NÓI NHƯ HOA
Chúng ta đọc một bài kinh ngắn trích trong Tăng Chi Bộ kinh.
- Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người nói như phân, hạng người nói như hoa, hạng người nói như mật.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người nói như phân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người khi đi vào hội trường, hay đi vào hội chúng, hay khi đi đến giữa các người bà con, hay khi đi đến giữa các người đồng một tổ hợp, hay đi đến giữa cung vua, hay bị dẫn như là người làm chứng, được nói: "Ngươi biết gì, hãy nói lên". Người ấy không biết, nói rằng: "Tôi có biết"; có biết, nói rằng: "Tôi không biết"; không thấy, nói rằng: "Tôi có thấy"; có thấy, nói rằng: "Tôi không thấy". Do vì mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nhỏ, mà đã cố ý nói láo. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nói như phân.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người nói như hoa? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người khi đi vào hội trường, hay khi đi vào hội chúng, hay khi đi đến giữa các người bà con, hay khi đi đến giữa các người đồng một tổ hợp, hay đi đến cung vua, hay bị dẫn như là người làm chứng, được nói: "Ngươi biết gì, hãy nói lên". Người ấy không biết, nói rằng: "Tôi không biết"; có biết, nói rằng: "Tôi có biết"; không thấy, nói rằng: "Tôi không thấy"; có thấy, nói rằng: "Tôi có thấy". Không vì mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nhỏ mà đã cố ý nói láo. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nói như hoa.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người nói như mật? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đoạn tận ác ngữ, từ bỏ lời nói ác ngữ. Lời nói của người ấy không hại, tai ưa nghe, khả ái, đi thẳng đến tâm, lễ độ, được nhiều người ưa thích, được nhiều người thích ý, người ấy nói những lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người nói như mật.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Nhớ ngày xưa, cũng hơn nửa thế kỷ trước, thời tuổi thơ của thế hệ cô, văn minh khoa học kỹ thuật chưa tiến bộ, lúc đó mình còn chụm củi, chụm than để nấu cơm, nấu nước. Tuổi thơ không có trò chơi nào hấp dẫn bằng nhảy cò cò, hay nhảy dây, hay chơi đánh đủa. Ngoài ra là nằm nghe ba má kể chuyện cổ tích, hay chuyện “Một ngàn lẻ một đêm” rồi ngủ ngon lành. Trong những câu chuyện cổ tích nhiều ấn tượng đó, cô còn nhớ tới bây giờ chuyện này:
.....Ngày xưa, có một cô thiếu nữ hiền lành xinh đẹp, nhưng mẹ mất sớm. Cha cô có một người vợ thứ hai. Bà mẹ ghẻ này chỉ thương cô con gái riêng của mình, thường ghen ghét và hành hạ cô thiếu nữ kia.. Còn cô gái khờ dại được mẹ cưng chiều nên càng lười biếng. Một hôm, như thường lệ, cô thiếu nữ hiền lành xinh đẹp ra giếng lấy nước . Một bà lão nghèo quá đổi nghèo, run run chống gậy đến xin một chút nước uống. Cô gái vui vẻ lấy nước và mời bà. Uống xong, bà lão tươi cười cám ơn và chúc lành: “Con ngoan lắm, lời nói của con như châu ngọc.” Rồi bà lão đi mất. Cô gái gánh nước về nhà.
Bà mẹ ghẻ vừa trông thấy cô đã to tiếng:- “Tại sao về trễ ?”
Cô gái nhỏ nhẹ thưa: - “Thưa mẹ, con về trễ là vì ...” thì bỗng nhiên, châu ngọc từ môi rơi ra từng hạt từng hạt lấp lánh.
Bà mẹ ghẻ ngạc nhiên, rồi vui mừng, rối rít hỏi cô chuyện gì đã xảy ra. Cô gái thành thật kể lại chuyện gặp bà lão nghèo xin nước uống. Mỗi lời cô nói cứ rơi ra từng hạt châu sáng rực. Rồi bà mẹ ghẻ dặn con gái của mình:
“- Ngày mai con ra giếng lấy nước. Nếu có một bà lão nghèo tới xin nước uống, con nhớ lễ phép cho bà ấy uống nước. Đấy là bà tiên. Nhớ đấy.”
