Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 25
Nhớ có một bài kinh về ngài Xá Lợi Phất., tóm tắt như sau:
Có một ông Tăng trẻ, mới xuất gia nhập chúng. Một hôm ngài Xá Lợi Phất đi ngang qua ông, vô tình tà áo của ngài phớt qua mặt ông Tăng trẻ, khiến ông tức giận. Ông Tăng liền lên bạch Phật rằng ngài Xá Lợi Phất đã khinh thường ông. Đức Phật cho người mời ngài Xá Lợi Phất tới và hỏi:
- Này Xá Lợi Phất, có thật là ông đã khinh thường ông tăng này?
- Bạch Thế Tôn, tâm con như đất ...
Chúng ta được bài học gì qua câu chuyện này
Mình biết rõ là tu theo Phật đó là tu Tâm.
Tu Giới: là rèn luyện tâm mình không có những ý nghĩ xấu ác: không khởi ý tham sân , si, thì làm sao có lời nói ác, hành động ác : tham lam trộm cắp, sát sanh, tà dục, vọng ngữ, say sưa rượu chè.
Tu Định: cũng là gìn giữ tâm mình không khởi niệm, thì làm sao những đam mê ghiền nghiện khởi lên được.
Tu Huệ: tiếp xúc với hiện tượng thế gian, mà “không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng”, chỉ biết như thực, biết cái đang là, thì cũng làm chủ được tâm mình.
Như vậy, tu Tâm là quan trọng nhất.
Mà Tâm của ai vậy?
Câu hỏi nầy, dễ trả lời quá, phải không các em? Chắc các em sẽ trả lời ngay, không cần suy nghĩ:
- Tâm của mình!
- Phải, đúng quá rồi!
Mà có khi nào, mình quên hay không? Mình lại đi nhìn tâm của người khác, rồi suy đoán coi người ta nghĩ cái gì, người ta cười là cười cái gì? người ta không cười, tại sao không cười? người ta không nói, tại sao không nói? còn khi người ta nói, tại sao nói câu đó? câu nói đó ám chỉ ai? người ta ám chỉ mình phải không? v.v...
Thôi giờ mình trở lại chủ đề: tại sao cần phải chuyển hóa cái tâm của mình để <Tâm như đất> .
+ Đất xem như chỗ nương tựa của con người, chỗ nương tựa thì cần phải vững chắc. Không gì lay chuyển được. Tâm như là chỗ phát xuất ra ý, lời nói và cử chỉ hành động. Tâm thiện lành, thì sẽ tạo ra ý, lời nói và hành động thiện lành.
+ Đất nhận tất cả những gì người ta quăng xuống nó. Không phản ứng. Tâm cũng phải chấp nhận tất cả những gì người khác trao cho. Khi nhận những lời thương mến, kính trọng, tâm không tự mãn, cao ngạo. Khi nhận những lời giận dữ, phỉ báng oan ức, không biện bạch, không buồn phiền.
+ Đất lại còn chuyển hóa những vật người ta quăng xuống thành ra chất mầu mỡ để rồi từ đất, cây lá xanh tươi, ra trái ngọt, hoa thơm dâng hiến cho đời. Tâm mình cũng vậy. Khi nhận được những tình cảm tốt lành người khác gởi tới, tâm biết đó là những lời khích lệ để mình tiếp tục tu tốt hơn nữa chứ không tự mãn. Để rồi có thể đem khả năng của mình ra giúp ích cho đời. Còn khi nhận những lời đã kích, châm biếm mỉa mai, tâm biết đó cũng là bậc thiện tri thức, giúp mình cẩn thận hơn nữa để không phạm lỗi lầm, hay không nên làm người khác hiểu lầm. Từ đó, như tâm được thử thách, trong lò luyện vàng. Lửa càng nóng, vàng càng rực rỡ. Thì mới biết là vàng giả hay vàng ròng.
