Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 21
Bài này viết cũng vì em thiền sinh thắc mắc hoài về VÔ NGÃ, tuy nhiên cô cũng tặng cho em nào thấy thích hợp với mình. Không còn cách tu nào dễ hơn nữa đâu.
Để cô kể chuyện ngày xưa, mới có ngày nay. Ngày xưa, cách đây chắc cũng 60 năm qua rồi ! Lúc đó cô học lớp đệ nhất trường Gia Long. Cô có một cô bạn thân, hiền lành dễ thương, cười thiệt là tươi. Cô nào ở tuổi 18 , mặc áo dài trắng ôm cặp đi học, chắc cũng dễ thương phải không các em.
Hai đứa ngồi cạnh bên nhau, ở bàn nhứt, vì biết mình không cao bằng mấy chị lớn. Một hôm không nhớ vì sao hai đứa hờn nhau. Cũng có thể vì giờ ra chơi, mấy chị lớn kéo mình đi mua bánh ăn rồi bỏ nó một mình... chứ thời đó có chuyện gì quan trọng đâu. Lúc đó đang giờ học, thầy giảng bài. Nó mở cặp len lén lấy cái gương soi mặt nhỏ xíu ra nhìn. Cô nói thầm: xí xọn ! Nó cười một mình rồi nó nhè nhẹ để cái gương của nó trước mặt cô.
Cô lấy làm lạ nhìn xuống, rồi cô cũng cười luôn. Như vậy là huề, hết giận nhau. Đố các em tại sao nó cười, tại sao cô cũng cười ? Các em biết rồi, vì cái mặt đứa nào cũng ngốc nghếch, mà làm bộ nghiêm trang.
Từ đó cô có kinh nghiệm, mỗi khi bực bội, nhìn vào gương. Sẽ thấy ai vậy? Ủa mình đó sao? Cái mặt này ai dám nhìn. Mỗi khi buồn, cô cũng nhìn gương, hiện ra con ma sầu não.
Phật dạy quán chiếu lại tâm mình. Tổ cũng nhắc: phản quan tự kỷ. Thấy cái Tâm mình, nếu mình chưa làm được, thôi thì mình chịu khó nhìn vào gương đi. Thiệt ra cái Tâm luôn hiển hiện ra ngoài, nét mặt, ánh mắt nhìn, nụ cười, cử chỉ, lời nói, thần sắc, nếp tóc, nếp áo, dáng đi, dáng ngồi. Cái gì cũng là biểu hiện của Tâm.
Mình có khi chưa nhìn rõ tâm mình, cứ tưởng là mình như vầy là hoàn hão rồi. Mình nhìn vào gương. Cái gương rất khách quan. Người khác sẽ thấy mình như cái gương thấy mình vậy.
Khi mình bực bội với con cái, nhìn vô gương đi, thấy hình bóng sân trong gương ra sao, thì con cái nó cũng thấy cái hình ảnh con ma sân giống như mình thấy vậy. Khi nhìn thấy đôi mắt sân của mình, thì mình dịu cơn sân ngay tức khắc. Không cần ra lệnh “không nói”, hay hít thở, hay quán chiếu ... Hãy nghĩ người bạn đời bên cạnh, nếu trông thấy, chỉ một lần thôi, đôi mắt và đôi môi đang giận dữ của mình, thì hình ảnh dịu dàng dễ thương ngày xưa của mình tan biến mất trong tâm người ấy. Còn lại bây giờ là chuỗi ngày chịu đựng lê thê. Cho nên, cuộc đời mới có câu này:
<Tình chỉ đẹp khi còn dang dở,
Tình không vui khi đã vẹn câu thề>.
Cô nhớ ngày xưa có đọc chuyện Tây Du Ký, là một cuốn tiểu thuyết của tác giả Ngô Thừa Ân. Trong đó, Tôn ngô Không thường đánh nhau với yêu quái để bảo vệ Đường Tam Tạng. Có một cái gương thần diệu, tên là: “Kính chiếu yêu”. Hễ lấy cái gương soi ngay mặt người bị nghi ngờ giả đó thì nó hiện hình thiệt là con yêu quái ngay.
Bây giờ mình đâu cần phải có “kính chiếu yêu”. Cái gương bình thường cũng là kính chiếu yêu rồi. Mình giận, nó hiện hình con ma sân. Mình phiền não, thì con ma phiền não hiện ra liền. Trái lại cái tâm an vui, thì là thần sắc an vui. Trong tâm không có ma thì làm gì hiện ra ma được. Hễ an vui thì là hết khổ. Trong giây phút đó.
Con đường tu chỉ là vậy thôi. Làm sao để những con ma trong tâm mình không có cơ hội hiện ra. Thì là mình giải thoát khỏi tầm mắt ngự trị của ma.
Vậy tới đây, em đã biết cách tu tập chưa. Cõi này là cõi của ma vương, khi tham, sân, si ngự trị tâm mình. Cõi này là cõi Phật khi tâm mình thoát khỏi lưới ma vương.
Tổ Đình 28- 5- 2020
TN