Cô gái vâng lời mẹ. Cô ra giếng lấy nước, rồi ngồi đợi bà lão nghèo. Mãi một lúc sau, có một bà sang trọng, trẻ đẹp tới xin nước uống. Cô gái nói ngay:
“- Không có nước. Tôi không phải là người hầu hạ cho bà. Tôi chỉ có nước cho một bà lão nghèo mà thôi”.
Bà tiên nói:
-“Con không tốt. Lời nói của con như cóc nhái rắn rết”. Rồi bà tiên biến mất.
Cô gái về nhà. Mẹ hỏi: “Sao con, có gặp bà lão nghèo không?”
Cô gái trả lời bực bội:-“Không có. Chỉ có một bà sang trọng trẻ đẹp thôi. Con mắng , và không cho nước...” Lúc đó, cóc nhái rắn rết từ trong miệng cô tuôn ra....
Câu chuyện cổ tích tới đó là hết. Ngày ấy, cái ý tưởng trong miệng có cóc nhái rắn rết thật là ghê tỡm. Lần hồi mới hiểu đó chỉ là người xưa mượn ẩn dụ để nhắc nhở mình cẩn thận về lời nói. Cũng như câu tục ngữ bình dân:
<Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau>.
Trở lại ý nghĩa bài kinh “Nói như hoa”, Đức Phật chỉ giải thích đơn giản về phẩm chất của lời nói.
+ Nói như phân: nói không đúng sự thật, hay nói dối.
+ Nói như hoa: nói đúng sự thật.
+ Nói như mật: lời nói lễ độ, ái ngữ, hữu ích, đúng sự thật, làm cho người nghe ưa thích vui vẻ.
Chúng ta có thể khai triển thêm chi tiết để mình ứng dụng trong đời sống hằng ngày. Thí dụ như:
- Đúng sự thật, Nhưng có những sự thật không nên nói ra. Vậy phải im lặng. Phật nói đó là sự im lặng của bậc thánh.
- Nói đúng lúc và đúng người.
- Lời nói không nịnh bợ, để mong được lợi cho mình.
- Lời nói có trí tuệ, mới hữu ích cho người khác.
- Không bàn chuyện ma quái, huyễn hoặc, bùa chú.
- Không nói chuyện quá khứ vị lai bói toán.
- Không nói chuyện của người vắng mặt.
- Không đem chuyện của người này nói cho người kia biết với mục đích chia rẻ.
- Không phê bình xét lỗi của người khác.
- Không tham gia vào bàn luận chuyện phải hay trái của người khác. Tất cả gọi chung là chuyện thị phi.
- Không chụp mũ người khác. Dù cho người ta sai, còn không được nói lỗi ra cho người khác biết. Huống chi là mình bẻ quẹo ra rồi đi rêu rao cho nhiều người biết. Đó có khác gì miệng mình tung ra toàn là cóc nhái. Trong bài kinh trên, Phật xếp là :<Nói như phân>.
- Trong giới luật, Phật xếp lỗi làm rối loạn tâm của người tu (gồm tứ chúng: tu sĩ nam, tu sĩ nữ, cư sĩ nam, cư sĩ nữ) là tội nặng. Sangha hay tăng đoàn là một tập thể sống hài hòa cùng nhau tu tập theo những chân lý do Phật dạy. Cho nên cái lỗi tung ra chuyện thị phi, dèm pha, chụp mũ, nói lén... đều là “tội phá hoại sự hòa hợp Tăng”, là một trong ngũ nghịch: giết cha, giết mẹ, giết A la hán, làm cho thân Phật chảy máu, và phá hoại sự hòa hợp Tăng.
Chúng ta tự nhận là con Phật, vậy nhớ cẩn thận lời nói của mình. Vì lời nói là biểu hiện của Tâm. Tâm ma thì <lời nói như phân>.
Ngày 6- 6- 2020
TN
Con đã đọc chuyện này, nhưng qua lời giảng của cô , câu chuyện thật sáng tỏ và có ý nghĩa rất nhiều cho việc tu học của con . Cám ơn Ni Sư