THIỀN HÀNH
Có một em thiền sinh đề nghị cô nói lại về phương thức thiền hành. Cô trình bày theo kinh nghiệm.
Thực tập Thiền trong khi đi, ngày xưa, trong kinh điển dùng từ “kinh hành”, tức là đi lên đi xuống và thiền. Bây giờ từ dùng phổ thông là thiền hành.
Theo qui ước, ta bước chân trái trước. Đi từng bước chậm. Không chậm quá, sẽ bước không vững, và cũng không mau như đi bộ bình thường.
Mắt nhìn xuống, trước mặt chừng 1 hay 2 thước. Mục đích là để tránh đạp côn trùng trên đất, tránh sạn sõi hay chướng ngại trên đường đi. Nếu mắt nhìn lên cảnh hay nhìn quanh, thì ta dễ dính mắc theo cảnh.
Hai tay buông xuôi, lung lay chút ít tự nhiên. Không cố gắng đánh đồng xa như tập thể thao, cũng không chắp hai tay trước ngực, cũng không cố ý giữ hai tay thẳng cứng.
Nếu đi chung nhiều người, thường đi theo chiều kim đồng hồ, theo vòng tròn và đi 3 vòng rồi ngồi lại trên gối thiền tiếp. Nếu ta thiền hành một mình ở nhà thì tùy ý, có thời gian thì cứ đi , khi nào muốn ngồi thiền thì ngồi lại.
Trong khi đi, Biết rõ mình đang đi. Cái Biết có thể gắn xuống sự xúc chạm giữa bàn chân và mặt đất.
Thầy Thiền chủ khi xưa có 4 câu này trong bài kệ, tựa “Thiền hành” của Thầy:
“Thiền hành từng bước đi,
Tánh Biết biết chân đi,
Chân đi trên tánh Biết.
Tịch diệt ngã tư duy”.
Cái Biết bắt đầu từ lúc dở chân trái lên, để chân trái xuống, dở chân mặt lên, để chân mặt xuống. Cứ tiếp tục như vậy, thì cái Biết rõ ràng và liên tục. Không thể lơ là. Nếu quên, tạp niệm sẽ xen vào. Bước này có thể phải cố gắng nhiều, nếu ta là người sơ cơ, mới bắt đầu thực hành thiền. Tạm xem như có chú ý tới chủ đề “Đi “ (mindfulness).
Khi dở chân lên, rồi đặt chân xuống thì gót chân chạm đất trước, mấy ngón chân chạm đất sau. Có nghĩa là đi chân đất, nếu đi trong nhà. Đi ngoài sân, có thể đi dép thấp.
Đây là giai đoạn 1 của thiền hành: Biết không lời sự xúc chạm khi đi.
Giai đoạn 1: Biết không lời + sự xúc chạm đi
Tâm đã tạm yên khi thiền hành, ta tiến lên giai đoạn 2, bằng cách nhìn lại tâm mình , nhận biết tâm mình đang yên lặng, không có nói thầm. Tức là tự nhận biết (self awareness) trạng thái yên lặng trống rỗng của tâm.
Giai đoạn 2: Biết không lời + trạng thái tâm trống rỗng.
Trong giai đoạn này, ta đã buông chủ đề “thiền hành“ rồi.
Bây giờ ta tiến lên giai đoạn 3 thực tập các giác quan khác: thấy hay nghe khi đi. Đã qua một thời gian thực hành rồi, cái Biết không lời bây giờ vững chắc, trở thành biết rõ ràng đầy đủ khi thiền hành, gần như là nhận thức biết không lời qua giác quan.
Giai đoạn 3: Tỉnh thức biết không lời + thấy hay nghe. (awakening awareness)
Thực tập xong giai đoạn này, ta có thể ngồi yên một chỗ, không đi nữa, ngồi ngoài vườn, không cần tư thế bán già, chỉ ngồi chơi, thoải mái. Ta ngắm cây cảnh bông hoa, nhận thức rõ ràng “ cái đang là”. Tới đây, xem như gặp phương thức “Yathàbhùta”, thấy , nghe cái đang là. Nhận thức rõ tâm mình như một tấm gương trong veo, soi chiếu cây cảnh bông hoa. Đối tượng thế nào nhận thức biết y như vậy.
Cuối cùng, tới giai đoạn 4. Kỹ thuật ban đầu là thiền hành, tới đây phải tọa thiền. Vì tâm đã dừng, muốn tiến sâu hơn vào Định, bắt buộc phải tọa thiền, theo tư thế chính thức: kiết già, hay bán già để có thể buông thả toàn thân và tâm. Bây giờ không sử dụng giác quan nữa, ta chỉ soi chiếu lại chính trạng thái tâm trống rỗng thênh thang tĩnh lặng hoàn toàn. (self cognitive awareness)
Giai đoạn 4: Nhận thức biết không lời trống rỗng = nhận thức biết không lời như vậy.
Kết luận:
Phương thức đơn giản của thiền hành với cái Biết không lời cũng đưa tới mục tiêu cuối cùng là thể nhập chân như.
Tuy nhiên có thêm một điều kiện là chúng ta phải hiểu trước chân như là gì, qua học giáo lý của đức Phật và chưTổ trong hệ thống Bát nhã Ba la mật. Cuối cùng cô đọng lại, hiểu sâu sắc ý nghĩa cốt lõi của chân như, theo Thầy, đó chỉ là <cái không tên>, nó trở thành nhận thức ngữ nghĩa. Tới đây, trong nhận thức không lời trống rỗng, ta sẽ nhận thức rõ <cái không tên> cùa tâm mình và cảnh. Đó là: tâm như, cảnh như.
Tổ Đình
16- 5- 2020
TN