Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 27
Trong tháng qua, cô đã thông báo tất cả chúng ta về kế hoạch sắp tới, trọng tâm là đội ngũ giáo thọ của mình cần quyết tâm tu học nhiệt tâm hơn nữa. Đồng thời chúng ta mở rộng cửa đón mời các vị thiền sinh mới phát tâm tham gia vào đội ngũ chúng ta. Tuy nhiên cho tới nay, không biết các em có chờ đợi cô sẽ thực hiện chương trình này như thế nào. Nếu ai tinh ý, thì biết cô đang thực hiện kế hoạch này theo cách của cô.
Trước nhất, cô thích dùng từ “sứ giả Như Lai” hơn là từ “giáo thọ” hay “huấn luyện viên”. Vì sao vậy?
Theo cô hiểu, chúng ta đang đi trên con đường tu tập theo pháp của đức Phật, đây là tạm nói “con đường tâm linh”. Đi được một đoạn đường dài rồi, có kinh nghiệm vững chắc, chuyển hóa được tâm của mình, bớt tham, bớt sân, bớt si mê, sống hài hòa trong gia đình, sống hài hòa trong tăng đoàn, sống hài hòa trong tập thể. Sau đó, mình phát tâm hướng dẫn các bạn khác cùng tu chung với mình. Mình san sẻ những hiểu biết về Phật pháp với các bạn, như vậy tạm xem như mình bạo gan làm “sứ giả Như Lai”.
Thiệt ra, không phải ra giảng pháp giữa công chúng đông người mới là sứ giả Như Lai. Cô hiểu đơn sơ là khi mình tặng cho người bạn một nụ cười thân ái, đúng lúc, với cái tâm trí tuệ và từ bi. Đó là “sứ giả Như Lai” rồi.
Hiểu như vậy, thì một nụ hoa tươi thắm giữa vườn dâng hiến cho đời vài phút an vui, không vì danh, không vì lợi, cũng là hiện thân của Như Lai.
Còn nếu mình chỉ nhận ra mình là “giáo thọ” hay “huấn luyện viên” thôi, thì chỉ có nghĩa là khả năng của một cái bằng cấp hay chứng chỉ của đời. Và có thể từ đó, mình chưa thấy cái tầm cao quí của việc mình làm. Rồi có khi mình nhiệt tâm quá. Mình hấp tấp vội vàng, ồn ào náo nhiệt, dẫn người khác đi tới đâu không biết. Mình như thế nào, cũng không rõ chính mình. Vì vậy, cô muốn nhắc lại rằng, khi đứng trên bục hướng dẫn về Thiền, phải nhận thức rõ mình đang làm một trọng trách cao quí và nặng nề, <sứ giả Như Lai> để mình trang trọng, cẩn mật, trong phong thái, trong lời nói, và nhất là với cái tâm “trí tuệ và từ bi.” Tức là cái tâm trong sáng, phục vụ cho đời. Chứ không phải với cái tâm “giáo thọ hay huấn luyện viên”, dạy dỗ hay huấn luyện người khác.
Cô trở lại chủ đề . Như vậy, nói gọn Sứ giả Như Lai cần hai đức tánh: trí tuệ và từ bi. Hay cũng có thể nói trí tuệ và đức hạnh.
Hai yêu cầu này làm sao mình có thể có được trong một khóa tu 10 ngày, hay 1 hay 2 hay 3 tháng, hay hơn nữa, trong vài năm ? Điều này, các em chắc cũng hiểu. Thời Phật cũng vậy.
Trong thời Đức Phật, những vị đạt được mục đích tối thượng, không phải dễ dàng. Dù cho trong thời gian ngắn, như ngài Mahà Moggalàna, Sàriputta, Upàli, v.v...Tất cả đã có một thời gian dài chuẩn bị, từ bao nhiêu đời quá khứ, và tới đời này, họ đã có căn cơ thuần thục, từ bỏ nhân duyên thế gian rồi. Khi gặp Đức Phật, tâm các vị đã như trang giấy trắng tinh.