+ Đất thì ở dưới chân, ai cũng đạp lên được. Tâm mình cũng phải như vậy thì cái tự ngã mới không có bay lên trời như con diều gặp gió. Dẹp cái tự ngã sát mặt đất. Việc này không phải dễ đâu. Như giới luật của Đức Phật, tất cả các vị tỳ kheo, đều phải đi khất thực- đi xin ăn- mỗi ngày. Dù cho là hoàng tử, công chúa, công tử, trưởng giả, dù là giai cấp quí tộc như Sát đế ly, như Bà la môn... khi phát tâm xuất gia, đều là có chí xuất trần xuất thế, dẹp liền cái bản ngã bằng cách tự hạ mình xuống sát mặt đất, thua kém tất cả mọi người trên đời. Đi xin từng miếng ăn ngay cả từ những người nghèo khó, bần cùng nhất trong xã hội, ngay cả từ những người chưa biết tu hay những người theo tôn giáo khác. Các vị chịu biết bao nhọc nhằn, không kể là nhọc nhằn về thân, mà là về tâm. Để tu tâm mình. Cho tâm mình vào lò luyện vàng.
Bởi vậy, mình thấy thời Đức Phật, tại sao các vị chỉ tu trong một thời gian ngắn là đạt được kết quả tối thượng, thoát khỏi lưới ma, được giải thoát, chứng ngô niết bàn, không còn tái sanh.
Còn mình bây giờ thì sao?
Đừng đổ thừa là tại bây giờ không có Phật, Phật đã nhập niết bàn rồi. Phật đã truyền lại kinh điển đầy đủ, tức là Pháp vẫn thường trụ trên thế gian. Mà khi Pháp vẫn thường trụ thì Phật vẫn thường trụ trên thế gian này. Phật vẫn đang thuyết pháp. Tại mình không nghe, mình không biết.
Hay là mình đổ thừa: có Phật, có Pháp, nhưng chưa có Tăng giải thích rõ ràng, nên mình chưa hiểu thấu chỗ thâm diệu của Kinh, làm sao mà thực hành? Điều này có thể đúng. Tuy nhiên cũng là tự biện minh thôi. Kinh sách đầy đủ, bao nhiêu là pháp. Ta chỉ cần hiểu một pháp. Làm theo một pháp. Theo đúng các điều kiện đòi hỏi là cũng tới kết quả cuối cùng.
Các điều kiện gì? Cô tạm đúc kết sau đây, tuy nhiên mỗi người sẽ uyển chuyển áp dụng theo ý của mình.
+ Chọn một pháp thôi, thí dụ: Quán (vô thường, hay tương quan nhân quả, hay Khổ, hay vô ngã v.v...) hay Chỉ hay Định (không định danh đối tượng, nghe, hay thấy, hay Thở, hay Không nói v.v....) hay Huệ (Biết như thực) hay Tứ niệm xứ (chọn chủ đề thân, hay thọ hay tâm hay pháp) giữ cái Biết, hay chánh niệm và tỉnh giác.
+ Chuyên tâm thực tập, cắt hết những ràng buộc thế gian vô ích. Không tham gia tiệc tùng, hội họp, bạn bè vô ích. Ăn uống có chừng mực, không bỏ nhiều thời gian cho việc nấu nướng, dọn dẹp.
+ Tâm vững chắc, không thoái chuyển. Tự tin, không tin người khác. Không để ý tới những chuyện thị phi.
+ Nếu ở nhà vẫn có thể thực hành được. Thu xếp một ngày trong tuần rảnh rang, không phải nấu nướng, chuyên tâm tu thôi. Ra vườn, ngắm cây cảnh, tùy chủ đề mình chọn, nếu là Quán hay Huệ, thì quan sát thiên nhiên, nhìn sâu vào hiện tượng. Thấy hiện tương. Nhận ra bản thể.Trống Không, Như Huyễn. Giờ tọa thiền nếu chọn Thở hay Không Nói thì tọa thiền theo mức độ của mình.
+ Có giờ để suy gẫm lại mình ra sao trong ngày hôm nay. Có an lạc hơn không? có hiểu sâu hơn không? tâm có an không?
Phần suy gẫm này quan trọng. Kịp thời rút kinh nghiệm cho mình. Hôm nay mình có gặp chuyện gì không vừa ý? – À, tại mình, mình nói câu đó làm người bạn hiểu lầm, sáng mai xin lỗi ngay. A, mình còn tự ái, là còn cái ngã. A, tại mình dính mắc, chuyện của người khác, có liên quan gì tới mình đâu.... A, người ta nghĩ gì về mình, suy đoán làm chi. Nói lén sau lưng, còn tốt, chưa nói ngay mặt mình. Viết thư nặc danh à? Người đó còn tốt, chưa rêu rao mình trên internet, người đó vẫn còn chút từ bi.
