Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 37
Chúng ta cùng đọc câu truyện Thiền Nhật bản này nha.
Thiền sư Bạch Ẩn (Hakuin) được những người láng giềng ca ngợi là người sống một cuộc đời trong sạch.
Một cô gái Nhật đẹp có cha mẹ làm chủ một cửa tiệm thực phẩm sống gần chùa sư. Bất ngờ một hôm cha mẹ cô ta khám phá ra cô ta có thai.
Cha mẹ cô nổi giận. Cô ta lại không chịu thú nhận người đàn ông đó là ai, nhưng sau nhiều phiền phức cuối cùng lại là tên Bạch Ẩn.
Cha mẹ cô ta phẫn nộ đi thẳng đến sư. Sư chỉ thốt vỏn vẹn hai tiếng, “Thế à?”
Sau khi đứa bé sinh ra, nó được mang đến cho Bạch Ẩn.
Lúc ấy sư đã mất hết thanh danh. Điều này không làm sư phiền não. Sư chăm sóc đứa bé thật chu đáo. Sư xin sữa của những bà mẹ hàng xóm và mọi thứ khác cần cho đứa bé.
Một năm sau đó, cô gái làm mẹ không còn chịu nổi nữa.
Cô ta nói sự thật cho cha mẹ cô ta biết--rằng người cha thực sự của đứa bé là một thanh niên làm việc ngoài chợ cá.
Cha mẹ cô ta lập tức đến Bạch Ẩn cầu xin tha thứ, xin lỗi không ngớt, và xin đứa bé trở lại.
Bạch Ẩn ưng thuận. Khi trao lại đứa bé, sư cũng chỉ nói hai tiếng, “Thế à?”
Đọc lại truyện này, các em nghĩ sao?
Hai tiếng “Thế à?” không xác nhận mà cũng không phủ định. Một vị Thiền sư danh tiếng bị vu oan là cha một em bé sơ sinh, vậy mà tâm không động, chỉ nói: “Thế à?”
Một mình chịu oan ức. Đàng sau sự kiện này, vị thiền sư hi sinh danh tiếng, ai được hưởng lợi ? Trước mắt là cô gái, sau đó là người cha đứa bé, kế là em bé, và cuối cùng là hai ông bà ngoại của em bé.
Trong suốt một năm, câu chuyện tưởng chừng như lắng yên. Nhưng trong thâm tâm con người tội lỗi vẫn còn lương tri. Cô gái lỗi lầm kia hổ thẹn. Đó là hạnh tàm quý, tuy nhiên chần chờ cũng quá lâu, cô gái mới thú nhận sự thật. Cha mẹ cô gái lập tức tới cầu xin thiền sư tha thứ. Đây là hạnh sám hối. Tuy nhiên hai ông bà cũng đã quá vội vã khi xưa tới giao đứa bé cho vị Thiền sư mà không hỏi con gái rõ ràng, lại dường như tin tưởng con mình mà không tin tưởng đức hạnh của vị Thiền sư. Nếu như hai ông bà tin tưởng vị Thiền sư thì đã âm thầm nuôi dưỡng em bé dù chưa biết chắc chắn ai là cha nó. Thì đã không có lỗi lầm đối với Tam bảo.
Qua hạnh sống của vị Thiền sư Hakuin, chúng ta nên “lẽo đẽo theo sau bước chân ngài” tập hạnh nhẫn nhục, dù có oan ức, cũng không biện minh. Đó là hạnh của Ba la mật: Nhẫn nhục ba la mật.
Nếu là vàng ròng thì không sợ lửa. Có thử lửa, người đời mới biết đó là vàng ròng.
24- 6- 2020
TN
“Một mình chịu oan ức. Đàng sau sự kiện này, vị thiền sư hi sinh danh tiếng, ai được hưởng lợi ? Trước mắt là cô gái, sau đó là người cha đứa bé, kế là em bé, và cuối cùng là hai ông bà ngoại của em bé.
Nếu như hai ông bà tin tưởng vị Thiền sư thì đã âm thầm nuôi dưỡng em bé dù chưa biết chắc chắn ai là cha nó. Thì đã không có lỗi lầm đối với Tam bảo.”
Trong cuộc sống,phức tạp, vô thường ,không ai có thể bảo là mình không có lúc lầm lỗi. Sự dị biệt về tướng mạo,đức hạnh và phong thái giữa các cá nhân và hoàn cảnh là không thể tránh được.Chấp vào chỗ tất nhiên đó của luật nhân quả, rồi một cách đầy ích kỹ, gạt bỏ từ tâm đem lòng chấp trước PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ với nhau là điều tạo nghiệp thật đáng sợ.
Dù biết tu hành hay chưa,thì điều cần thiết là làm sao có được một nhận thức rõ ràng đầy đủ dùng để chỉ đạo tự mình trong cuộc sống, chứ không phải bỏ trốn đi đâu,hay hàm oan gánh chịu,trừ phi chúng ta đều là những người phát tâm nguyện tu như thiền sư Bạch Ẩn với hạnh tu nhẫn nhục balamật. Hoàn toàn không cần phải xóa bỏ cho bằng được lỗi lầm đã tạo ra. Thường,một cách tư biết sức mình, tốt nhất là chỉ nên đón tiếp sự dị biệt với thái độ của tu tập thiền huệ là nhìn mà âm thầm biết như thật thì nhiều lắm cũng có thể kham nhẫn và thốt ra: thế à ? Đối với con đã là quá quý rồi !
Thành kính.Con.KH.