Nói như vậy, không có nghĩa là cô bi quan cho chúng ta. Cô chỉ muốn nhắc lại là nhiều vị trong chúng ta đã theo Thầy tu học từ 25 năm nay rồi. Hay 15 năm, hay 10 năm, hay 5 năm qua. Chúng ta đã nghe, đã nhớ, đã biết những gì là hành trang trên con đường tâm linh này. Cốt lõi là gì? Mình phải học ra sao? Thực tập cái gì? Kết quả mình đã trở thành con người tốt hơn ra sao? Tâm mình bây giờ ra sao? Trí mình bây giời hiểu biết ra sao?
Như vậy cô có cần phải lặp đi lặp lại hoài những kiến thức mà các em đã học rồi? Vì cô chỉ trao lại cho các em kiến thức mà thôi. Cũng như cái bản đồ chỉ đường vậy. Chính các em phải hiểu và thực hành trong đời sống của chính mình...
Đức Phật ngày xưa đã từng nói, trong bài kinh Ganaka Moggallàna:
< Ta chỉ là người chỉ đường.>.
“-- Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi có mặt Niết-bàn, trong khi có mặt con đường đi đến Niết-bàn, và trong khi có mặt Ta là bậc chỉ đường.
Nhưng các đệ tử của Ta, được Ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được.
Ở đây, này Bà-la-môn, Ta làm gì được? Như Lai chỉ là người chỉ đường.”
Đức Phật giảng dạy chung cho tất cả đệ tử giống nhau, tại sao có người chứng quả Dự lưu, có người chứng quả A la hán, và nhiều người không chứng gì hết? Đó là do căn cơ và công phu tu tập của chính mỗi người.
Hổm rày, cô rảnh rang, nhưng cô không lên online để giảng. Cũng là vì vậy. Giảng hoài cũng vậy thôi. Có khi mình nghe hoài có bấy nhiêu, mình sẽ coi thường, sẽ nhàm chán. Thì uổng phí thời gian cho cả hai bên.
Tuy nhiên, trong thời gian ở Tổ Đình, cô cũng làm việc, là cô nghe lại các bài đã giảng rồi gởi ra cho các em nghe ôn lại. Đồng thời cô thỉnh thoảng cũng viết năm ba đoạn ngắn, gởi tới chia sẻ với các em những cảm nghĩ bất chợt của mình, nhắc nhở chúng mình cùng nhau tu học. Xem như cô cũng tiếp tục ôn bài cho các em, trong đó có các em giáo thọ nữa. Vì thiệt ra, giáo thọ hay không, tất cả chúng ta đều cùng đi trên một con đường. Cùng nhìn về một hướng. Là hướng tự rèn luyện tâm của chính mình, có trị tuệ và có từ bi. Chỉ vậy thôi.
Cô đã sống những ngày đạm bạc, yên tĩnh, thảnh thơi ở Tổ Đình. Bên ngoài dòng đời ra sao? Đó là chuyện muôn thuở của đời.
Đâu phải bây giờ mới có già, bệnh, chết? Đâu phải bây giờ mới có tranh giành, xung đột, chiến tranh? Đâu phải bây giờ mới có thù hận và nước mắt?
Nếu mình hiểu tại sao? thì mình biết mình phải sống như thế nào? Và mình sẽ biết muốn là một “sứ giả Như Lai”, mình phải ra sao?
Tuy nhiên, nói rõ ràng hơn, cô xin trình bày, cũng là nhắc lại ý Phật, ý Tổ,ý Thầy.
+ Trước hết, trong kinh Pháp Hoa, yêu cầu của một vị giảng pháp, kinh gọi pháp sư, là “vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi trên tòa nhất thiết pháp Không”, tức là đã thông hiểu bản thể thế gian là chân như, và trãi nghiệm thể nhập tâm như như bất động, và thể nhập không tánh.
Tại sao kinh đòi hỏi điều kiện này? Có thể là vì:
- Sau khi thực sự thông suốt và thể nhập chân như, hành giả sẽ phát huy trí huệ siêu vượt hiểu biết tất cả nguồn cội mọi vấn đề trên thế gian. Do đó, hành giả sẽ phát huy biện tài mãi, không có giới hạn, gọi là <tứ vô ngại giải>, gồm: từ ngữ dùng chính xác, câu nói mạch lạc, rõ ràng, nghĩa lý đúng pháp, và biện luận sắc bén. Năng lực này là chính yếu để giảng giải pháp.
