Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 26
PHẬT CAO BAO NHIÊU?
<Phật cao một trượng. Ma cao ba trượng>.
Đã từ lâu, khi mới bước vào việc tu học, đọc được câu nói này ở đâu đó trong kinh sách, cô vẫn thường suy nghĩ : như vậy là “Phật thua ma” hay sao?
Nhất định là Phật hơn Ma rồi.
Đức Phật đã được tôn là bậc <Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn>. Mười danh hiệu của Đức Phật đã chứng minh điều này. Vậy tại sao lại có câu nói:
<Phật cao một trượng. Ma cao ba trượng>?
Cô hỏi các em đó. Suy gẫm rồi nói cho cô biết với nha!
Chúng ta tạm hiểu Phật như là tượng trưng cho sức mạnh của Trí tuệ và Từ bi, còn Ma tượng trưng cho sức mạnh của Tà trí và Độc Ác, hay Hủy diệt.
Có khi kinh nói : <Cõi này là cõi giáo hóa của Đức Phật Thích Ca>
Lại có khi kinh nói: <Cõi này là cõi của Ma Vương ngự trị>
Ngay trong cuộc đời giáo hóa của Đức Phật cũng có nhiều sự kiện cản trở con đường đi của Đức Phật. Như ông Devadatta; đạt được thần thông, đạt được định, nhưng có tham vọng muốn lãnh đạo tăng đoàn, đã mấy lần âm mưu hãm hại Phật: dùng con voi say, hay là lăn đá từ trên núi cao v.v... Ngoại đạo cũng mấy lần ra tay: cho người nữ mang thai giả tới vu khống, và giết 1 người nữ tín đồ của mình rồi phao tin cho tăng đoàn đức Phật, hay nhiều ngoại đạo tới tranh luận, sĩ nhục dòng họ Thích Ca v..v...
Chúng ta có thể đọc thêm bài giảng của HT. Thanh Từ, cô gởi kèm theo đây, tựa đề là: <Những chướng nạn của Đức Phật>.
Đó là những sự kiện thời Đức Phật còn tại thế. Về sau, các vị Tổ cũng gặp không ít chướng duyên.( trích trong <33 vị Tổ Ấn Hoa>)
Tổ thứ 4 Thiền Tông Ấn Độ, là ngài UPAGUPTA (thường âm ra là U Ba Cúc Đa) từng bị Ma Ba tuần quấy phá.
Cảnh Đức Truyền Đăng Lục chép như sau:
Tôn giả xuất gia năm 17 tuổi, đến năm 20 tuổi thì chứng đạo rồi đi các nơi cảm hóa, tới nước Ma-Đột-La hóa độ rất nhiều chúng sanh. Uy danh đó làm rung động cung ma khiến cho vua ma ba tuần rất là sợ hãi. Vua ma dùng đủ mọi cách để phá họai Phật pháp. Tôn giả vào định quán sát các nguyên do thì nhân cơ hội đó, vua ma đem vòng chuỗi anh lạc khoác vào cổ của tôn giả. Xuất định, tôn giả dùng thần thông biến các thây chết của người, chó và rắn kết lại thành một vòng hoa rồi nói ngọt ngào với vua ma rằng:
- Ngươi đã tặng ta vòng anh lạc, rất quí, nay đáp lại, ta biếu ngươi vòng hoa này.
Ma ba tuần mừng lắm, đưa cổ nhận vòng hoa và tức thời, vòng hoa biến trở lại thành những thây chết thối tha. Ba tuần rất lấy làm ghê tởm, buồn bực, nhưng dùng hết thần lực của mình rồi mà vẫn không sao cởi ra được. Vua ma bay lên các cung trời cõi Dục cầu cứu với các vua trời, lại xin Phạm vương cứu giúp, nhưng các nơi này đều trả lời rằng:
- Đây là pháp do đệ tử của Phật biến hóa ra, chúng ta còn là phàm lậu, làm sao giải trừ được?
