Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 34
Chúng ta cùng đọc lại một câu chuyện trong <Dạo bước vườn Thiền>, hay 333 truyện Thiền, do Đỗ Đình Đồng soạn.
Những người học Thiền thường ở với thầy ít nhất mười năm trước khi họ bắt đầu dạy người khác.
Tenno đã qua thời gian tu học và trở thành sư, một hôm đến viếng Thiền sư Nam Ẩn. Bất ngờ hôm ấy trời mưa, nên Tenno đi guốc và che dù.
Sau khi chào hỏi xong, Nam Ẩn nói: “Giả sử ông để đôi guốc của ông ở tiền đình. Tôi muốn biết cây dù của ông ở bên phải hay bên trái đôi guốc.”
Tenno bối rối và không trả lời ngay được. Sư nhận ra rằng mình chưa thể hiện được Thiền trong mọi phút. Sư trở thành đồ đệ của Nam Ẩn và học thêm sáu năm nữa để hoàn thành Thiền trong mọi phút.
Đây là một trắc nghiệm nhỏ của vị Thầy. Biết ngay là mức độ tỉnh thức của người kia ra sao. Người xưa tu tập miên mật như vậy.
Chúng ta học được điều gì qua câu truyện ngắn này ?
+ Phải tỉnh thức luôn luôn, để làm gì ?
+ Soi chiếu lại tâm mình, rồi thấy cái gì ?
+ Thấy cái tâm biết đang biết rất rõ, biết rất rõ cái gì ?
+ Biết cái đang là. Biết đang làm gì, đang ở đâu.
+ Trong lúc đó, tâm không phóng đi chỗ khác, không suy nghĩ chuyện khác, không chú ý tới người khác.
+ Trong lúc đầu, phải có cố gắng, chú tâm vào chủ đề, tức <cái đang là> của tâm và cảnh. Tương ưng với “Chú tâm cảnh giác”
+ Về sau, tâm thuần rồi, không chú tâm nữa. Thư giản, thảnh thơi. Tương ưng với “chánh niệm tỉnh giác”
+ Và điều quan trọng nữa là: thực hành trong tất cả sinh hoạt hàng ngày, không phải chỉ trong lúc ngồi bán già giữa thiền đường mới là tu.
+ Ngồi giữa thiền đường, trước mắt Phật, trước mặt thầy, giữa các bạn , mình rất dễ tỉnh thức. Tâm lý mình là phải ngồi ngay thẳng, không nhúc nhích, vì ở chỗ đông người. Sợ bị chê cười, sợ một lát nữa phải trình bày kinh nghiệm ra cho mọi người biết v.v...nên thường mình tập tốt. Còn khi về nhà, vì mình là cư sĩ, gia đình, con cháu, nhiều việc lăng xăng, rất khó thu xếp để ngồi thiền. Đây chính là lý do tại sao, hệ Theravàda chủ trương muốn tu tới nơi rốt ráo thì phải xuất gia, trong ý nghĩa hẹp nhất, là phải sống độc thân, rời bỏ gia đình, sống không gia đình.
+ Trong thực tế, là người cư sĩ, mình vẫn có thể tu được và đạt kết quả tốt, với những yêu cầu thiết yếu sau đây:
- Kiên nhẫn, vì mình cần nhiều thời gian tu học hơn tu sĩ. Tu sĩ thì dùng toàn thời gian cho riêng mình để tu. Cư sĩ phải có thời gian cho gia đình, cho việc làm. Nên kết quả chậm hơn.
- Quyết tâm hay tánh quyết định (trong 10 ba la mật) cư sĩ còn sống trong đời nên có nhiều thử thách hơn, gặp nhiều chông gai, chướng ngại hơn. Tiếp xúc hàng ngày với tâm đời, ít gặp thiện tri thức. Nếu mình không vững chắc thì sẽ lo buồn, ưu tư. Nên môi trường sống không thuận tiện bằng tu sĩ, ở yên trong thiền viện tĩnh lặng vắng vẻ, với những thiện tri thức cùng đi chung một con đường.
- Nếu sống trong gia đình thì còn chữ Ái. Sống trong thiền viện thì là chữ Từ. Vậy phải làm sao chuyển hóa chữ Ái thành ra chữ Từ mới là thanh thản.
Tóm lại, dù là tu sĩ hay cư sĩ, con đường đi cũng chỉ là một. Là hướng tới sự an lạc thực sự, lâu dài, cho mình và cho người khác. Vậy phải có trí tuệ thông hiểu những chân lý của cuộc đời, rồi áp dụng trong cuộc sống bình thường của mình để hài hòa bản thân với người khác quanh mình. Tạo ra nếp sống hài hòa an lạc cùng chung nhịp điệu chuyển hóa tuyệt diệu của trời đất bao la này.
19- 6- 2020
TN