- Cần phải an trú trong nhận thức <tất cả hiện tượng thế gian đều trống rỗng> giả tạm, như bong bóng nước, như thân cây chuối, như ánh ráng mặt trời chiều, như chiêm bao, như trò ảo thuật. Vì khi ra tiếp cận với người đời, sẽ có nhiều chướng ngại, nhiều sự chống đối, hủy báng, xuyên tạc v.v... Hành giả sẽ vượt qua được nếu đã thông suốt tánh Không của thế gian.
- Tại sao kinh không nói tới điều kiện đạo đức hay giới hạnh? Thực ra trong Thập Địa Bồ Tát, đã phân tích rất kỹ. Từ các giai đoạn tu đầu tiên, đã là trui rèn đức hạnh rồi. Thí dụ:
1- Hoan hỷ địa
2- Ly cấu địa:
Giai đoạn thuần tịnh: Land/Stage of perfect purity.
Để bắt đầu tu, Bồ Tát nghiêm trì giới hạnh. Thông qua trí tuệ để giữ thanh tịnh giới, Bồ Tát không bị vướng mắc giới tướng mà cốt làm cho giới thể được thanh tịnh từ trong tâm. Thân, khẩu, ý trong sạch. Ý thức tự chuyển. Đạo đức trong sạch. Phiền não xa lìa.
3- Phát quang địa:
Giai đoạn phát sáng: Land/Stage of luminosity.
Sau khi chân như có mặt trong tiến trình định-huệ, chướng ngại của sự ngu si bị triệt (suppressed), dục tham si ( the delusion of desire-covetousness) cũng bị triệt theo. Sự u tối trong tâm không còn. Thần sắc trở nên trong sáng. Nhưng tâm thực sự chưa dừng lặng.
4- Diệm tuệ địa:
Giai đoạn Trí tuệ rực sáng: Skt: Land/Stage of glowing wisdom.
Đây là giai đoạn ý niệm «Tôi» và «Của tôi» bị triệt. Ngã kiến ( self-belief), ngã mạn ( self-conceit), ngã ái (self-love), và ngã dục (self- desire) là những phần vi tế nhất bên trong tâm cũng bị loại. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Bồ Tát vẫn chưa thực sự dừng được niệm si mê vốn còn tiềm tàng trong tâm.
Như vậy, chúng ta cần ứng dụng tu Giới luật cho mình như một điều kiện quan trọng, cụ thể là Thanh Quy của tập thể chúng ta mà Thầy Thiền chủ khi xưa đã ban hành, và nhắc lại mỗi năm trong ngày Truyền Thống. Tuy tư liệu đó là giới tướng, mà cũng là giới thể vì Thầy cũng nhắc tới thực hành pháp Như Thực và Chánh niệm trong cuộc sống hằng ngày.
Trong bài Đại kinh Xóm Ngựa, Phật đã chỉ bày những phương thức tu tập cho đệ tử, căn bản là giới đức (hạnh tàm quý, ba hành trong sạch, sanh mạng trong sạch, tiết độ ăn uống, chú tâm cảnh giác không cho pháp ác khởi lên trong tâm v.v...). Rồi kết luận lại: bậc sa môn là gì, A la hán là gì, đó là vị đã xa lìa, đã làm cho sạch, đã chấm dứt các pháp ác, bất thiện, làm ô nhiễm tâm. Chỉ vậy thôi.
Đó là Phạm hạnh, hạnh sống của bậc thánh.
Cho nên, các vị A la hán ngày xưa đã công bố: <Sanh đã tận. Phạm hạnh đã thành. Việc cần làm đã làm xong. Sau đời này, không trở lại>.