Vua ma hỏi:
- Vậy làm sao đây?
Vua Phạm đáp:
- Ngươi xin quy phục tôn giả thì sẽ gỡ ra được.
Và nói kệ như sau:
Nếu nhân đất ngả
Phải nhờ đất dậy
Lìa đất muốn dậy
Trọn không lý này.
Vua ma nghe lời chỉ dạy, rời khỏi cung trời, cúi lạy tôn giả tỏ lòng sám hối, trông rất thương tâm. Tôn giả hỏi:
- Từ nay trở đi, ngươi còn có lòng phá hoại chánh pháp nữa chăng?
Ba tuần đáp:
- Con xin thề quy y Phật pháp, vĩnh viễn không làm điều xấu.
Tôn giả dạy rằng:
- Nếu vậy, ngươi hãy tự nói lên rằng ngươi đã quy y tam bảo!
Vua ma chắp tay, xướng ba lần quy y tam bảo thì vòng hoa tức khắc biến mất. Vua ma vui mừng nhảy nhót, lễ tạ tôn giả, đồng thời nói bài kệ sau :
Cúi lạy chánh định tột
Đệ tử Thánh mười phương
Nay con xin hồi hướng
Chớ còn tánh yếu hèn.
Tổ Ấn Độ thứ 24. -Tổ Sư-Tử (Aryasimha) gặp chướng duyên.
Cuối thế kỷ thứ chín sau Phật Niết-bàn
Lúc ấy, trong nước Kế Tân có hai người ngoại đạo giỏi pháp huyễn thuật mưu đồ ám sát nhà vua. Nhưng còn ngại bại lộ cơ mưu, nên chúng đổi hình Tỳ-kheo đi làm việc gian ác ấy. Quả nhiên bị quân quan bắt được. Vua Di-La-Quật hay việc nầy nổi cơn phận nộ, ra lệnh triệt hạ chùa chiền, bắt nhốt tăng chúng.Vua trách:
-Lâu nay ta sùng kính Phật giáo quý trọng Tỳ-kheo mà nay họ lại manh tâm sát hại ta, vậy còn đạo đức chỗ nào?
Bởi sự tức giận ấy, nhà vua đích thân cầm gươm báu đến chỗ Ngài Sư-Tử hỏi:
-Thầy được không tướng chưa? Ngài đáp:
- Đã được.
- Đã được, thì còn sợ sống chết chăng?
- Đã lìa sống chết thì đâu có sợ.
- Chẳng sợ có thể cho ta cái đầu chăng?
- Thân chẳng phải cái của ta, huống nữa là đầu.
Vua liền chặt đầu Ngài rơi xuống đất. Nơi cổ phun lên giọt sữa trắng cao chừng một trượng. Cánh tay mặt của vua Di-La-Quật cũng đứt lìa. Bảy ngày sau vua băng.
Tổ Ấn Độ thứ 28. Bồ-Đề-Đạt-Ma (Bodhidharma) cũng là Tổ thứ nhất Thiền tông Trung-Hoa
Đầu thế kỷ thứ mười một sau Phật Niết-bàn
Tương truyền Tổ Bồ Đề Đạt Ma bị đánh thuốc độc 5 lần.
Thiền sư HƯƠNG HẢI. (1628 - 1715) Thiền sư Việt Nam:
Người đời thường truyền tụng lại lúc Sư sắp đắc đạo có nhiều câu chuyện rất linh dị.
