Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 36
Hồi nhỏ, cô có nhiều dịp được xem hát Bộ (cũng nói là Hát Bội) mỗi năm thường diễn ở Lăng Ông (Lăng của ông Tả quân Lê Văn Duyệt ở Bà Chiểu). Lúc đó chắc cô chừng 10 tuổi, ông ngoại cô ở trong ban trị sự Lăng Ông. Cô tới đứng xớ rớ trước cửa, ông ngoại nhìn thấy tới dắt vô, chứ con nít không được vô, chỉ hạn chế cho một số ít người lớn thôi. Xem hát thì thích, nhưng nhìn mấy gương mặt son phấn nhiều và kẻ vằn vện đen trắng như ông Tạ Ôn Đình thì thật là đáng sợ. Ông Quan vân Trường mặt đỏ rực, tay cầm cây thương dài, múa may, mình cũng run run, sợ ổng bước xuống khỏi sân khấu. Lúc đó cô thấy ông Triệu Tử Long là hay nhất trong tuồng hát “Triệu Tử Long đoạt ấu chúa”. Mặt mũi trắng tinh, môi đỏ thắm, mắt đẹp, áo giáp phất phới. Vừa múa cây thương dài, vừa ca hát, trên lưng thì đèo “ấu chúa” nai nịch cẩn thận. Một mình xông pha, đánh thắng tất cả quân Tào Tháo, phá vòng vây trùng điệp, cứu được con của Lưu Bị đem về an toàn. Triệu Tử Long, vừa đánh vừa chạy, rồi dừng lại ca hát múa may hùng dũng trên sân khấu, tiếng quân giặc reo hò vang rền bên trong sân khấu. Có lúc, cô lẫm bẫm: <Chạy đi, chạy mau đi! ..>
Trong tuổi thơ, cô vẫn hâm mộ Triệu Tử Long, tài giỏi, một mình tả xông hữu đột, cứu người, và thêm nữa là mặt mũi hiền lành trắng trẻo. Không phải như mặt mũi ghê gớm vằn vện, hay gian xảo của mấy tên gian thần.
Hát Bộ chỉ cần nhìn mặt là mình có thể biết người đó là trung thần hay nịnh thần, ông vua nào có trung thần thì biết là minh quân, ông nào thích nịnh thần thì biết là hôn quân.
Sau nầy, Thầy cho cô ra hướng dẫn các khóa tu một mình. Tiếp xúc các đạo tràng, nhiều khi cũng có vài việc tế nhị, cô về hỏi ý kiến của Thầy, không muốn quyết định một mình. Ban đầu Thầy còn cho ý kiến. Vài năm sau đó, có lần Thầy nói: “Bây giờ con là tướng ra trận rồi, Con phải quyết định. Nếu Thầy không còn thì sao?”
Lúc đó cô nhớ tới Triệu Tử Long. Tướng ra trận, phải phá vòng vây của quân thù, một mình, thoát ra an toàn, bảo vệ ấu chúa. Ấu chúa của Triệu Tử Long là Lưu Thiện, con trai của Lưu Bị thời Tam quốc. Ấu chúa của mình là ai? Thì là cái Tâm của mình, cái Phật tánh của mình, còn non nớt, chưa vững chắc, chưa trưỡng thành. Mình bị ai vây tấn công? Giặc trong giặc ngoài, tứ tung vây đánh, túi bụi ngày đêm. Bên trong thì cái ngã, nào là ma tham, ma sân, ma si, ma kiêu ngạo, ma buồn phiền, ma lười biếng, ma đố kỵ, ma giả dối, ma lo lắng, ma sợ hãi. Ngoài thì dư luận, thị phi, chuyện vui chuyện buồn... Đâu có khác gì cảnh hỗn chiến của Triệu Tử Long.
Thầy xua mình ra trận, Thầy đã cho mình nhiều bửu bối rồi. Cô thích nhất bửu bối Như Huyễn. Thấy rõ giặc bên ngoài là “Như Huyễn” thì lập tức giặc bên trong tan biến hết. Tại vì tiếp xúc với bên ngoài rồi dính mắc theo, nên bên trong mới nổi loạn. Bên ngoài thấy như chiêm bao, thì bên trong êm re.
Vậy mình đã ứng dụng “Vô chiêu thắng hữu chiêu” hay nói khác, dùng gươm bén Bát Nhã thì cắt hết dây trói buộc.
Trí Huệ Bát Nhã chính là “Vô ảnh kiếm,” hay “Vô hình kiếm,” hay “Vô tướng kiếm”, mỗi người chúng ta đều có, xin nhớ lấy ra mà dùng.
Kết quả là mình kinh nghiệm được <Đối cảnh vô tâm>.
21-6-2020
TN
Con vừa đọc xong bài Triệu Tử Long của Ni Sư sau khi lo công chuyện giấy tờ từ sáng. Ôi thật là hạnh phúc, như vừa được một làn gió mát cho tâm con. Con biết những lời khen tặng gởi đến Ni Sư là thừa, nhưng những trình pháp của con chắc sẽ làm Ni Sư vui.
Vâng con là cư sĩ tại gia và cũng là gia trưởng nên không việc gì mà không đến tay, luôn luôn phải tự lo tự lái. Có một lúc con tính khi hưu trí, bổn phận với con cái đã xong thì sẽ làm như Bà ngoại con(cụ vốn là một thương gia nổi tiếng khi trẻ đã xuất gia từ năm 60 tuổi tu được 36 năm thì viên tịch). Nhưng một vị Thầy đã khuyên con:''chị cứ ở cái cốc của chị mà tu, bỏ một cái nhà nhỏ vào cái nhà lớn ở tuổi này không dễ đâu''. Bây giờ con càng ngẫm nghĩ càng thấm, nhất là qua những lời chia sẻ của Ni Sư.
Dạ thưa Ni Sư tuy tu nhà thật khó, nhưng với Chánh niệm và cái nhìn Như Huyển thì chúng con có cách để hành xử trong đời thường mà vẫn giữ được điềm tĩnh, Tâm không bị(hay ít bị)Tham Sân làm ô nhiễm. Và con nghiệm thấy nhờ vậy mà các công việc đều tuần tự được giải quyết êm đẹp và ổn thỏa.
Con có duyên nhận được những lời dạy của Ni Sư như một sự kiểm chứng là con đi đúng đường và một sự khích lệ thật lớn lao trên đường Đạo.
Con nguyện cầu Chư Phật Chư Bồ Tát gia hộ Ni Sư luôn luôn được thân tâm an lạc, vạn sự cát tường để hướng dẫn hàng Phật tử chúng con cùng tu học.
Thiên sinh Tuấn Trang Diệu Pháp (đạo tràng Montreal)