Muốn biết mình đi đúng đường hay không, mình nhìn lại xem mình có hài hòa trong gia đình nhỏ bé của mình chưa, có sống hài hòa từ ái với tập thể quanh mình chưa, có mang lại đoàn kết an lạc cho tăng đoàn cùng tu học chưa? Điều này rất khó nhận diện, chỉ vì cái ngã mê muội của mình luôn cho là mình đúng, mình giỏi hơn người khác. Cho nên đây là một yêu cầu quan trọng nữa: <Tự độ - Độ tha>. Chưa tự rèn luyện cái tâm mình, làm sao rèn luyện cái tâm của người khác.
Kết luận, tất cả đòi hỏi mình phải có trí tuệ. Trí tuệ thì có rất nhiều mức độ, và phần lớn trí tuệ là từ bẩm sinh, hay là có căn cơ sắc bén.
Trí tuệ để biết thắng mình lại khi mình đi quá đà. Trí tuệ để dành thời gian tự rèn luyện bản thân thêm cho tiến bộ hơn nữa. Khi tự mãn thì là đứng dừng lại. Trí tuệ để có thể tự tin khi bước lên bục giảng và có thể trả lời mọi câu hỏi.
Trí tuệ phải có, một khi mình thực sự thông suốt ý nghĩa và kinh nghiệm thể nhập các chân tánh của tự thân và của thế gian. Vì vậy, Giới- Định- Tuệ là Một. Khi mình có Định, là mình phải có Trí Tuệ phát huy, và Giới luật đức hạnh cũng được chuyển hóa.
Và cuối cùng, khi thực sự có trí tuệ thì hiển hiện ra thần sắc trầm tĩnh, an vui trong sáng, thân nhanh nhẹn khỏe mạnh, giảng pháp lưu loát, chính xác, diễn đạt được chân ý của Phật và Tổ theo phong cách riêng của chính mình, chứ không phải học thuộc lòng hay đọc bài của người khác đã soạn sẵn cho mình.
Trí huệ là cửa ngõ đi vào trọng trách “sứ giả Như Lai”.
Không còn cách nào khác.
5- 6- 2020
TN
Con vẫn thường đọc bài viết của Ni sư. Chương trình sinh hoạt online của thiền sinh Sacramento chúng con đang lần lượt tu học theo những bài viết ngắn của Ni sư trong giai đoạn này. Đây là giai đoạn khởi đầu, chúng con vừa thực hiện được 7 lần sinh hoạt vào ngày thứ bảy hằng tuần, mỗi lần sinh hoạt có được 3 tiếng hoặc hơn. Nhiều anh chị em đã cảm nhận được sự lợi lạc mới mẻ trong tu học và tu tập qua những bài viết của Ni sư.
Sáng hôm nay, con đọc bài "Sứ giả Như Lai". Con thật sự cảm kích lời dạy uyên thâm của Ni sư. Năm xưa, Thầy Thiền chủ, trong giai đoạn đầu tiên đào tạo giáo thọ, đã dùng tên gọi "Sứ giả Như Lai". Bây giờ, Ni sư lại dùng tên gọi ấy, "Sứ giả Như Lai", là một lời nhắn nhủ sâu sắc cho thiền sinh chúng con. Trí và Huệ. Tu học và Tu tập. Giới hạnh và công phu. Giới tướng và giới thể. Giới thể và giới tướng. Những bài viết lúc này của Ni sư đang thật sự tác động đến tâm con. Thật may mắn cho con và những ai đã đủ duyên chọn con đường thiền làm con đường sống cho mình. Con đường sống thật đẹp đẽ quý giá. Sáng nay, như bao buổi sáng, qua khung cửa sổ trước bàn viết con đang ngồi, khu vườn nhỏ và cây lá xanh tươi đang lung linh một sức sống mạnh mẽ nhưng hiền hoà thân thương. Công việc làm online nặng nhọc của con đang ở phía sau lưng, trước mắt con là con đường thiền Tánh Không êm ả ngọt ngào luôn thấp thoáng bóng dáng Thầy Cô.
Con muốn khóc vì hỉ lạc. Con xin thành tâm cám ơn Ni sư. Kính chúc Ni sư luôn an ổn khoẻ vui.
Con Uyển Như
Sacramento - Buổi sáng 21 tháng 6, 2020