Như nói khi Sư mới ra tu ở núi Tim Bút La này, gần đó có biển tên Ngọa Long Hải và đảo Đại Lãnh. Hai nơi này ít người đi đến và là hang ổ của ma quái. Chúng ma đã nhiều lần kéo đến ngăn trở sự tu hành của Sư, mà tâm Sư vẫn không lay động. Một đêm vào lúc canh hai, những đồ đệ của Sư bỗng trông thấy một con ma lớn đen sì, cao chừng hai trượng (8 thước) xồng xộc chạy vào, một lúc rồi biến đi đâu mất. Đến cuối canh ba, bỗng có một con rắn lớn bò đến quấn chặt mình Sư, Sư không cựa động được, cố nhích mình lần tới bàn Phật, niệm chú Thần đao, một lát con rắn ấy biến mất.
Lại một hôm, đang giữa ban ngày bỗng mây đen kéo đến trước sân mù mịt, gió cuốn ầm ầm, cây gãy cát bay, mái nhà bung tốc, một lát mới hết.
Đến tháng thứ ba, lại một lần giữa đêm vắng, núi non yên tĩnh, bỗng nghe tiếng như ngàn muôn con mèo kêu ran lên một chặp.
Lại đến tháng thứ tám, một lần giữa canh vắng đêm khuya, Sư đang ngồi thiền trước điện Phật, hương đèn sáng choang. Bỗng thấy quân ma vừa trai vừa gái đứng vây tứ phía, đứa cầm giáo, đứa cầm mác, đứa dắt trâu, đứa dắt ngựa, đứa dắt voi, nhiều thứ quái tượng. Sư cảm thấy đau bụng, mắt mờ không thấy ánh sáng của đèn, không thấy tượng Phật, chỉ thấy toàn ma tinh. Lúc đó, Sư dùng hết sức trì chú, nhiều phương thức bí mật đều không linh nghiệm. Sư bèn lập chí Kim Cang tưởng lửa Tam-muội, quyết đốt cháy thân mình và thiêu cả thế giới. Quả thấy rất linh nghiệm, một lát chúng ma biến đâu mất, cảnh sắc lại quang minh như trước. Song giữa đêm vắng núi yên không ai thấy biết.
Sáng ra, Sư cho rằng đất này là ác địa, khó giáo hóa được, bèn trở về quê cũ là làng Bình An Thượng, phủ Thăng Hoa xứ Quảng Nam. Sư bảo với bà con làng xóm rằng: “Chỗ đảo này từ lúc mở mang đến nay chưa được khai hóa, chính là ác địa, cung ma, khó mở đạo pháp”. Sư ở qua một tuần, chợt có người Mán đến cầu thỉnh, Sư hỏi người ấy:
- Ban đêm đến tìm tôi chắc là có duyên cớ gì cần tỏ bày?
Người Mán thưa:
- Cả thôn xóm của tôi có ba ngôi đền cũ ở núi Tim Bút La. Một miếu thần Cao Các Đại Vương, một miếu Phục Ba Đại Tướng Quân, một miếu thần Bô Bô Đại Vương. Hôm Sư cụ về được bốn ngày, trong làng chợt thấy thần cả ba ngôi đền này đều phục đồng lên nói rằng: “Hôm nọ bọn ma tinh tác quái mấy lần làm não hại Pháp sư, chúng ta ngồi yên xem thử coi ai thắng ai bại. Chúng ta bỗng thấy Pháp sư biến hình biến tướng, chẳng biết ở đâu, khiến chúng ma tinh phải lui hết. Chúng ta thấy Pháp sư thật là đạo hạnh kiêm toàn. Vì vậy chúng ta rất thán phục Pháp sư ấy, nên báo cho dân làng biết hãy đi thỉnh Sư về trụ ở đây.” Bấy giờ mọi người trong làng nghe thấy việc như trên mới cho tôi vào thỉnh bạch Sư cụ về duyên do trước đó.
Khi ấy Sư nghĩ: “Việc bọn ma đã nép phục hiển nhiên rồi”. Nên sau đó Sư lại một phen cùng đệ tử xuống thuyền trở ra đảo Tim Bút La. Từ đây Sư ở chuyên tu hơn tám năm an ổn, không có gì chướng ngại. Sư được thần khen quỷ giúp, cảm ứng tự nhiên, Phật pháp thạnh hành, tiếng tăm vang khắp.
