Không cho được mặt trăng
Buổi tối chưa ngủ. Nhìn qua khung cửa sổ, ánh trăng tròn vằng vặc. Chợt nhớ một giai thoại thiền. Kể như vầy:
Thiền sư Ryokan sống cuộc đời đơn giản nhất trong một căn chòi nhỏ dưới chân núi. Buổi tối nọ một tên trộm vào chòi chỉ để khám phá ra là chẳng có gì trong đó để trộm.
Ryokan trở về, bắt gặp tên trộm, “Có lẽ anh đã đi một quãng đường dài để thăm tôi,” thiền sư nói với tên trộm, “và anh không nên về không. Vậy hãy nhận áo quần của tôi làm quà tặng.”
Tên trộm sửng sốt không nói lên lời. Hắn nhận áo quần rồi lẳng lặng ra đi.
Ryokan ngồi trần truồng, ngắm trăng. “Tội nghiệp,” thiền sư nghĩ thầm, “Ước gì mình có thể cho anh ta mặt trăng đẹp đẽ này.”
Hình ảnh vị thiền sư- ngồi trần truồng- ngắm trăng có lẽ sẽ khiến nhiều người thắc mắc "Quần áo không có, thân thể lạnh lẽo trong đêm, làm sao có thể ngồi đó mà bình thản ngắm trăng?" Thật sự chính cái tâm ta mới quan trọng. Cái tâm an nhiên tự tại của thiền sư. Không những không bất ngờ hay hốt hoảng khi gặp tên trộm, không lo lắng mình có bị mất của cải gì không, mà ngài còn rất điềm tĩnh, nói năng ôn hòa với tên trộm, thậm chí còn đưa tặng quần áo của mình cho hắn, thì liệu mấy ai trong chúng ta làm được?
Đây chính là điều ta cần học hỏi. Làm sao có được tâm an nhiên, tự tại, tâm bất động trong mọi hoàn cảnh? Bởi ngài thiền sư đã xem nhẹ vật chất ngoài ta (quần áo), xem nhẹ những biến động xung quanh ta (ăn trộm vào nhà lấy của cải), nên tâm ngài bất động.
Không những thế, ngài còn dùng lời lẽ ôn hòa, hành động ân cần mà đối xử với tên trộm, khiến hắn sửng sốt không thể ngờ nổi và lẳng lặng ra đi. Trong cuộc sống, chỉ những lời lẽ từ ái, sự cảm thông mới có thể hóa cải được con người. Ngày hôm ấy chắc chắn là một ngày đặc biệt trong cuộc đời tên trộm, một ngày không thể nào quên đối với hắn. Và có thể hắn ta sẽ hối hận, bỏ nghề trộm để làm lại cuộc đời.
Nhìn lại xem, chúng ta cũng không khác gì tên trộm trong câu chuyện. Chúng ta tìm mọi cách để có được những gì ta ham muốn, kể cả bằng những phương tiện không lương thiện. Cả cuộc đời ta cứ lui cui đi tìm những thứ ta cho là quan trọng, mà chưa hề một lần nhận ra rằng chỉ cần ngước mặt lên, là ta có được cái đáng giá hơn cả bộ áo quần của thiền sư - muôn nghìn lần - là cái đẹp ngời ngợi của ánh trăng và những phút giây thanh thản sung sướng nhìn ngắm nó. Đó mới là món quà quý giá mà thiền sư muốn tặng cho tên trộm, nhưng nào có thể được. Bởi vì sao?
Bởi vì, anh trộm cũng đã có mặt trăng rồi, và cũng đã có thể ngắm vầng trăng vằng vặc kia một cách hạnh phúc rồi. Nhưng nếu anh ta không biết ngắm trăng thì đành chịu. Người khác không thể cho anh ta mặt trăng và sự ngắm trăng.
Mặt trăng là biểu tượng của tâm tĩnh lặng, tâm trong sáng, tâm giác ngộ, tâm Phật - mà ai ai cũng có. Nhưng thấy nó được hay không, hưởng nó được hay không, thì chỉ do chính ta. Không ai có thể giúp ta làm được điều đó.
Vị thiền sư cảm thấy “tội nghiệp" cho tên trộm và thầm nghĩ “Ước gì mình có thể cho anh ta mặt trăng đẹp đẽ này.” Đức Phật từ bi cũng thế. Với lòng yêu thương chúng sanh, Ngài dạy chúng ta đừng đi tìm những thứ phù du, huyễn hoặc nữa, những thứ ngoài ta, mà hãy nhận ra "vầng trăng" ngời sáng kia, ai ai cũng có và hãy biết tận hưởng món quà quý giá này: Phật trong Tâm!
Như Chiếu
28-06-2020