Đời sống của chúng ta rất là mong manh, dễ vở. Tại sao dễ vở? Vì bất cứ cái gì trên đời này đều do nhiều yếu tố kết hợp thành. Ví dụ, như khi muốn thấy, trước tiên phải có con mắt để thấy, kế đó cần có đối tượng để thấy, kế đó nữa là phải có ánh sáng và sau cùng, phải có cái biết. Tóm lại, muốn thấy phải có con mắt tốt, có ánh sáng, có đối tượng và có cái biết. Nếu thiếu một trong những yếu tố đó thì sẽ không có cái thấy. Sự thật là như vậy, Đức Phật chỉ ra tất cả mọi sự việc đều có nhân duyên. Đối với chúng ta, chỉ có cái muốn, chúng ta không quan tâm đến chuyện phân tách trên. Chúng ta chẳng những muốn thấy mà còn muốn nghe; chẳng những nghe mà còn mũi ngữi, lưỡi nếm; rồi tay sờ xúc chạm. Nhưng mà tất cả những cái đó đều phụ thuộc hết; cái chánh yếu chính là cái biết. Chuyện của Tổ Đạt Ma khi chưa xuất gia còn là một vị Hoàng tử. Vua cha có ba người con; người con lớn là Thái tử tức là vị sẽ kế ngôi vua; vị thứ nhì là Hoàng tử, vị thứ ba cũng là Hoàng tử. Có một lần Tổ Bát Nhã Đa La đến thăm vua cha. Vua cha cúng dường cho Tổ Đa La một viên ngọc quý; sau đó Tổ đến gặp ba người con của vua gồm Thái tử với hai Hoàng tử. Trong đó Tổ Bồ-đề-đạt-ma sau này chính là vị hoàng tử thứ nhì. Tổ đưa viên ngọc lên và hỏi viên ngọc có quý không? Hai người anh lớn đều cho rằng viên ngọc này là quý, là vô giá. Riêng vị hoàng tử thứ nhì lại nói viên ngọc tuy quý nhưng không quý bằng cái khác. Có thứ quý hơn cả viên ngọc nữa. Tổ biết rằng người con út này sáng trí hơn hai người anh. Tổ mới hỏi vì sao? Vị Hoàng tử thứ nhì trả lời rằng vì nhờ có cái biết mới biết viên ngọc là quý nên cái biết viên ngọc quý hơn viên ngọc. Nhờ có cái biết mới biết được hay hay dỡ, tốt hay xấu. Chứ viên ngọc chỉ là viên ngọc. Chúng ta chỉ quen sử dụng cái thích và ham muốn chứ không biết luyện cái biết. Chúng ta cái gì cũng muốn, nhưng mà không biết làm sao để đạt được cái muốn đó. Chúng ta chỉ quen sử dụng cái trí khôn ngoan, cái hay, cái khôn, cái hơn thua để đạt được cái mong muốn. Chứ không biết làm sao phát triển cái biết. Ở đời, chúng ta cứ nghĩ rằng tiền tài danh vọng, sắc đẹp tất cả đều quý chứ không nhận ra chính cái biết là quý. Chúng ta không có để ý tới cái biết mà chỉ quen ham thích, sở thích và nhu cầu. Thành ra, chúng ta chạy theo ảo ảnh; vì chạy theo ảo ảnh khiến cuộc đời này trở nên rất là mong manh. Mong manh ở cái chỗ là ngày qua tháng lại, tuổi đời chồng chất, thân càng ngày càng yếu, rồi đủ thứ bệnh tật khiến cho cái muốn càng ngày càng bị hạn chế; và do không còn khả năng thỏa mãn được ham muốn nữa nên sanh đau khổ. Khi còn trẻ còn khỏe còn đi chơi, còn enjoy, còn sung sướng được thì còn hưởng được hạnh phúc. Còn đến khi yếu đuối, bệnh hoạn rồi thì đâu còn thấy vui trong cuộc đời này nữa.
Kết luận, cuộc đời rất là mong manh, rất là dễ vỡ nên chúng ta phải nương tựa vào cái biết. Quý vị cũng có cái biết nhưng cái biết đó là cái biết của Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức chứ không phải cái biết của Tánh biết. Một bên là cái biết của ý căn, ý thức, trí năng là cái biết của tâm phàm phu, còn một bên là cái biết của Tánh biết: tánh thấy, tánh nghe, tánh xúc chạm. Một bên là cái biết sanh diệt; một bên là cái biết không sanh diệt. Cái biết của chúng ta hay sử dụng là cái biết của phàm phu. Tức là cái biết của ý căn, ý thức, trí năng; cái biết của hôm qua hôm kia, cái biết của bữa nay, cái biết của ngày mai. Cái biết này là cái biết sanh diệt, cái biết phiền não. Chúng ta chỉ thấy có một mặt mà không thấy mặt thứ hai nên khi đi tìm hạnh phúc thì sẽ gặp đau khổ, đi tìm niết bàn thì sẽ thấy địa ngục. Cách thực hành Thiền là không tìm cầu. Chỉ quay trở lại với cái biết không hai. Thiền bằng ý thức là tìm cầu. Đi tìm thiền bằng ý thức thì sẽ chết vì ý thức. Đi tìm thiền bằng ý căn thì sẽ chết vì ý căn. Đi tìm thiền bằng trí năng thì sẽ chết vì trí năng. Thiền chỉ là cái biết không hai, cái biết thanh tịnh. Cái biết này luôn hiện hữu khi mình không suy nghĩ, suy tính, phân vân, đắn đo. Cái biết này là tự biết và không có cái tôi biết. Chính cái biết này mới là nơi nương tựa trong đời sống mong manh dễ vở này.
- Tag :
- thich khong chieu
Send comment