Trên đây, là trích dẫn vài truyện xưa, từ Đức Phật Thích Ca cho đến các vị Tổ Ấn Độ, Việt Nam nhiều lần gặp tai ách, ma vương quấy phá, cả con người còn tâm ma, thù ghét đố kỵ, cũng nhiều lần muốn giết hại.
Ngoài ra, chúng ta biết có thêm một sự kiện nữa là:
Đại học Nalandà tại bang Bihar Ấn Độ.
Theo sử sách, người ta tin rằng đại học Nalandà được xây dựng từ đầu thế kỷ V và bị tàn phá cuối thế kỷ thứ XII (401- 1200). Tuy nhiên theo sử Tây tạng thì cho rằng ngài Long Thọ (Nagàrjuna thế kỷ II- III) đã từng theo học tại Đại học Nalandà. Đó là một viện đai học Phật giáo lớn nhất thời đó. Ngoài Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo đại thừa (Trung Hoa, Nhật bản), và Kim Cang thừa (Tây Tạng), còn có các môn học khác: kinh Veda, y học, luận lý... Trải qua triều đại Gupta (tk V), triều đại Pala (tkVIII- tkXII) các vị vua Ấn độ đã trùng hưng đại học Nalandà, nên nơi này nổi tiếng và hưng thịnh trong nhiều thế kỷ .
Ngài Huyền Trang, một vị danh tăng Trung Hoa, thế kỷ thứ VII, đã đến Ấn độ và từng theo học tại đại học Nalandà, về sau ghi lại trong sách của ngài lúc đó có khoảng 10.000 người tu học từ các nước khác đến.
Đến cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII, đạo quân Thổ nhĩ kỳ, do viên tướng Hồi Giáo Bakhtiyar Khalji cầm đầu xâm lăng miền đông bắc Ấn Độ, bang Bihar (1200 AC) đã tàn phá tất cả những di tích Phật giáo, trong đó có đại học Nalandà. Tất cả bị san bằng thành bình địa, kinh sách bị thiêu hủy. Tu sĩ bị thảm sát. Từ đó Phật giáo biến mất trên xứ Ấn.
Ngày nay, còn lại gì? Năm 2016, những thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ và Nepal, được UNESCO công nhận là Di sản Thế Giới.
Có thể vì thế mà có câu:<Phật cao một trượng, Ma cao ba trượng> chăng?
Kết luận:
Qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, chúng ta được nhiều bài học sâu sắc:
+ Khi con người còn tham, còn sân, còn si mê, thì cuộc đời vẫn còn là biển khổ.
+ Qui luật xung đột là qui luật của cuộc đời và tâm đời.
+ Nhẫn nhục vẫn là hạnh quan trọng của người tu. Mà phải là nhẫn nhục ba la mật mới có thể sống an vui trong đời.
+ Qui luật vô thường, qui luật biến dịch vẫn thường hằng trên thế gian.
+ Bằng Thiền Quán, bằng Thiền Huệ, thông suốt bản thể trống không, bản thể như huyễn của thế gian, tâm ta mới không đam mê, không chấp trước một vật gì trên đời, thì tâm mới tự tại, giải thoát.
+ Bằng Thiền Định, tâm ta mới dừng lại, không dính mắc vào thế gian, cũng được tự tại, giải thoát.
Như vậy, Phật, như thiện tri thức, Ma, như ác tri thức. Cả hai đều giúp ta nhận ra con đường tu tập tiến tới an vui hạnh phúc thực sự, trong hiện đời và những đời sau nữa.
3-6-2020
TN
Đính Kèm:
Hòa Thượng Thích Thanh Từ: Những chướng nạn của Đức Phật
https://www.tanhkhong.org/p105a1164/ht-thich-thanh-tu-nhung-chuong-nan-cua-duc-phat