàng tử, công tử con nhà lương thiện giàu sang, tất cả đều phải đi lang thang, xin ăn từng ngày.
Ngẫm nghĩ tới những cảnh sống và tu thời đức Phật, mình không khỏi hổ thẹn cho mình. Mình bây giờ sống và tu như thế nào? Bởi vậy cho nên qua 2500 năm rồi, mình vẫn còn lặn hụp trong biển khổ.
Thời đó, sau khi được đức Phật chấp thuận cho thọ giới trở thành tỳ kheo, mỗi vị nhận một chủ đề thiền quán - có thể khác nhau, tùy theo căn cơ - rồi đi vào rừng, một mình, quán chiếu. Một thời gian ngắn sau, đạt được giác ngộ.
Tuy nhiên trong kinh không có kể lại tĩ mĩ mỗi vị tu như thế nào. Chúng ta chỉ được học các bài kinh Đức Phật giảng đã ghi lại thành kinh thôi.
Cô nhắc lại bậc A la hán, theo kinh điển, là:
+ người sạch hết lửa tham, sân, si
+ hay là người hoàn toàn không còn lậu hoặc
+ hay là người sạch hết các kiết sử
+ hay là người không còn những pháp ác, bất thiện.
Bây giờ mình thử suy gẫm xem tại sao thời ấy, các vị tu chỉ một thời gian ngắn là có thể chấm dứt hết lậu hoặc, tâm hoàn toàn trong sạch, chấm dứt tái sanh? Chúng ta cần biết rõ câu trả lời để mình đi cho đúng đường, không mò mẫm đi lang thang nữa.
Trên con đường tu học của cô, trãi dài 25 năm rồi, cũng có nhiều cay đắng. Cô nhớ lại hình ảnh Đức Phật và tăng đoàn của ngài thời xưa, kham nhẫn biết bao, từ những nhu cầu vật chất thiếu thốn, tới những thử thách sâu sắc hơn: sĩ nhục, tranh luận, đã kích, hãm hại, mưu sát, hàm oan... Tất cả những cảnh đời phức tạp ngày xưa, thời nào cũng lặp lại..
Soi lại mình, những chướng ngại mình gặp đâu có sánh được với tăng đoàn của đức Phật. Mỗi khi cô nhớ tới đức Phật và tăng đoàn ngày xưa, lập tức, tâm cô bình an và chấp nhận tất cả. Cô có thể học được rất nhiều từ đó, không kể hết .
Hình ảnh Đức Phật và các vị thánh đệ tử của ngài là tấm gương sáng muôn đời cho chúng ta.
2- 7- 2020
TN
hôm nay con đọc bài này thích thú lắm xin tri ân Cô luôn có những đề tài hay, mở rộng tầm hiểu biết, con cũng từng được học và hiểu các ngài A la hán sẽ trụ Niết bàn nghỉ ngơi một thời gian rồi lại đi giáo hoá vì Tâm lượng Từ Bi bao la nhìn chúng sanh si mê lặn hụp thì quý Ngài lại trở lại cứu độ và với Tâm lượng Từ Bi với Trí tuệ bao la thì vào Sanh Tử có ngại chi ! Con vẫn luôn cầu mong Quý Ngài trở lại để làm gương sáng để cõi giáo hoá của Đức Từ Phụ luôn có ánh sáng thanh tịnh , nhiệm mầu xinh đẹp, để dân chúng dần dà tiến về Bến Giác.
Trên con đường tu học của cô, trãi dài 25 năm rồi, cũng có nhiều cay đắng.
Cô kính quý ơi, đọc câu này con đang cười đây nè, con nhớ lại lớp học lúc nào cũng vui quá, lúc đó trưởng lớp QK ( Thày Không Quang bây giờ ) nói là tụi con thiền giỏi có nhiều Dopamin quá, những bài học thú vị thanh cao và không gian lớp học luôn rộn rã tiếng cười. Cô Tường Liên nói nhờ vậy mà tụi con nhớ bài giỏi.
Trong các câu chuyện Thiền con thích nhất câu chuyện gia đình cư sỹ Bàng Long Uẩn, ai ai cũng tự tại quá cuộc sống như vậy thật tuyệt vời. Thứ hai là câu chuyện ngài Huệ Khả xin Tổ Đạt Ma an tâm cho, thật là tuyệt vời và vui nữa.
Bữa nay Cô nói „cũng có nhiều cay đắng“ con lại cười đây nè, Cô làm con tò mò quá.
Thưa Cô chúng con luôn tinh tấn tu tập, đây là cách tri ân và báo ân Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chư Tổ, Thày Cô.
Thương kính chúc Cô Pháp Thể Khinh An, chúng sanh dị độ và luôn có thật nhiều niềm vui.
Con mh