Hoa tổ đình. Bài pháp trình Thầy.
Cơn đại dịch Corona đã ảnh hưởng sâu sắc đến con người về cả hai mặt thể chất và tâm linh.
Mọi sinh hoạt như dừng lại
Sợ bệnh, sợ chết, sợ đói, sợ chia ly...
Lo cho mình, lo cho người thân.....
Hoang mang về tương lai, về cuộc sống.....
Bên cạnh việc tích trử lương thực lo cho cái thân, con người cũng đã hối hả cùng nhau đi tìm đến tâm linh như nguồn xoa dịu.
Ngay giữa những xáo động bất ổn tận gốc rễ của cuộc sống, Ni Sư đã bình thản gửi đến tất cả thiền sinh những hình, cây lá hoa cảnh thiên nhiên tươi tốt của Tổ Đình, với những lời thăm hỏi yêu thương đến đệ tử của mình.
Con xin có bài pháp trình Thầy.
Khi những hình hoa này hiện rõ ra trước mặt con trên màn ảnh laptop.
Tâm con bỗng nhiên bị chấn động mạnh.
Không thể kiềm chế được, con phải ra quỳ lạy Phật và hướng về Tổ Đình, đảnh lễ vị ân sư, Cố Hòa Thượng Thiền Chủ và Ni Sư.
Qua giây phút chấn động ấy. Con phải thiền định tĩnh tâm giây phút. Hình như làm như vậy, năng lượng tâm của con mới đủ sức mạnh để nhìn lại những hình hoa một lần nữa.
Không phải nhìn hoa mà nhìn ra một chân lý sâu sắc.
Những nụ hoa nhìn lại lần thứ hai, như mới lạ, bừng sáng thật đậm nét, sắc sảo nét chung và riêng, từng đường gân trên lá đến những mục mầm li ti.
Con mĩm cười nhẹ nhàng và lòng dâng lên một niềm hân hoan kỳ lạ.
Tâm con chấn động vì tự nhiên con nghĩ đến câu chuyện “Niêm Hoa Vi Tiếu”.
Câu chuyện “Niêm hoa vi tiếu” được kể rằng.
“Một hôm, trong hội Linh Sơn, trên núi Linh Thứu, trước 1025 hội chúng, Đức Phật cầm một cành hoa đưa lên, hội chúng người thì ngơ ngác vì không hiểu đức Phật muốn dạy điều gì , người thì ráng suy nghĩ tìm ra một lý giải, chỉ có ngài Ca-diếp lặng lẽ mỉm cười. Biết Ca-diếp đã lãnh hội, đức Phật nói: “Nay Ta đem pháp nhãn tạng thanh tịnh, diệu tâm Niết-bàn, thực tướng vô tướng, là chánh pháp vi diệu, giao lại cho ông, ông nên hộ trì”.
Từ câu nói này, chư vị Thiền sư tiền bối đã diễn đạt thành:
Phật đưa cái hoa lên là ý Ngài đưa cái Tâm, cái Bổn Tâm duy nhứt nơi mỗi con người, lên cho tăng chúng thấy. Thế mà tăng chúng chỉ thấy bông, thấy phương tiện, thấy tướng mà không thấy Tâm. Chỉ có Ca Diếp là thấy được Tâm, quán triệt được chỗ vi diệu của Chánh pháp của Phật, không bị cái tướng của cái bông che mắt, chỉ có cái bổn Tâm là bí truyền của Phật.
Và câu kết luận là: "Nếu ngộ được diệu ý này thì gần Đạo không xa”.
Kính bạch Thầy,
Đức Phật đã mở bày nhiều pháp hội, diễn thuyết vô lượng pháp môn, khiến cho trời người đều được lợi lạc.
Cũng như bản thân con và các bạn đạo khác cũng đã có duyên được học, được nghe trực diện hay gián tiếp những bài giảng của Thầy Thiền Chủ, của Ni Sư, của các vị giàng sư khác của Tăng Đoàn Thiền Tánh Không, cùng những lời chia sẽ kinh nghiệm tu tập quí báu của nhiều vị hành giả tinh tấn.
Nhìn lại, có những bạn đạo, được tiếp cận với Pháp của Thiền Tánh Không dài như 10, 15 năm, ngắn như 4,5 hay 3, 2 năm.
Nhìn lại đã có biết bao nhiêu giờ nhập thất, biết bao nhiêu giờ ngồi thiền, biết bao nhiêu giờ nghe pháp.
Tất cả những vốn liếng đó đã được Thầy và Ni Sư tận tụy trao truyền.
Vốn liếng ấy đã phải được tự chính chúng con cấy trồng và nuôi dưỡng từ khi tiếp nhận.
Giai đoạn “nhận Pháp qua lời = Cái Biết Có Lời”, là giai đoạn mở đầu, dần dần đã được Ni Sư nuôi nấng chăm chút từng bước nhỏ, chuẩn bị một ngày nào đó, từng cánh chim non sẽ phải một mình, tự tung ra bầu trời giông bảo .
Con đường tu trãi dài theo cùng con đường đời, có giới hạn tháng năm, ngay cả từng sát na, chúng con tu tập, ngày phải tiến đến gần “Nhà” chứ không thể lang thang rong chơi tìm kiếm mãi.
Kính Ni Sư, riêng con, con phải tự mình luôn soi rọi lại xem mình đang ở đâu. Thường xuyên kiểm điểm chính mình để thấy sự chuyển hóa tu tập của mình ra sao. Có khi trồi, có khi sụt.
Con luôn tự hỏi, mình đang ở đâu?
Có còn phải luôn luôn nương vào “hơi thở”, “tiếng chuông”, “câu niệm phật”, “tiếng Không Nói”, nhất là phải từ một nguồn bên ngoài, thì mới thiền được hay không?
Con đã có thể tự quay lại “Bổn Tâm” mà tìm ngay đó “tiếng chuông, câu niệm phật, tiếng không nói, hơi thở “ hay không?
Con đã có thể muốn “on là on, muốn off là off” hay chưa?
Vì Phật dạy rằng:
Giải thoát, Niết Bàn là trạng thái tự chứng, tự nội qua tự thực hành thể nghiệm và hằng sống với cảnh giới ấy bằng nhận thức trực tiếp, mà không thể luôn luôn phải tìm cầu bên ngoài, nương tựa vào người khác.
Nói đến đây con nhớ lại một lời của Chúa:
“Tiếc thay mùa màng thì phong phú mà chẳng có người gặt”
và Ngài Huệ Năng: “Hà kỳ tự tánh bổn tự cụ túc”.
Một triết gia Tây phương:
“Hạnh phúc là cái khi bạn đuổi bắt thì nó vuột khỏi tầm tay. Nhưng khi dừng lại, thì nó ở cùng với bạn”
Con kính tri ân Ni Sư.
Những nụ hoa đã đưa con về thực tại, dừng lại cuộc bôn ba tìm đuổi, mà quay về lại Bổn Tâm vì như Krishnamurti: “Chân lý là mảnh đất không lối mòn, vì nó chính ngay đó”
Con và Thiện Tánh kính chúc Ni Sư thân tâm thường an lạc.
Kính.
Như Uyển & Thiện Tánh