Đó là ứng dụng tu làm sao cho <tâm mình như đất> . Ai cho cái gì cũng tốt. Người ta tâm ra sao là chuyện của người ta. Mỗi người đều là chủ của nghiệp của mình, Và mỗi người cũng là người lảnh cái quả, không có sai lạc.
+ Phải tăng thêm những việc làm tốt, dù là việc nhỏ, ban phát ra: một nụ cười, một lời nói hữu ích, giúp bạn bè khi bạn cần v.v... Được như vậy lần lần ý nghĩ ác, lời nói ác bị loại trừ tự nhiên.
+ Dù theo con đường nào trong Phật giáo, cũng không ra ngoài những điều kiện cần thiết này.
Chỉ vì mình chưa quyết tâm thực hành thôi. Đâu có gì khó hiểu, đâu có gì huyền bí. Nằm trong tầm tay mỗi người.
Ai cứ chạy theo phong trào, thấy người khác rộn rịp, tưởng là có cái gì hấp dẫn, có thần thông... cho nên đời dễ bị gạt là vậy. Kho báu trong nhà, mà cứ chạy ra đường tìm kiếm đông tây.
Chỉ cần nhận ra cái Biết Không Lời, là trạng thái tâm trống rỗng, yên lặng, an vui, thanh thản, là kho tàng đem ra sử dụng hoài không hết.
Mà cái tâm đó ở đâu? Nó là cái mình đã có sẵn. Quay lại là thấy. Đừng chạy ra ngoài tìm nữa . Nó ở ngay trước mắt mình. Mắt mình, không phải nhờ mắt người khác. Tâm mình, không cần qua tâm người khác.
Ngày 6- 6- 2020
TN
Chủ nhật này đạo tràng chúng con sinh hoạt online về bài pháp này,Chúng con vô cùng cảm niệm và tán thán công đức của ni sư đã gửi những bài học rất thâm thúy cho chúng con cùng nhau chiêm nghiệm và tu tập trên bản thân
mình. Xin tạ ơn Ni Sư , nhân tiện đây con kính dâng Ni sư và các bạn thiền sinh bài thơ con vừa mới sáng tác. Kính chúc Ni Sư cùng tất cả mọi người có nhiều sức khỏe và thân tâm thường an tịnh.
Nỗi lòng của đất
Cuộc đời sắc sắc ,không không
Cái thân tứ đại ,thiệt không thường hằng
Đủ duyên thì đến kết thân
Hết duyên thì lại bâng khuâng giã từ.
Đất đây cũng vậy con ơi!
Làm sao tránh khỏi ,đổi dời nhân duyên
Loài người dạ ác oan khiên
Ra tay dày xéo -Đất hiền không tha
Nào bom ,nào đạn ,hỏa thiêu !
Dân tình khốn đốn ,tan tiêu cửa nhà
Giờ đây vi rút thật là
Giết bao sinh mạng, Ta Bà ra đi.
Đất mẹ ôm lấy hình hài
Xương người trong chất ngất trời kêu than!
Con ơi ghi nhớ rõ ràng
Định luật nhân quả khó mà thoát ra.
Mẹ đây khổ nạn bốn bề
Phân hôi rất rưỡi , chẳng nề cưu mang
Nhưng mà mẹ chẳng kêu than
Chuyển phân thành đất ,rộn ràng trỗ hoa
Hoa tươi thơm ngát cuộc đời
Cho cây đơm trái ,nuôi người trần gian
Con ơi !hãy cứu đất này
Đem lòng từ mẫn , lành thay mọi nhà!
Đất đang thành khẩn xin van
Xin đừng ô nhiễm đất lành ,tội ghê!
Các con hãy tự quay về
Tự tánh thanh tịnh ,thật không nghĩ bàn !
Vun bồi Đất mẹ bình yên
Xóa tan đau đớn ,mẹ hiền cưu mang
Các con sám hối lỗi lầm
Đất từ nay sẽ đâm chồi nở hoa
Hoa Tâm thơm ngát mọi miền
Đại đồng chung sống hiền hòa bên nhau
Chim vui ca hát đón chào
Hoa lòng nở rộ, biết bao an lành!
Diệu Như ( Houston)
28/6/20